Tuesday, September 23, 2014

Phạm tội cướp giật ở hai nơi, xét xử thế nào?


Hỏi: Xin chào Quí luật sư. Chồng tôi phạm tội cướp giật tài sản khi đang học lớp 12, sau đó bị xử phạt 3 năm tù. Được ra tù hồi tháng 5/2010, nhưng không bỏ được tính đó. Mấy tháng sau lại tiếp tục vi phạm. Trong lần đi xuống Phú Yên chơi, anh có giật dây chuyền của một người phụ nữ, bị đuổi và anh đã trả lại dây chuyền. Anh sử dụng xe máy nhưng khi đó xe đã bị giữ lại ở công an Phú Yên, sau đó anh bỏ trốn.

Mấy tháng sau anh có lệnh truy nã của công an Phú Yên nhưng trong thời gian ấy anh lại thực hiện thêm một vụ nữa ở Gia Lai, cũng là giật dây chuyền sau đó bỏ trốn. Dây chuyền thì đã trả lại nhưng cái mặt dây chuyền thì người ta nói khi anh giật bị rơi xuống đất không tìm lại được. Hiện tại anh đã bị công an Gia Lai giữ và đưa xuống Phú Yên tạm giam chờ mở tòa xét xử.

Vậy xin trả lời giúp tôi:

- Trường hợp này thì khung hình phạt cao nhất là bao nhiêu? Do án cũ anh chưa được xóa, lại thêm án mới.

- Anh gây ra 2 vụ ở 2 nơi khác nhau, giờ đang bị giam ở công an Phú Yên chờ mở tòa, vậy người ta có gộp 2 vụ lại 1 và xử ở 1 nơi không? Hay xử ở 2 nơi khác nhau?

- Và khi tòa xử xong thì anh sẽ phải thụ án ở nơi nào? Nếu là ở Phú Yên thì do hoàn cảnh gia đình tôi cha mẹ già yếu, chị bị bệnh trí tuệ kém phát triển còn tôi đang mang thai nên không tiện việc thăm nuôi khi anh thụ án ở xa. Liệu gia đình tôi có thể làm đơn xin cho anh về thụ án ở Gia Lai không?

- Trường hợp của anh có được thuê luật sư bào chữa để được giảm án không? Chi phí cho luật sư có quá cao không? Tôi sợ chi phí cao thì gia đình tôi không đủ điều kiện.

Xin tư vấn giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn! (Pham Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Chồng của chị có quá khứ không tốt, ý thức pháp luật rất kém – nên bây giờ làm khổ mình, khổ vợ và gia đình.

Qua thông tin chị kể, do mới ra tù chỉ vài tháng mà lại tiếp tục có hành vi phạm tội, nên đây là tình tiết “tái phạm”, tăng nặng khi tòa xem xét về mức hình phạt. Ngoài ra, tình tiết “bỏ trốn”, dẫn đến việc bị truy nã cũng là tình tiết tăng nặng.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm là tội “cướp tài sản” có mức hình phạt khá nặng, không phụ thuộc nhiều vào giá trị của tài sản cướp. Tôi từng biết có vụ án chỉ cướp 1 cái điện thoại giá trị 500 ngàn đồng mà phải ở tù 3 năm.

Về mức án, tôi không có đủ thông tin để đánh giá. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trích dẫn điều luật dưới bài viết này. Theo đó chị và gia đình có thể tham khảo, hình dung.

Qua thư của chị, tôi đoán gia đình chị đang ở Gia Lai. Theo qui định của pháp luật, hành vi tội phạm (sự việc) diễn ra ở đâu thì cơ quan tiến hành tố tụng nơi đó tiến hành điều tra, truy tố và xét xử. Như vậy, nay công an chuyển chồng chị xuống Phú Yên chắc chắn là để xem xét, xét xử vụ cướp ở Phú Yên. Còn vụ ở Gia Lai có nhập vào xử luôn một lần hay không thì chưa chắc. Về nguyên tắc thì cũng có thể nhập hai vụ việc (vụ cướp) này thành một vụ án và xét xử tại một địa điểm. Tuy nhiên, nếu như vậy thì phải có quyết định nhập vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng của Gia Lai và Phú Yên phải phối hợp với nhau giải quyết nhiều vấn đề. Tôi nghĩ chị có thể liên hệ với Viện kiểm sát ở Gia Lai để tìm hiểu về vấn đề này. Hoặc có thể nhờ luật sư tìm hiểu, hoặc có được bản Kết luận điều tra hay Cáo Trạng sẽ biết rõ về vấn đề này. Nếu không nhập chung thì chồng chị sau khi bị xét xử ở Tuy Hòa sẽ tiếp tục được chuyển lên Gia Lai để xét xử vụ cướp thứ hai.

Về việc sẽ thụ hình ở đâu, vấn đề này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Nhà nước, thông thường xét theo yếu tố : loại hình tội phạm và nơi cư trú của người phạm tội. Cho nên khả năng cao là sẽ thụ hình ở “hướng” Gia Lai. Nếu không thì gia đình chị có thể làm đơn xin về Gia Lai như chị đã nêu. Nhưng nói thật là chỉ “xin” không thì nhiều khi không đủ để được.

Về việc thuê luật sư, theo quan điểm của tôi (với tư cách là một luật sư) – là điều luôn cần. Vì chỉ có luật sư là người biết và có cơ hội tốt nhất để trình bày, nêu ra những tình tiết có lợi, bào chữa và gỡ tội cho chồng chị. Vụ việc của chồng chị tình tiết đơn giản, nội dung rõ ràng nên chi phí thuê luật sư cũng sẽ không cao lắm đâu. Theo tôi nghĩ khoảng vài triệu đồng là hợp lý.

Vấn đề quan trọng nhất là chồng chị cần phải có sự thay đổi thực sự, vì còn nguyên một tương lai ở phía trước, đừng nên phạm tội nữa. Chúc chị và gia đình mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn

-------------------------------------------------------

Quy định tại Bộ luật hình sự (năm 1999):

Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp; 
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; 
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.


(Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999)

Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do luật sư của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn