Hỏi: Chào luật sư, cho em hỏi, bạn em và một bạn nam khác sau khi đi nhậu về. Bạn nam kia vì thấy bạn em say hơn nên đã đề nghị điều khiển xe - mà xe máy này là của bạn em. Vì vậy, bạn nam ấy chở bạn em, còn bạn em ngồi sau xe. Bạn nam ấy không đội nón bảo hiểm, còn bạn em thì đội nón bảo hiểm.
Đến đoạn đường gần nhà, vì cả hai không làm chủ tốc độ nên đã lủi xuống đường cả hai đều té và bất tỉnh. Bạn em nhờ có nón bảo hiểm nên đập đầu xuống đường mà không sao chỉ bất tỉnh và sau đó vài giờ nằm trong bệnh viện thì bạn em tỉnh dậy, chỉ bị trầy chân tay.
Còn bạn nam kia do không đội nón bảo hiểm nên khi đập đầu xuống đường thì bị chấn thương đầu. Sau khi cấp cứu một ngày 1 đêm thì bạn nam ấy qua đời. Bây giờ người nhà bạn nam ấy cứ cho rằng bạn của em điều khiển xe và làm khó. Như vậy, luật sư có thể cho em biết bây giờ bạn em nên làm gì ? để chứng minh bạn ấy ngồi sau xe bạn nam kia điều khiển? và trường hợp của bạn em thì sẽ bị xử phạt như thế nào ? Em cảm ơn luật sư nhiều ! (Kim A.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Câu chuyện bạn kể nếu là một câu đố pháp luật thì sẽ khá hay và lý thú. Sẽ có nhiều quan điểm, ý kiến phân tích, đánh giá, nhiều tình huống giả thuyết được nêu lên …vv. Nhưng đáng tiếc đây lại là một câu chuyện có thật và không đáng vui tí nào.
Trước hết, việc uống (say) rượu, bia, không đội nón bảo hiểm mà vẫn điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường là hoàn toàn sai (vi phạm luật giao thông đường bộ). Chính sự vi phạm này là nguyên nhân gây ra cái chết không đáng có cho người bạn nam.
Xét về mặt pháp lý, việc xác định ai là người đã cầm lái (điều khiển chiếc xe gắn máy) là “chìa khóa” để mở ra (hay chính xác hơn là “kết lại”) việc có hay không một hành vi tội phạm trong vụ việc này.
Về nguyên tắc, hành vi điều khiển xe gắn máy trong tình trạng sai phạm như trên, lại xảy ra hậu quả chết người – là đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ - có dấu hiệu của hành vi phạm tội. Cụ thể ở đây là tội “vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải xác định ai là người đã điều khiển xe gắn máy gây ra tai nạn kể trên. Nếu người điều khiển là người bạn nam - đã chết, như lời bạn kể - thì vì chủ thể của tội phạm (người có hành vi phạm tội) không còn nữa, nên xem như vụ án sẽ không được khởi tố (tức là không có vụ án, không có ai bị đưa ra xét xử).
Ngược lại, nếu có căn cứ xác định bạn của bạn là người điều khiển xe gắn máy – như ý kiến của người nhà người bạn nam đã chết, thì nhiều khả năng cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bạn của bạn, để điều tra, làm rõ và đưa ra xét xử về tội danh nói trên.
Câu hỏi của bạn là nên làm gì để giúp người bạn của bạn – thật ra cũng dễ mà khó. Nếu thực sự người bạn này không phải là người điều khiển xe, thì cách “giúp” tốt nhất là khuyên bạn cứ thật thà khai báo, trình bày đúng sự thật và khẳng định mình chỉ là người ngồi sau. Còn ngược lại thì có 2 hướng: một là thừa nhận sự thật, hai là chối – tức là khai báo không đúng sự thật. Lúc này lại có 2 khả năng: một là cơ quan điều tra sẽ vẫn xác minh và chứng minh được người bạn này chính là người điều khiển xe gắn máy. Khi đó, hành vi khai báo gian dối sẽ bị xem là tình tiết tăng nặng. Hai là cơ quan công an sẽ … chào thua, vì không thể xác minh làm rõ.
Với tư cách là một luật sư, tôi không có quyền và cũng không bao giờ hướng dẫn khách hàng của mình khai báo gian dối. Vì như vậy là con dao hai lưỡi, có thể làm cho thân chủ của mình càng nặng tội hơn. Vả lại, khai báo gian dối thì thường bao giờ cũng có sự mâu thuẫn giữa lời khai và các tình tiết, chứng cứ khác trong vụ án. Chẳng hạn như nếu giám định dấu vân tay trên tay nắm chiếc xe có thể xác định ai là người lái xe, hoặc có thể có nhân chứng nào đó nhìn thấy người lái xe …vv. Hay nói cách khác, chứng minh một sự thật có thể là khó nhưng vẫn có thể chứng minh được. Còn chứng minh một điều không có thật thì chỉ là sự ngụy biện vô căn cứ, dễ bị phát hiện, bác bỏ.
Về việc xử phạt như thế nào, còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Nên lúc này chắc chắn không thể trả lời chính xác được. Bạn có thể đối chiếu với điều luật dưới bài viết này để tham khảo và hình dung các tình huống có thể xảy ra. Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành
chính – Hình sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|