Hỏi: Xin quý luật sư : Về hình thức Giấy Khai sinh của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng có Giấy Đăng ký kết hôn có khác với mẫu Giấy Khai sinh của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có Giấy Đăng ký kết hôn không ? Nếu có thì hình thức của 2 mẫu giấy Khai sinh đó như thế nào ? Vì tôi có gia đình người bạn không có làm giấy ĐKKH, sau khi vợ của anh bạn ấy sinh con và làm giấy khai sinh cho con thì không có tên cha, sau đó họ làm thủ tục nhận cha cho con xong và thay đổi họ của đứa trẻ. Sau khi nhận lại Giấy khai sinh thì vẫn là Giấy KS cũ và kèm theo 1 bản Quyết định nhận cha cho con và thay đổi họ của đứa trẻ chứ không phải là Giấy Khai sinh mới có tên cha và mẹ trong đó. Mong quý luật sư cho hồi đáp. Chân thành cảm ơn. (Hong L.)
Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:
Giấy khai sinh có thể xem là giấy tờ pháp lý quan trọng nhất của một con người, xác định ngày tháng năm sinh, cha mẹ là ai, sinh ở đâu … Giấy khai sinh chỉ được cấp một lần duy nhất (thường do cha mẹ làm cho con). Nếu ai chưa có thì về sau có thể làm và gọi là “khai sinh trễ hạn”. Ngoài ra, khi phát hiện trong Giấy khai sinh có chi tiết sai, tình tiết cần bổ sung – thì làm thủ tục điều chỉnh, đính chính giấy khai sinh, chứ không phải là được cấp Giấy khai sinh mới.
Tại Việt Nam, mẫu giấy khai sinh đã thay đổi nhiều lần qua từng giai đoạn, nhưng không có sự phân biệt giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú (cha mẹ không có đăng ký kết hôn, không phải là vợ chồng). Theo đó, nếu tại thời điểm người mẹ làm Giấy khai sinh cho con mà chưa có chồng (chưa đăng ký hoặc thậm chí “ngoại tình”) và/hoặc không muốn khai tên cha cho cháu bé thì cơ quan hộ tịch vẫn cấp Giấy khai sinh cho cháu bé, phần tên cha để trống, nhưng có ghi chú trong Sổ hộ tịch là “con ngoài giá thú”. Sổ này lưu giữ và quản lý bởi cán bộ hộ tịch tại địa phương (xã/phường).
Như vậy, việc anh nêu, sau khi đã có Giấy khai sinh cho cháu bé, người cha nhận con và thay đổi họ cho cháu bé – thì đây là những tình tiết pháp lý mới, diễn ra sau khi cháu bé đã được cấp Giấy khai sinh, nên cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Những điều chỉnh, bổ sung này được pháp luật qui định thể hiện “tách riêng” ra – thông qua các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải là điều chỉnh thẳng vào Giấy khai sinh “gốc” như ý anh hỏi. Vì, như đã nói ở trên, Giấy khai sinh chỉ cấp một lần duy nhất mà thôi. Nếu điều chỉnh thẳng vào bản gốc thì sẽ dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản”, rất khó quản lý, theo dõi.
Thực ra, việc điều chỉnh giấy tờ pháp lý theo kiểu gián tiếp như nêu trên là khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực (chẳng hạn như khi một người bán nhà cho người khác, thì người mua có thể không được cấp Giấy sở hữu nhà mới mà chỉ được điều chỉnh, ghi tên mình vào trang sau (theo dõi biến động) mà thôi. Đó là nguyên tắc quản lý do Nhà nước qui định.
Nói tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh phần “người cha” và thay đổi “họ” cho cháu bé – thể hiện tại quyết định hành chính như anh nêu là phù hợp với qui định của pháp luật. Tất nhiên, xét về mặt tâm lý và yếu tố “tế nhị” thì có thể thấy sự điều chính như vậy đã vô hình chung ta ra sự khác biệt (và cũng là “phân biệt”) giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú. Tuy nhiên, đây là một “thực tế lịch sử” của cháu bé mà chúng ta không thể bác bỏ, dù muốn hay không muốn. Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng.
Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả.
Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website
này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn
nhân gia đình – Quyền trẻ em”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|