Sunday, June 10, 2018

Phân chia lợi nhuận khi thành viên góp vốn vắng họp


Hỏi : Kính gởi văn phòng Luật sư EcoLaw, em có người bạn tên B đang rơi vào tình trạng như sau. Em kính mong Luật sư giúp em sớm để bạn em có hướng giải quyết. Công ty TNHH X có 4 thành viên, vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, trong đó ông A góp 4 tỷ đồng, ông B, bà C, ông D mỗi người góp 2 tỷ đồng. Theo điều lệ công ty ông A làm Giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên. 

Đầu năm 2005, A triệu tập cuộc họp HĐTV, nhưng do bất đồng nên B không dự họp, ông C bận đi công tác xa nên gọi điện báo vắng mặt và ủy quyền miệng nhờ A bỏ phiếu cho mình. Cuộc họp đã thông qua phương án phân chia lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm tới. Sau cuộc họp, B gởi đơn đến các thành viên phản đối kế hoạch phân chia lợi nhuận. Do vậy A quyết định triệu tập cuộc họp HĐTV (mà không mời B tham dự) để ra quyết định khai trừ B (cả 3 thành viên dự họp đều bỏ phiếu khai trừ B). Nếu theo luật DN 2006, thì họ làm như vậy có đúng không? Và bạn em phải làm gì để đấu tranh vì quyền lợi của mình?Em xin chân thành cám ơn luật sư (Hồng Ph.)

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời:

Trước hết, chúng tôi cần bạn hiểu rằng Điều lệ công ty là căn cứ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề thắc mắc trên của bạn. Do không nghiên cứu được bản điều lệ của công ty này, nên chúng tôi chỉ có thể trả lời trên cơ sở áp dụng Luật doanh nghiệp năm 2005.

Vấn đề thứ nhất: cuộc họp Hội đồng thành viên để thông qua phương án phân chia lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm tới. A là chủ tịch HĐTV nên đương nhiên là có quyền triệu tập cuộc họp HĐTV.

Theo Điều 51 Luật Doanh nghiệp thì cuộc họp HĐTV được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ. Ở đây Công ty TNHH X đã có sự tham dự của 80% vốn điều lệ, như vậy là hợp lệ. Việc B có bất đồng và không tham dự cuộc họp HĐTV sẽ không ảnh hưởng đến cuộc họp và quyết định của HĐTV.

Vì như đã nói ở trên cuộc họp này là đủ điều kiện và hợp pháp, B không tham dự thì B mất quyền lợi của mình. Tuy nhiên, giả sử B có tham gia cuộc họp HĐTV đi nữa thì với số phiếu phản đối đại diện cho 20% vốn điều lệ của mình, B cũng không làm thay đổi được quyết định của HĐTV, vì đã có số phiếu thuận đại diện cho 80% vốn điều lệ thông qua.

Như vậy, tôi có thể khẳng định việc B có tham gia hay không cũng không làm ảnh hưởng đến quyết định của HĐTV, vì B nằm ở thế yếu, phải chấp nhận thua thiệt. Việc B gửi đơn phản đối quyết định của HĐTV cũng không giải quyết được gì. Trong trường hợp này, luật cũng không quy định cho B có quyền khởi kiện đối với Quyết định của HĐTV, trừ khi B chỉ ra căn cứ bất hợp pháp của Quyết định này.

Vấn đề thứ hai: A triệu tập cuộc họp HĐTV để khai trừ B ra khỏi công ty. Có thể trả lời ngay với bạn rằng vấn đề này là trái luật. Luật không quy định việc các thành viên khác có thể họp lại để “đuổi” một thành viên ra khỏi công ty. Đây là vấn đề liên quan đến vốn góp vào công ty, cho dù B như thế nào đi nữa thì B vẫn được quyền chia lợi nhuận (nếu có) tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp của mình vào công ty. Nếu bản thân B không muốn rút tên ra khỏi không công ty (bằng cách chuyển nhượng phần vốn góp) thì không ai có thể “đuổi” B ra khỏi công ty được. Trường hợp này, B có thể khởi kiện công ty TNHH X ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, khi vấn đề hợp tác kinh doanh đã trở nên tồi tệ, không thể hợp tác được nữa thì việc B cố níu giữ chân là thành viên của công ty cũng không có lợi gì cho B, khi mà 3 thành viên kia sẽ hợp lại tìm các gây “khó dễ” cho B. Do đó, thiết nghĩ trường hợp này B chỉ còn cách rao bán phần vốn góp của mình mà thôi.

Một vài ý để bạn tham khảo nhé. Mà tôi cũng muốn hỏi lại đây là câu hỏi tình huống thật hay là một bài tập nào đó – mà bạn là sinh viên ? Gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên. Tinh thần là nếu câu hỏi có yếu tố pháp lý hay, có giá trị thực tiễn, có thể áp dụng trong cuộc sống thì đều sẽ được xem xét trả lời. Thân mến. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do luật sư của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn