Monday, September 1, 2014

Rút cổ phần khỏi công ty có cần luật sư đại diện?


Hỏi : Đầu năm 2009, tôi có tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần gồm 4 thành viên. Và tôi đồng thời đứng tên Giám Đốc trên giấy phép kinh doanh của công ty & tôi làm việc trực tiếp tại công ty.

Đến tháng 6/2010 tôi thôi công tác tại công ty. Sau khi thôi công tác đến tháng 12/2010, tôi không nhận được bất cứ thông báo nào của công ty về phần vốn góp của mình cũng như thay đổi đại diện pháp luật trên Giấy phép kinh doanh. Tôi đã chủ động liên hệ lại với công ty về phần góp vốn của mình. Phía công ty yêu cầu tôi phải rút vốn và mất phần vốn góp của mình vì vào thời điểm tháng 6/2010, khi tôi thôi công tác tại công ty là lúc công ty đang bị thua lỗ cho nên tôi sẽ phải chia lỗ với công ty.


Tôi đã đưa ra đề nghị với công ty:

1. Tôi sẽ tiếp tục giữ phần góp vốn của mình đến khi công ty kinh doanh có lời thì tôi sẽ thu hồi lại phần vốn góp. Nếu công ty cần góp thêm vốn thì tôi sẽ xem xét và góp thêm. Hoặc

2. Cổ đông sáng lập khác của công ty sẽ mua lại vốn góp của tôi với giá gốc.

Phía công ty không đồng ý với đề nghị của tôi. Công ty muốn mua lại phần vốn góp của tôi nhưng thấp hơn giá gốc và yêu cầu tôi phải có luật sư đại diện để làm việc với công ty. Hiện tôi chưa biết phải giải quyết thế nào. Tôi muốn thu hồi lại đúng phần vốn góp của mình.

Xin luật sư tư vấn giúp, vấn đề này có cần đến luật sư đại diện để làm việc không. Nếu phía công ty không có bất cứ văn bản hoặc thông báo nào thì sau này khi tôi yêu cầu rút vốn hoặc chia lợi tức như các cổ đông khác thì có được không? Xin chân thành cám ơn.

Xin nói thêm : Tôi chỉ đứng tên GĐ, tôi không điều hành công ty, nhiệm vụ chính của tôi là Quản lý dự án. Tôi biết công ty hoàn toàn không thua lỗ. Sau khi thôi công tác, tôi cũng không được công ty trả sổ bảo hiểm hay thanh toán tiền trợ cấp theo quy định. Ngoài ra còn rất nhiều những khoản thưởng sau dự án mà tôi được hứa thưởng nhưng hoàn toàn không nhận được. ( Nguyen Kh.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo trình bày, anh là cổ đông sáng lập của công ty. Theo qui định tại Luật doanh nghiệp, cổ phần của cổ đông sáng lập không được chuyển cho người bên ngoài (cổ đông mới) sau 3 năm kể từ khi công ty thành lập. Do vậy, hiện nay anh chỉ có thể chuyển nhượng (bán lại) cổ phần (phần vốn của mình) cho các cổ đông sáng lập còn lại trong công ty.

Ngoài ra, tuy anh là giám đốc và đã nghỉ làm tại công ty từ 6-2010, nhưng với tư cách là người góp vốn, người chủ công ty - anh vẫn có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty – với tư cách là cổ đông. Do vậy, anh vẫn đang có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một cổ đông như những thành viên khác trong công ty ( tương ứng với số cổ phần mà anh có). Còn việc anh làm hay không làm ở công ty là quan hệ khác : quan hệ pháp luật lao động. Không liên quan đến việc anh rút vốn (cổ phần tại công ty). Hay nói cách khác, vấn đề rút vốn khỏi công ty không liên quan đến vấn đề đang làm việc tại công ty.

Tuy nhiên, do anh là giám đốc, và có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty ( có công ty qui định người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch Hội đồng quản trị) – trong khi công ty đang hoạt động, nên anh nhất thiết cần phải kiểm tra và làm rõ xem tên anh (mục người đại diện theo pháp luật) có còn trong Giấy đăng ký kinh doanh không. Nếu không còn tức là những thành viên còn lại đã cố tình làm sai, gian dối – và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với anh. Trong trường hợp này, anh có thể sẽ phải khởi kiện hoặc tố cáo để giải quyết dứt điểm vấn đề pháp lý này. ( Anh hãy hình dung, lỡ công ty làm gì sai thì sao ? – trong khi anh đang là giám đốc !)

Về việc rút vốn ra khỏi công ty ( cũng có nghĩa là bán lại cổ phần của mình), việc xác định giá trị cổ phần như thế nào ( tăng lên hay giảm đi – so với lúc ban đầu) – là do sự thỏa thuận giữa các bên – dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh, tiềm năng, khách hàng …vv của công ty. Không nhất thiết công ty làm ăn lỗ thì giá trị cổ phần giảm xuống.

Mặt khác, về nguyên tắc hiện nay anh vẫn đang là cổ đông của công ty, nên công ty không có quyền nói là sẽ “cắt” quyền lợi và cổ phần của anh ở thời điểm tháng 6-2010. Hoặc anh phải chịu lỗ vì thời điểm trước khi anh nghỉ công ty đang thua lỗ. Nếu hai bên giải quyết không ổn thỏa, anh có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

Về việc công ty nói anh phải có luật sư đại diện: không có qui định nào bắt buộc như vậy. Tuy nhiên thông thường thì các trường hợp như thế này sẽ liên quan đến nhiều thủ tục, vấn đề pháp lý – đòi hỏi phải có chuyên môn và sự hiểu biết nhất định. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng anh nên có luật sư đại diện cho mình cũng là phù hợp. Trên thực tế, Văn phòng chúng tôi cũng đã khá nhiều lần đại diện cho thân chủ giải quyết các vấn đề như của anh. Chúng tôi chân tình khuyên anh không nên tiếc chi phí để nhờ luật sư trong trường hợp này. Vì qua thư, chúng tôi thấy anh chưa nắm rõ nhiều vấn đề, trong khi quá trình giải quyết sẽ khá phức tạp và chắc chắn sẽ có sự tranh cãi, đấu tranh về quyền lợi giữa hai bên – thậm chí phải ra Tòa án.

Về việc hứa thưởng, nếu có văn bản ( bằng chứng) rõ ràng thì anh có quyền yêu cầu công ty thanh toán cho mình khoản này.

Vài ý trao đổi. Chúc anh mọi sự tốt đẹp. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@eolaw.vn - website: www.ecolaw.vn