Monday, September 1, 2014

Giả mạo giấy tờ, cô em “biến” thành người chị: nay tính sao ?


Hỏi: Kính gửi luật sư của công ty luật Ecolaw. Làm ơn cho tôi hỏi: Hai con gái của bạn tôi một sinh năm 1974, và một sinh năm 1971 rất giống nhau. Năm 1990, cô chị đăng ký thi Đại học nhưng không tham gia, cô em dù chưa đến tuổi nhưng lại tham gia thay chị với ý định thử sức nhưng không ngờ là trúng và từ đó lấy luôn tên cô chị để đi học, tốt nghiệp và đi làm.

Trong quá trình đó, cô em còn làm giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu mới với tên và tuổi cô chị nhưng vẫn còn giữ chứng minh và hộ khẩu cũ của mình.

Vậy xin luật sư cho biết cô em đó phạm tội gì? Giải quyết như thế nào? Xin luật sư trả lời ngay giúp cho vì cô em năm nay mới tìm được ý chung nhân và muốn lấy chồng. Xin chân thành cảm ơn quý luật sư. (Nguyen Th. H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu hỏi của chị quả là một tình huống khó hình dung. Để đánh giá “cô em” có những sai phạm hay có phạm tội hay không, phải xem xét và phân tích (một cách tương đối) từng hành vi cụ thể.

1. Năm 1990, khi “cô em” thi đại học “thế chỗ” cho cô chị thì mới 16 tuổi. Tuổi này chưa đến nỗi phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong việc “thi hộ” này, đúng ra cô chị và gia đình phải chịu trách nhiệm và hậu quả. ( Nghĩa là “lẽ ra” cô chị phải đi học, và nếu bị phát hiện thì sẽ bị đuổi học – vì gian dối. Thế nhưng, chuyện này lại không xảy ra.

2. Việc cô em vào đại học học với “vỏ bọc” là “cô chị” trong suốt 4 năm trời quả là điều hy hữu. Thế nên, dù kết quả học tập của cô em là thật, cô được cấp bằng tốt nghiệp đại học thật, nhưng toàn bộ nhân thân (tên tuổi) đều là giả, mạo danh người khác, nên nhiều khả năng nếu bị phát hiện, cô em sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp đại học. Việc này nếu xảy ra sẽ … rất đáng tiếc !

3. Hành vi làm Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu …vv với tên tuổi người chị của cô em là các bước sai phạm mang tính tất yếu khi đã “lỡ leo lưng cọp” : đi học với tên người chị. Hành vi này là sai, nhưng cũng không hẳn là hành vi làm giấy tờ giả - theo qui định tại Bộ luật hình sự. Vì giấy tờ (CMND, hộ khẩu …) do cơ quan có thẩm quyền cấp đều là thật, có giá trị sử dụng.

Qua 3 sai phạm cơ bản như trên, có thể thấy hành vi của cô em tuy rõ ràng là gian dối, cố ý - nhưng cũng chưa đến mức độ bị xem là tội phạm, vì không/chưa gây hậu quả, gây thiệt hại trực tiếp cho ai. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, những hành vi này đã dẫn đến hậu quả khá phức tạp, thật giả lẫn lộn, mà việc giải quyết sẽ rất nhiêu khê, khó khăn và mất nhiều thời gian. Không khéo thì càng gỡ càng rối.

Trước khi có ý kiến cuối cùng, điều tôi hơi thắc mắc ở đây là lâu nay “cô chị” đang sống ngoài đời với tên tuổi của ai: của chính mình hay của cô em? Nếu cô chị đang sử dụng tên tuổi của chính mình thì ngoài đời đang có 2 “cô chị” ! Điều này chẳng lẽ chính quyền địa phương lâu nay không biết gì (?!). Còn nếu cô chị đang sử dụng tên cô em thì tức là hai người từ lâu đã “hoán đổi” vị trí cho nhau (về tên tuổi, năm sinh...). Điều này thật là kỳ lạ !

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn có những trường hợp như vậy. Trước đây tôi đã từng biết một trường hợp 2 anh em ruột đã “hoán đổi” tên tuổi như vậy – trong khi một người vượt biên ra nước ngoài và đã qua đời. Người em ở lại Việt Nam đã dùng tên người anh, lấy vợ, có con, hưởng di sản ... Khi đó, tôi có viết một bài báo có tên là “ Ba lần qua mặt pháp luật” đăng trên báo Pháp luật TP.HCM. Xem như là một hi hữu pháp lý trong cuộc sống.

Sở dĩ tôi nhắc tới bài báo trên ( mà hy vọng sẽ có dịp chúng tôi đăng lại trên website này) là vì muốn nói rằng: với thực tế như hiện nay, khi mà chính các cơ quan chức năng cũng không hề hay biết, và thực tế việc sử dụng tên cô chị của cô em không làm ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của ai - thì nên chăng cứ “y nguyên” như vậy mà sống, mà đăng ký kết hôn. Chứ với tình trạng hiện nay mà đi cải sửa lại hộ tịch ( CMND, khai sinh, hộ khẩu …vv) sẽ rất phức tạp và thậm chí là có hại cho mình (vì sẽ còn liên quan đến bằng cấp, các giấy tờ khác …vv). Tất nhiên, cô em cũng nên trao đổi về vấn đề này với người chồng sắp cưới của mình.

Ý cuối cùng : sự việc trên là một “bí mật” trong gia đình. Cho dù sau này, tới một thời điểm nào đó, bí mật này có thể được/bị phát hiện hay “bật mí” thì cũng không đến nỗi ai đó phải vào tù về hành vi sai trái của mình đâu. Vì đây không phải là tội phạm.

Trên đây là ý kiến trao đổi của cá nhân tôi với tư cách là một luật sư. Tôi cho rằng có thể sẽ có người không đồng tình với ý kiến của tôi. Dù sao, tôi cũng mong rằng qua đó, cả gia đình, trong đó có “cô em”, sẽ có được sự lựa chọn sáng suốt, hợp lý nhất. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn