Hỏi: Tôi góp vốn vào một công ty TNHH 2 thành viên (tỷ lệ 50/50). Do mâu thuẫn xảy ra, nay tôi rút vốn và bán lại phần vốn của mình cho công ty. Công ty không mua và tôi cũng không bán lại được cho ai. Vậy tôi có thể kiện ra tòa để xin giải thể phát mãi tài sản rồi chia đôi được không? Hoặc có cách nào để thu hồi lại vốn không ? Vì mâu thuẫn đã diễn ra gay gắt và không thể ngồi lại thương lượng được nữa. Rất mong được quý luật sư tư vấn giúp về vụ việc này. Chân thành cảm ơn.(Huy L.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Trường hợp như anh hỏi trên thực tế diễn ra không ít. Giải quyết vấn đề này nhiều khi khá nhiêu khê, và không ít trường hợp người rút bao giờ cũng phải chấp nhận lỗ một phần nào đó. Dưới đây là ý kiến trao đổi của tôi.
Trước hết, tôi nhận xét về tỷ lệ góp vốn. Theo đánh giá của tôi, tỷ lệ góp vốn 50-50 là tỷ lệ dở nhất mà các bên có thể chọn ra. Đây là tỷ lệ “liệt”, vì khi xảy ra những tranh cãi trong quá trình hoạt động, điều hành một công ty trách nhiệm hữu hạn ( mà theo nguyên tắc là quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn tương ứng với tỷ lệ vốn góp) sẽ không giải quyết được. Vì chẳng ai hơn ai : 50-50. Chính tỷ lệ góp vốn “liệt” như vậy đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh phải ra tòa không đáng có vì không tự giải quyết được. Ngay như trường hợp của công ty anh cũng vậy.
Theo qui định tại Luật doanh nghiệp, các thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng (bán) một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Trong đó, người được quyền ưu tiên mua là những thành viên góp vốn còn lại trong công ty. Giá chuyển nhượng là do các bên thỏa thuận, phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, giá trị thương hiệu …vv.
Ở đây, vì không ai mua, công ty (thực chất là người còn lại) không giải quyết được, mà anh thì vẫn muốn rút khỏi công ty – nên có lẽ cách duy nhất có thể làm (mà không phải tranh chấp, kiện tụng) là cùng thống nhất theo hướng làm thủ tục giải thể công ty. Số tài sản còn lại của công ty (và tất nhiên là cả những khoản nợ, những nghĩa vụ mà công ty chưa hoàn thành) sẽ chia đôi, mỗi người một nửa.
Trường hợp người góp vốn còn lại không đồng giải thể công ty, thì xem như giữa hai bên (thành viên góp vốn) đã có sự mâu thuẫn (tranh chấp) không tự giải quyết được. Trong trường hợp này Tòa án chính là nơi giải quyết (vụ án kinh tế thương mại). Hay nói cách khác, chính là trường hợp mà anh hỏi : kiện ra tòa, sau đó chia đôi tài sản. ( Lưu ý : không phải phát mãi mà mỗi bên đều có nghĩa vụ bắt buộc phải “nhận” tài sản của công ty. Tức là nhận phần “vốn góp” của mình – nay đã “chuyển hóa” thành tài sản).
Trên thực tế, văn phòng chúng tôi đã từ tư vấn cho khách hàng nhiều trường hợp như anh hỏi. Theo đó, để nhận lại vốn nhanh chóng, anh có thể chủ động chấp nhận giảm giá hoặc/và cho thành viên còn lại “mua trả góp” phần vốn của anh. Như vậy sẽ “khỏe” hơn rất nhiều so với việc phải đưa ra tòa kiện tụng.
Ví dụ: Ban đầu anh góp vào 200 triệu đồng. Nay anh đồng ý chỉ nhận lại 180 triệu đồng và cho bên mua trả trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, để cho chắc chắn, tránh rủi ro, anh nên thuê luận sư tư vấn và soạn thảo giúp “Bản thỏa thuận về việc mua lại phần vốn góp”.
Ngoài ra, cũng có một lưu ý nữa là nếu thành viên còn lại đồng ý mua toàn bộ phần vốn góp của anh, thì khi đó công ty sẽ chỉ còn lại có 1 thành viên – không đủ điều kiện để tồn tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên như hiện nay. Do đó người mua hoặc phải chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên, hoặc “nhờ” người thân đứng tên dùm một phần vốn nhỏ, khoảng 5% chẳng hạn, để công ty tiếp tục tồn tại, hoạt động.
Chúc anh mọi việc thuận lợi. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương
mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23
Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|