Saturday, September 6, 2014

Hỏi về việc hủy hôn nhân trái pháp luật


Hỏi: Chào luật sư! Tôi có vài vấn đề liên quan đến luật hôn nhân-gia đình có yếu tố nước ngoài, mong luật sư hướng dẫn giúp. Tôi kết hôn với chồng tôi ở Sở Tư Pháp TPHCM năm 2008. Nhưng trong thời gian đó thì anh ấy vẫn còn hôn thú với người vợ bên Mỹ (đến tháng 1/2011 thì anh ấy mới chính thức có Giấy chứng nhận li dị với vợ).

Tôi muốn hỏi, trường hợp hôn nhân của tôi và chồng tôi có phải là trái pháp luật không? Nếu là trái pháp luật thì tôi cần phải có những giấy tờ gì để nộp lên TAND TPHCM để hủy bỏ cuộc hôn nhân này?


Hiện tại tôi có giấy tờ chứng nhận kết hôn của tôi và chồng tại Sở Tư Pháp TP. HCM (năm 2008), và bản copy GCN li dị của chồng tôi với vợ (năm 2011). Như vậy có đủ bằng chứng để nộp lên Tòa Án VN xin " Hủy Hôn Nhân Trái Pháp Luật" chưa?

Bên văn phòng luật sư có nhận lo thủ tục "hủy hôn nhân trái pháp luật" với người nước ngoài không? Nếu có, có thể cho tôi biết chi phí là bao nhiêu và thời gian Tòa Án chấp nhận "hủy hôn" là khoảng bao lâu? Mong hồi âm sớm. Chân thành cảm ơn. (Phuong Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Liên quan đến vấn đề chị hỏi, chúng tôi có vài ý trao đổi như sau:

Theo quy định tại khoản 1 điều 103 Luật Hôn nhân và gia đình “việc kết hôn giữa công dân VN với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại VN thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”.

Điều kiện kết hôn tại Việt Nam qui định tại điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

1. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn là tự nguyện, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Các trường hợp cấm kết hôn qui định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.

Qua những qui định như trên, có thể thấy trường hợp kết hôn của chị đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật Việt Nam. Cụ thể là khoản 1 điều 10 ( kết hôn với người đang có vợ) – tại thời điểm đăng ký kết hôn.

Theo qui định tại khoản 3 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình, thì “Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định”. Như vậy, có thể nói hôn nhân của chị - tại thời điểm đăng ký kết hôn, là “hôn nhân trái pháp luật”.

Về nguyên tắc, để chủ động hủy hôn nhân trái pháp luật của mình, chị có quyền và cần liên hệ với TAND cấp tỉnh nơi bạn cư cú để được giải quyết (vì hôn nhân của chị có yếu tố nước ngoài). Cụ thể, TAND TP. HCM là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc hủy hôn nhân trái pháp luật của bạn. Toà án sẽ xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật của bạn. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

Theo qui định, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Tuy nhiên, vấn đề mà tôi băn khoăn ở đây là hiện nay chồng chị đã có “Giấy chứng nhận ly dị với vợ” cấp tháng 1-2011. Với yếu tố này (giả sử là chính xác), thì hiện tại quan hệ hôn nhân của chị đã không còn vi phạm điều cấm như nói ở trên nữa. Mà như vậy, thì việc hủy hôn nhân của chị liệu có cần thiết phải đặt ra nữa hay không? Vì lúc này, việc “hủy” sẽ đồng nghĩa với việc chị và người chồng hiện nay “ly dị”. Cho nên, câu hỏi đặt ra mà chị phải trả lời và lựa chọn là: chị hiện có hạnh phúc hay không? Có muốn tiếp tục chung sống với người chồng hay không? Nếu chị cảm thấy không có hạnh phúc thì mới nên làm thủ tục “hủy hôn nhân trái pháp luật” hoặc “ly dị” ( Trường hợp này sẽ không nộp Giấy chứng nhận ly hôn của người chồng cho Tòa án).

Về việc chị muốn nhờ, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ theo dạng “tư vấn pháp lý, soạn thảo văn bản, đơn từ và cử luật sư bảo vệ quyền lợi tại Tòa án” chứ không thể đại diện (theo ủy quyền) cho bạn để trực tiếp làm. Vì theo qui định của pháp luật, đương sự trong vụ án ly hôn không thể ủy quyền cho người khác giải quyết việc ly hôn của mình ( vì có nhiều điều liên quan đến quyền nhân thân – không thể chuyển giao cho người khác được).

Thời gian giải quyết vụ việc của chị nhanh hay lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chị nên xác định trong khoảng tối đa là 1 năm. Chúc chị mọi sự tốt đẹp. Thân mến. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn