Hỏi : Thưa luật sư, Mẹ tôi làm di chúc cho tôi căn nhà hiện tại đang ở với điều kiện là sau khi mẹ tôi qua đời tôi không được quyền bán vì đó là nhà kỷ niệm. Nhưng cán bộ phường không chấp nhận điều kiện đó. Vậy xin luật sư cho biết tại sao phường không chứng nhận việc làm di chúc của mẹ tôi? ( Dam V.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Di chúc của mẹ bạn thuộc dạng di chúc có điều kiện. Cụ thể là bạn được hưởng căn nhà nhưng không được bán, mà giữ lại làm kỷ niệm, thờ tự. Ý nguyện của mẹ bạn như vậy có thể nói là khá phổ biến, thể hiện tâm lý của người lớn tuổi ở VN. Chúng tôi, trong quá trình hành nghề đã gặp nhiều trường hợp người có tài sản muốn lập di chúc theo kiểu như vậy.Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì di chúc như vậy là … vô lý ! Hay chính xác hơn là không/chưa đúng luật. Vì lẽ khi di chúc có hiệu lực (mẹ bạn qua đời), thì bạn sẽ trở thành chủ sở hữu căn nhà. Theo qui định của pháp luật, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Tức là bao gồm quyền bán căn nhà (định đoạt). Vì vậy, việc mẹ bạn cho bạn sở hữu nhà nhưng lại không cho bán nhà tức là đã làm ảnh hưởng hay đúng hơn là làm mất đi tính đầy đủ của quyền sở hữu được pháp luật qui định. Vì vậy cán bộ tư pháp phường không đồng ý đến nội dung này là có cơ sở - tức là không muốn xác nhận vào một văn bản không đúng luật - theo cách hiểu như trên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc UBND Phường từ chối chứng thực vào bản di chúc trên là có phần máy móc, cứng nhắc. Vì về nguyên tắc, Phường chỉ chứng thực về mặt hình thức của văn bản, xác định năng lực hành vi của người lập di chúc ( xem có phải đã thực sự minh mẫn và chính mình lập di chúc hay không). Còn việc nội dung di chúc đúng sai như thế nào đã có pháp luật điều chỉnh, giải quyết (trừ trường hợp sai pháp luật rõ ràng, trái thuần phong mỹ tục …vv). Trên thực tế vẫn có nhiều địa phương chứng thực vào di chúc có nội dung như của mẹ bạn.
( Cũng cần nói thêm là về mặt văn hóa, đạo lý – người Việt ta vẫn đặt nặng vấn đề thờ tự, kỷ niệm – nên tôi cho rằng ý nguyện của mẹ bạn là hoàn toàn phù hợp và cần được ghi nhận).
Để “gỡ rối” cho trường hợp cụ thể của gia đình bạn, tôi nghĩ rằng mẹ bạn có thể lập di chúc mà không cần phải có UBND phường chứng thực. Có thể nhờ người làm chứng, hoặc có thể tới một Văn phòng luật sư nhờ lập và làm chứng giúp. Khi đó, điều kiện do mẹ bạn mong muốn (không được bán nhà) vẫn được thể hiện trên di chúc. Sau này, trong quá trình sở hữu, sử dụng, nếu bạn thực sự có điều kiện và tôn trọng ý nguyện của mẹ bạn thì bạn không bán nhà. Hoặc có bán cũng được. Vì khi đó mẹ bạn cũng không còn. Hơn nữa, bán hay không bán một căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình – có nguồn gốc của cha mẹ để lại – cũng không hẳn là xấu, là bất hiếu, phải không bạn ?
Ý cuối, di chúc là một văn bản quan trọng. Do vậy, nếu mẹ bạn có nhiều người con hay còn có tài sản khác, thì bạn khuyên mẹ bạn nên nhờ luật sư tư vấn và soạn thảo. Để tránh trường hợp có thể bị vô hiệu hay tranh chấp về sau vì những sơ xuất hay thiếu chặt chẽ - không đáng có. Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|