Wednesday, September 10, 2014

Hỏi tiếp về việc ly hôn sau bài “Không ký đơn & quyền nuôi con”


Hỏi: Lời trước tiên gia đình em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Luật sư Trần Hồng Phong. Qua nội dung trả lời từ phía Luật sư gia đình vẫn còn một số thắc mắc nữa muốn hỏi Luật sư như sau:

1. Nếu chị gái em không ký đơn ly dị mà anh chồng của chị vẫn 1 mình đơn phương ly dị khi đó tòa án sẽ giải quyết vắng mặt chị gái. Trong trường hợp này thì trong đơn anh chồng đề nghị sẽ nuôi con mặc dù chị không đồng ý thì liệu rằng Tòa án có xử cho anh được quyền nuôi con theo đơn khi vắng mặt chị không ạ? ( Đứa trẻ này chị vẫn nuôi dậy cháu từ nhỏ mà bố cháu lại chưa lo được gì cho cháu, giờ vì muốn bỏ chị mà lại muốn dành quyền nuôi cháu) thì liệu rằng Tòa án sẽ xử như thế nào khi chị nhất định sẽ không tham gia ký đơn hay về ngoài Bắc để tham gia vào phiên tòa.


2. Hai mẹ con chị đã chuyển hộ khẩu vào Nam từ lâu, chỉ có chồng chị là hộ khẩu ở ngoài Bắc thôi, giả sử 1 ngày nào đó khi tòa án xử ly hôn cho anh chồng mà chị không có mặt ở tòa thì nếu chị muốn dành quyền nuôi con thì nhất định có phải ra ngòai đó không ạ? theo như luật sư đã trả lời là nên nhờ Luật sư hỗ trợ mà chị lại ở trong Nam thì có nhất thiết phải cùng Luật sư trong này ra tận nơi Tòa xử để Luật sư hỗ trợ dành quyền nuôi con cho chị không? Nếu mình không ra đó mà ở trong này chắc khó giải quyết được mọi việc theo ý muốn đúng không luật sư?

3. Nếu anh chồng có điều kiện thuê Luật sư riêng khi ra tòa, khi đó tòa xét sử mà vắng mặt chị thì liệu rằng phần nuôi con có thuộc về anh không? ( Tran Ch.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trong phần trả lời trước đây, tôi có trả lời là tòa có thể xử vắng mặt đương sự. Từ “có thể” ở đây là một khả năng mà tôi hình dung ra trong sự việc của chị, chứ không phải chắc chắn sẽ như vậy. Về nguyên tắc, Tòa chỉ xử vắng mặt khi bên vắng mặt bị “mất liên lạc hoàn toàn”, phía nguyên đơn (giả sử là người chồng” không biết đang ở đâu, không liên hệ được. Khi đó, trước khi xử Tòa cũng sẽ có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) về việc đang thụ lý đơn kiện của người chồng, yêu cầu người vợ liên hệ với Tòa. Chỉ sau khoảng 3-6 tháng kể từ ngày thông báo mà vẫn “bặt tin” người vợ thì Tòa mới xử vắng mặt.

Còn trong trường hợp này, vì chị đang có hộ khẩu, đang ở tại TP.HCM và người chồng hoàn toàn biết về việc này, nên về nguyên tắc người chồng có thể nộp đơn ly hôn ở cả miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh (là nơi người vợ đang ở). Theo qui định của pháp luật, khi đương sự nhận được giấy triệu tập của Tòa thì bắt buộc phải có mặt, nếu không sẽ bị cưỡng chế tới Tòa ( mặc dù trên thực tế việc hày là rất hiếm nhưng không phải là không thể). Hay nói cách khác, phía người vợ không thể và không nên sử dụng phương án “nhất định không” như chị nói được đâu. Dù rằng, như đã nói, việc này có thể sẽ khiến cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài, khó khăn hơn.

Và, một khi Tòa đã giải quyết vụ án ly hôn thì chắc chắn cũng sẽ giải quyết vấn đề quyền nuôi con khi ly hôn. Điều này cũng có nghĩa là phía người vợ thay vì “né tránh” thì tốt hơn hết là hãy chuẩn bị “lý lẽ” của mình để giành “thắng lợi” trong việc nuôi con.

Về việc thuê luật sư và ảnh hưởng của luật sư đến kết quả giải quyết vụ án: cần phải hiểu luật sư là người hỗ trợ pháp lý cho đương sự. Do vậy, khi gặp tranh chấp về pháp lý thì nên mời (thuê) luật sư để được giúp đỡ về các vấn đề như : tư vấn (giải thích, hướng dẫn) pháp luật, soạn thảo đơn từ (bản trình bày, quan điểm, lý lẽ) và bảo vệ quyền lợi tại phiên tòa (khi xét xử)…vv. Tùy vào tình hình thực tế và khả năng mà có thể thương lượng và thỏa thuận với luật sư về việc luật sư sẽ làm những công việc gì, tham gia vào giai đoạn nào trong vụ án …vv. Thông thường, chi phí đi lại, ăn ở của luật sư (nếu có) là do đương sự trả. Do vậy, nên mời luật sư tại địa phương, gần nơi Tòa án giải quyết cũng là một cách để tiết kiệm chi phí.

Còn việc luật sư có thể làm ảnh hưởng đến kết quả vụ án như thế nào trước hết phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của người luật sư. Điều này cũng giống như một bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại một Phòng mạch bác sĩ vậy. Có khi bác sĩ chữa khỏi bệnh, mà cũng có khi đành bó tay vì bệnh quá nặng, ngoài khả năng chữa trị. Ấy là chưa kể tới các yếu tố khách quan khác, chẳng hạn như phía bên kia bỏ tiền ra “chạy án” chẳng hạn. Khi đó, công việc của luật sư sẽ lại càng khó khăn hơn nữa. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn