Hỏi: Gia đình chúng tôi đang gặp phải vấn đề liên quan đến khai sinh cho đứa trẻ sắp sinh của chị gái tôi xin được giải đáp một vài thắc mắc: Chị gái tôi sang bên Úc du học năm 2010, vì lí do muốn làm giấy tờ để ở lại nên đã làm đính hôn giả với một người bản địa, và đang xin visa từng năm một.
Đầu năm 2011, chị ấy trở về nước và tổ chức đám cưới với một người bạn cũ nhưng không đăng ký kết hôn. Tới đây anh chị tôi có em bé, vì lí do đang làm đơn xin định cư lại bên Úc nên khả năng khi cháu bé được sinh ra sẽ làm giấy khai sinh cho bé ở Việt Nam, nhưng phần tên họ cha của bé sẽ phải điền tên người nước ngoài đã đính hôn với chị để làm quốc tịch cho đứa bé và theo đó để mẹ được xét giấy tờ ăn theo.
Xin được hỏi về vấn đề pháp lý, sau này anh rể tôi có thể làm lại được thủ tục nhận con và điều chỉnh lại giấy khai sinh cho đứa bé ở Việt Nam, để cháu có thể đi học hoặc nhập lại quốc tịch Việt Nam theo đúng cha mẹ thật của mình hay không, hoặc là giải quyết bằng cách nào đó để đưa mọi việc về đúng sự thật? Xin chân thành cám ơn quý luật sư. (Manh Ng.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Câu chuyện của người chị bạn (tạm gọi là chị A) thực sự là lắt léo, lẫn lộn về mặt tình cảm và chứa đựng nhiều rủi ro phức tạp về mặt pháp lý. Tôi thực sự không hiểu chị A suy nghĩ và tính toán thế nào, mà chọn những “nước cờ” kỳ lạ như vậy cho chính cuộc đời của mình.
Trong câu chuyện trên, tôi có ý kiến đánh giá như sau:
- Việc chị A và “người bản địa” (tạm gọi là ông B) “đính hôn” về mặt pháp lý chưa phải là “kết hôn” - nên về mặt pháp lý chưa thể nói hai người là “vợ chồng“. Tức là giữa hai người chưa phát sinh những vấn đề ràng buộc về quan hệ hôn nhân, tài sản … Nói cách khác, ông B hoàn toàn có quyền “xù” chuyện sẽ bảo lãnh chị A qua Úc bất kỳ lúc nào mà không cần phải thông qua thủ tục pháp lý theo kiểu “ly hôn”. Và cũng không thể nói chuyện đính hôn giữa hai người là “giả”.
- Tại Việt Nam, chị A có quan hệ như vợ chồng với một “người bạn cũ” (mà bạn gọi là “anh rể”, tạm gọi là ông C), hai người lại sắp có con chung. Như vậy, thực sự hai người đã là vợ chồng. Lẽ ra cần phải chính thức đăng ký kết hôn, hợp thức hóa quan hệ giữa hai người – cũng chính là ràng buộc các quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng với nhau. Thế mà ở đây hai người lại không kết hôn thì đúng là chị A đã cố tình đi vào cảnh “đơn thân có con” – thường rủi ro cho người phụ nữ và thiệt thòi cho đứa con.
- Về nguyên tắc, nếu sinh con ở Việt Nam thì chị A có thể làm giấy khai sinh cho con đứng tên cha là ông B. Nhưng cũng không hề đơn giản và nếu được thì đây là trường hợp khai sinh ngoài giá thú (vì chị A và ông B không có giấy kết hôn). Mặt khác, vì chuyện “có thể” này là giả mạo, gian dối – nên nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý, hủy giấy khai sinh … Chưa kể liệu ông B có biết và đồng ý hay không? Tuy vậy, giả sử chị A hoàn tất được tình huống “giả mạo” này, thì sau này ông C vẫn có quyền làm đơn gửi đến tòa án để “truy nhận con”.
- Nếu chị A sinh con lấy tên cha là ông C thì đây là điều hoàn toàn đúng sự thật và hợp pháp, nên làm. Tuy nhiên, do hai người chưa phải là vợ chồng – nên cháu bé cũng vẫn thuộc trường hợp là con ngoài giá thú.
Nói tóm lại, theo tôi thì tốt nhất nên lấy tên cha đúng là người cha thật của cháu bé. Sau này, nếu chị A qua được Úc thì vẫn có thể bảo lãnh cháu qua, dù rằng có khó khăn, phức tạp hơn. Tuy nhiên chị A nhất thiết cần phải lường trước những tình huống trục trặc trong quá trình thực hiện “kế hoạch” của mình – vì kế hoạch này phụ thuộc phần lớn vào ông B. Mà một khi mình đã giao phó hết tương lai của mình cho người khác thì rủi ro là điều không thể không tính đến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng.
Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả.
Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website
này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn
nhân gia đình – Quyền trẻ em”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|