Saturday, September 6, 2014

Làm mất hợp đồng bán hàng, có phải đền tiền cho công ty?


Hỏi: Chào luật sư ! Em tôi có một việc rất mong được luật sư tư vấn giúp. Sự thể như sau: Trước đây em tôi làm nhân viên giao hàng cho một công ty. Trong biên bản cam kết có thỏa thuận nếu làm mất hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm nếu không đòi được tiền (tôi không nhớ rõ từng câu nhưng đại khái là thế).

Sau đó trong một lần giao hàng em tôi đã làm mất hợp đồng có giá trị 30 triệu đồng. Mới đầu em tôi nói với giám đốc thì anh ta bảo giữa bên mua và bên công ty em tôi là chỗ thân tình nên không sao cả (Giám đốc và chủ cửa hàng là bạn bè thân thiết, anh khách hàng là em rể tương lai của giám đốc và là khách hàng quen thuộc mấy năm nay).

Ngay sau đó một thời gian ngắn giữa em tôi và Giám đốc (và cả anh khách hàng kia nữa) phát sinh mâu thuẫn trầm trọng mà nguyên do bắt nguồn từ em gái giám đốc. Rồi em tôi nghỉ việc (không nghỉ thì cũng bị đuổi). Chưa thỏa mãn, ông giám đốc còn bảo do làm mất hợp đồng nên dẫn đến việc khách hàng không thanh toán và bắt em tôi tự đi mà đòi, nếu không được thì phải nộp 30 triệu thay cho khách như cam kết đã ký khi vào công ty. Nếu không kiện ra tòa.

Nhưng chúng tôi thừa biết đây chỉ là cái cớ để họ trả đũa em tôi. Vì việc giao hàng là có thật nên không có chuyện anh khách hàng không thanh toán 30 triệu. Vậy chúng tôi phải làm gì? Thỏa thuận trên có hợp pháp không? Rất mong được các luật sư phản hồi sớm có thể. Xin cảm ơn nhiều (Thu H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu chuyện do chị kể khá là “lộn xộn”, thông tin cũng không đầy đủ, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

1. Việc công ty yêu cầu em chị phải đi đòi tiền bán hàng, sau khi đã nghỉ việc, mà trước đó lại chưa tiến hành xử lý kỷ luật lao động (hành vi làm mất hợp đồng bán hàng có thể xem là hành vi vi phạm kỷ luật lao động: tắc trách, thiếu trách nhiệm) là không có cơ sở pháp lý.

2. Nay nếu công ty muốn “quay trở lại”, qui kết trách nhiệm cho em chị thì cũng không được nữa. Vì lúc này em chị không còn là nhân viên của công ty, công ty không còn quyền “xử lý kỷ luật” nữa. Do vậy, về nguyên tắc em chị có quyền không đi đòi số tiền này cho công ty nữa (nhất là khi đã biết rõ về khả năng khách hàng đã thanh toán tiền).

3. Việc làm mất hợp đồng không đồng nghĩa với việc phải bồi thường toàn bộ giá trị hợp đồng - vì đây là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau. Bồi thường bao nhiêu phả dựa trên mức độ thiệt hại thực tế, được chứng minh rõ ràng. Hơn nữa, trong giao dịch kinh doanh, các loại hợp đồng, hóa đơn, phiếu xuất hàng … về nguyên tắc đều phải được lập thành nhiều bản. Nên không có nghĩa là em chị làm mất một bản là công ty sẽ không còn tài liệu, số liệu gì.

4. Việc công ty “bắt” em chị ký thỏa thuận là nếu làm mất hợp đồng thì phải “chịu trách nhiệm” nếu không đòi được tiền bán hàng về nguyên tắc thì không có gì sai. Nhưng cần lưu ý là sự “chịu trách nhiệm” này chỉ xảy ra khi “không đòi được tiền khách hàng” và cũng không đồng nghĩa với việc phải bồi thường đủ 30 triệu đồng.

5. Trong bối cảnh hiện nay, nếu giám đốc công ty chỉ “nói miệng” với em chị về việc đòi tiền khách hàng thì em chị cũng chỉ nên nói miệng lại là “tôi không đồng ý vì tôi biết khách hàng đã trả tiền rồi”. Còn nếu công ty có văn bản gửi em chị thì em chị nên có văn bản gửi lại với nội dung cũng là “tôi không đồng ý vì khách hàng đã trả tiền cho công ty rồi”. Đơn giản thế thôi.

6. Trường hợp xấu nhất : công ty kiện em chị ra tòa thì tôi thấy khả năng thắng kiện của công ty cũng rất thấp vì: đã hết cơ hội để khởi kiện em chị như là một vụ án lao động (vì em chị đã nghỉ việc), còn nếu kiện dân sự thì cũng không có cơ sở để qui kết trách nhiệm cho em chị. Chưa kể nếu sự việc đúng như lời chị nói : tức là khách hàng đã trả tiền rồi thì khi đó “dấu đầu sẽ lòi đuôi”, không khéo công ty còn bị em chị “tố” ngược về hành vi tống tiền ấy chứ.

Tóm lại tôi cho rằng em chị có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu bị công ty kiện thật thì cũng nên tìm luật sư để được hỗ trợ thêm, hiệu quả hơn.


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT  ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn