Monday, September 29, 2014

Không đăng ký kết hôn, tranh chấp quyền nuôi con


Hỏi: Xin hỏi luật sư : không đăng ký kết hôn, có con 15 tháng tuổi, giấy khai sinh có cả tên cha lẫn mẹ. Bây giờ ly hôn, hai bên tranh chấp đòi nuôi con. Mẹ muốn được quyền nuôi con phải làm như thế nào? cần có giấy tờ pháp lí nào để tránh người cha đòi bắt con gây tranh chấp sau này?

Hiện tại tôi mới xin được việc làm cho 1 công ty và cháu từ khi 2 tháng đã ở bên ngoại, hoàn toàn do gia đình tôi chăm sóc, hàng xóm đều biết. Còn bên nội ông bà đã già, lại có quán ăn, bận rộn sáng tối. Chồng tôi là con một chỉ biết ăn chơi lêu lỏng, không có việc làm, lại thường xuyên chơi các chất kích thích, mỗi ngày chỉ lên đưa cháu đi chơi 1 tiếng là trả về. Thỉnh thoảng có mua sữa, tã gọi là trách nhiệm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.

Nói chung là nhà tôi ngoài ông bà ngoại còn có thêm dì cháu ở nhà suốt chăm sóc phụ nên không biết nếu ra tòa thì cần phải có gì để chứng minh điều này? Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của luật sư rất nhiều ạ. ( G. M.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo qui định của pháp luật, chỉ khi nào có đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn thì mới được xem là vợ chồng. Và cũng chỉ từ khi đó, hai người mới phát sinh quan hệ vợ chồng, phát sinh quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng – liên quan đến các vấn đề về tài sản, nhân thân, con cái …

Như vậy, tuy chị nói là đã có chồng, là “chồng tôi”, nhưng giữa hai người chưa có Giấy chứng nhận kết hôn nên về mặt pháp lý, không ai thừa nhận hai người là vợ chồng cả. Mà đã không phải là vợ chồng thì cũng không cần phải ly hôn (để chấm dứt quan hệ vợ chồng). Hay nói cách khác, chừng nào hai người còn chưa đăng ký kết hôn thì sẽ không xảy ra việc phải ra tòa ly hôn – như chị đã âu lo.

Tuy vậy, do hai người đã có con chung, trong giấy khai sinh của bé lại ghi rõ tên cha, mẹ, nên xem như đã phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con cái. Nói một cách nôm na, là cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cho đến ngày khôn lớn. Và do vậy, khả năng tranh chấp về quyền nuôi con giữa hai bên cũng có thể xảy ra. Lúc này sẽ gọi là vụ án “giành quyền nuôi con” chứ không phải là vụ án ly hôn. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng này trước mắt là thấp, vì một người cha như vậy có lẽ cũng không thực sự thương yêu con hoặc ít nhất là không có được đầy đủ trách nhiệm làm cha của mình. Mà như vậy, thì người cha có lẽ cũng sẽ không muốn tranh giành quyền nuôi con.

Trong bối cảnh hiện nay, chị là người đã và đang trực tiếp nuôi con, người cha thì lại “lêu lổng”, nghề nghiệp không có - nên chị có nhiều “lợi thế” hơn trong việc giành quyền nuôi con – nếu xảy ra tranh chấp.

Về việc chị hỏi “có gì để chứng minh” khi muốn giành quyền nuôi con, thì không gì tốt hơn là chứng minh mình có tình thương và trách nhiệm với con, điều kiện công việc, thu nhập ổn định, có chỗ ở thuận tiện, được sự ủng hộ, yêu thương của gia đình, mong muốn một tương lai tốt đẹp cho con. Chị cũng nên xem thêm những câu hỏi có nội dung gần giống với chị đã được trả lời trên ecolaw.vn.

Tôi chúc và tin rằng chị sẽ luôn là một người mẹ tốt, hết lòng vì con. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn