Hỏi: Thưa Luật sư, tình huống của tôi như sau: Ông X mời tôi tham gia cổ đông (không phải bỏ vốn chỉ bỏ công sức) 1 công ty mẹ A (gồm 7 công ty con là: A1, A2, A3,..A7 - cơ cấu là mỗi công ty con là 1 công ty cổ phần. A là tập đoàn mẹ). Công ty A thành lập được 6 tháng và đã phân chia cổ phần hết cho 3 người.
Ông X mời tôi vào làm với 3 lựa chọn sau:
1/ công ty A không thể chia cổ phần cho tôi mà sẽ bán trái phiếu chuyển đổi (mệnh giá 10.000đ) cho tôi. Điều đó có nghĩa là: sau 1 năm tôi sẽ được dùng trái phiếu đó để đổi mua cổ phiếu. Nhưng vấn đề là 1 năm sau cổ phiếu không còn giá 10.000 nữa mà lúc này nó có thể là 40.000. Ví dụ:
năm 2011: Trái phiếu cty A mệnh giá 10.000 - cổ phiếu mệnh giá 10.000
năm 2012: Trái phiếu cty A vẫn 10.000 - Cổ phiếu lúc này Thị giá là 40.000
Như vậy khi tôi chuyển đổi từ Trái phiếu qua Cổ phiếu, tôi phải bù thêm 30.000 nữa và lúc đó có thể tôi không có đủ tiền để bù vào lượng Cổ phiếu này. Như vậy tôi bị thiệt hại quyền lợi rất nhiều.
2/ Ông X với tôi sẽ thành lập 1 công ty cổ phần khác là A1 (1 công ty con của công ty A), và tôi chiếm 20% cổ phần trong A1. Bên phía cty A chiếm 80% và sẽ xây dựng nó từ đầu. Tuy nhiên, điều tôi thấy không thỏa đáng là công sức làm việc cho công ty A1 đều sẽ đem lại giá trị thương hiệu cho công ty mẹ A.
Khi công ty mẹ A IPO ra (cả 7 công ty con) thì tôi sẽ chỉ nhận được 20% của công ty con A1 thôi, chứ không được thêm gì khác từ công ty mẹ A. Vì vậy với lựa chọn 2 này, tôi sẽ bị bất lợi về lâu dài và tôi cũng sẽ rất khó lòng làm việc hết mình cho công ty.
3/ Vẫn lập công ty cổ phần A1 và tôi có được 20% cổ phần của công ty A1, song song đó tôi được quyền Mua 5% cổ phiếu của công ty Mẹ, trả bằng tiền mặt, và trả góp dần trong thời hạn 2 năm, trả bằng lợi nhuận mà tôi nhận được khi kinh doanh công ty con A1 (hàng tháng trích lương ra để thanh toán phần nợ mua cổ phiếu này).
- Với cách 3 này tôi sẽ bị trói buộc với công ty tới 2 năm, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian đó, tôi không hợp tác nữa, muốn bán, nhượng lại 5% cổ phiếu công ty mẹ A?
- Vừa hợp tác mà tôi đã phải chịu số tiền nợ khá lớn để có 5% cổ phần công ty mẹ A, liệu có rủi ro nào không? Nếu sau 2 năm tôi không trả nổi số tiền nợ để mua 5% cổ phần thì sao?
- Tôi đang rất phân vân chọn hình thức hợp tác nào, hoặc còn cách nào khác tối ưu hơn để bảo vệ quyền lợi của mình?
- Hình thức giống công ty mẹ A gồm 7 công ty con này ( mỗi công ty con đều là công ty cổ phần) có hợp lệ không?
- Ngoài ra khi hợp tác dạng công ty như vậy, để đảm bảo quyền lợi thì hợp đồng hợp tác gồm những gì, tôi nên quan tâm vấn đề gì để đảm bảo quyền lợi mình khi có tranh chấp, kiện tụng?
Xin chân thành cảm ơn và sớm nhận được hồi âm từ các vị luật sư. (Nguyen Ngoc L.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Qua những thông tin anh nêu và những câu hỏi của anh, quả thật không thể và cũng không nên chỉ giải quyết qua một lá thư tư vấn như dưới đây. Dù sao, trước sự tín nhiệm của anh, tôi cũng thẳng thắn nêu ở dưới đây một số ý kiến, quan điểm của mình, với hy vọng sẽ giúp ích cho anh phần nào.
1. Việc anh tham gia vào một công ty dưới hình thức chỉ bỏ “công sức” là trái pháp luật. Theo qui định, các thành viên góp vốn ( bất kể hình thức doanh nghiệp nào: TNHH, cổ phần, hợp danh …vv) để thành lập công ty phải bảo đảm yếu cầu vốn là tài sản thực sự, hiện hữu. Đó có thể là tiền VNĐ, ngoại tệ, vàng, nhà, đất, công nghệ, bí quyết kỹ thuật …vv – nhưng không thể là “công sức”. Trên thực tế, cũng có nhiều “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp (tức là người có góp vốn thật) lợi dụng “sức lao động” và lòng trung thành của người khác bằng hình thức ghi khống vốn của người không có vốn vào danh sách thành viên. Nếu có tranh chấp xảy ra, Tòa án sẽ buộc người chưa góp vốn (tức là vốn khống) phải góp vốn (vì luật doanh nghiệp qui định như vậy), hoặc tuyên là “không có vốn”. Chính tôi đã từng được vài “ông chủ” nhờ viết thỏa thuận về trường hợp như anh hỏi.
2. Về tình huống công ty A không chia cổ phần mà bán trái phiếu cho anh, sau đó anh được dùng trái phiếu để “chuyển đổi” thành cổ phiếu. Xin nói ngay là không được. Trước hết là vì công ty cổ phần muốn bán trái phiếu ra bên ngoài cần phải bảo đảm những qui định theo Luật chứng khoán – điều kiện khá nghiêm ngặt, chặt chẽ và phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu (chứng khoán) thực chất là hình thức huy động vốn. Ở đây, thay vì bỏ tiền ra, anh lại được trái phiếu theo kiểu “khống” - thì thậm chí cho dù là công ty có quyền phát hành trái phiếu đi nữa thì trái phiếu của anh cũng không chắc là “chuẩn”. ( Nếu không nói là không có giá trị gì – nếu có tranh chấp về sau). Còn chuyện chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phần – có thể hiểu theo nghĩa từ “chủ nợ” trở thành “cô đông” - nếu muốn thực hiện cũng phải có văn bản, qui định rõ ràng từ đầu, mà cũng không đơn giản đâu.
3. Về phương án công ty A và anh thành lập 1 công ty cổ phần khác là A1. Tôi thấy trước hết là về số cổ đông đã không đủ ( mới có 2 cổ đông) - thì không thể thành lập công ty cổ phần (phải từ 3 cổ đông trở lên). Mặt khác, như đã phân tích ở trên, nếu vốn của anh là vốn “khống” – thì sai luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho anh. Và do vậy, điều mà anh nói là “không thỏa đáng” cho anh có lẽ cũng không phù hợp trong tình huống này.
4. Về phương án anh “được quyền Mua 5% cổ phiếu của công ty Mẹ, trả bằng tiền mặt, và trả góp dần trong thời hạn 2 năm” là chuyện chẳng có gì đáng nói. Vì : nếu mua bằng tiền mặt thì anh không có lợi gì. Còn nếu dùng “vốn khống” chuyển qua thành cổ phần thật là không đúng luật.
5. Tóm lại là các hình thức hợp tác mà anh “phân vân” chính tôi cũng thấy phân vân, không ổn cho anh. Do vậy tôi không có lời khuyên nào về 3 phương án mà anh đã nêu ra. Riêng việc anh hỏi về “hợp đồng hợp tác kinh doanh” – tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng, mặt khác phải dựa trên cơ sở đã có sự thỏa thuận và thống nhất với đối tác về phương thức hợp tác – và đã bảo đảm đúng pháp luật. Khi đó, luật sư sẽ hỗ trợ anh về mặt pháp lý – để bảo đảm hợp đồng sao cho chặt chẽ, chính xác, phù hợp với qui định của pháp luật. Ở đây, các phương án anh nêu đều không ổn, nên tôi cũng không thể phân tích hay đóng góp thêm điều gì cả.
Dù vậy, tôi cũng một có lời khuyên cho anh: đó là qua thông tin anh trình bày, tôi nghĩ anh có thể có “tay nghề” hoặc “bí quyết công nghệ”. Nếu anh có tay nghề, thì chỉ nên tham gia vào công ty với tư cách là người lao động, hưởng lương cao là được rồi (chẳng hạn anh làm giám đốc điều hành công ty). Còn nếu anh có “bí quyết công nghệ” thì cần thống nhất định giá bí quyết đó giá trị bao nhiêu tiền (lập thành văn bản đàng hoàng). Sau đó, anh góp “bí quyết” này vào công ty như là phần vốn góp của mình. Như vậy vừa đúng luật mà vừa bảo đảm quyền lợi cho anh hơn. Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương
mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23
Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|