Friday, September 26, 2014

Hỏi về thủ tục và qui định liên quan đến tài sản sau ly hôn


Hỏi: Chào Luật sư, vui lòng tư vấn giúp tôi trường hợp sau: Ông A lấy bà B có đăng ký kết hôn, tài sản chung gồm có 2 căn nhà + 1 miếng đất đều do ông A - bà B đứng tên đồng sở hữu. Khi A-B ly hôn, có quyết định ly hôn của tòa án và A-B đồng thỏa thuận về việc phân chia tài sản như sau: 1/ Căn nhà thứ 1 được chia cho ông A. 2/ Căn nhà thứ 2 được chia cho bà B. 3/ Miếng đất chia cho 2 đứa con chung dưới 18 tuổi của A-B. Bà B nuôi 2 con nên tạm thời có quyền sử dụng miếng đất này đến khi 2 con đủ 18 tuổi, nhưng không được bán đất. Hỏi:

1- Bà B có cần làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với căn nhà thứ 2 được chia hay không (căn nhà này trước khi ly hôn là do A-B cùng đứng tên).

2- Sau khi ly hôn, bà B muốn cất nhà trên miếng đất được chia cho 2 đứa con chung để 3 mẹ con bà B cùng chung sống. Vậy bà B có đủ tư cách pháp nhân để đứng ra xin Giấy phép xây dựng không?

3- Bà B có quyền đứng ra ký kết các hợp đồng của miếng đất này cụ thể như hợp đồng cho thuê mặt bằng, thế chấp Ngân hàng hay các loại giấy tờ khác liên quan tới miếng đất này trong thời gian 2 đứa con còn dưới 18 tuổi không? 

Cám ơn Luật sư nhiều. Trân trọng. (Nguyen Ch.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu hỏi của chị là một tình huống thực tế hay xảy ra. Bộ luật dân sự đã có những qui định mang tính nguyên tắc về vấn đề này, trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Theo quy định của pháp luật, khi ly hôn, liên quan đến tài sản chung - các bên có thể tự thỏa thuận chia hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Thông thường thì tài sản chung sẽ chia đôi, mỗi người 50% giá trị.

Ngoài ra, các bên (vợ và chồng) có thể thỏa thuận và tự nguyện “chia” hay “cho” một phần tài sản của mình cho các con. Vấn đề này tuy không liên quan trực tiếp đến vụ án ly hôn, nhưng sẽ được tòa ghi nhận trong bản án – nếu các bên có yêu cầu, khi giải quyết ly hôn. Ví dụ: Khi ly hôn, hai vợ chồng đồng ý sẽ trích ra 500 triệu đồng từ tài sản chung để cho hai đứa con. Khi đó, bản án sẽ tuyên có nội dung theo dạng như chị đã trình bày trong thư của mình.

Nếu hai vợ chồng có con chưa thành niên (dưới 18 tuổi), thì khi giải quyết ly hôn sẽ còn đặt ra vấn đề “cấp dưỡng nuôi con”. Thông thường thì nếu một bên nuôi, thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng (góp tiền chung sức nuôi con cho đến khi trưởng thành – 18 tuổi). Việc cấp dưỡng nuôi con về bản chất khác với việc “cho” con tài sản – như nêu ở trên. Về nguyên tắc, tiền cấp dưỡng có thể giao hàng tháng hoặc cũng có thể giao luôn một lần – nếu bên cấp dưỡng có điều kiện và cả hai bậc cha mẹ đều đồng ý. Vấn đề cấp dưỡng nuôi con được ghi nhận trong bản án. Trên thực tế, cũng có những trường hợp bên nhận nuôi con không yêu cầu (không cần) được cấp dưỡng. Việc này cũng được ghi nhận trong bản án ly hôn.

Qua những điều hơi “dài dòng” như trên, ý của tôi là – do tôi không đọc bản án ly hôn của ông bà A-B, mảnh đất “chia cho các con” mà chị nói thuộc trường hợp “cho tài sản” chứ không phải là “tiền cấp dưỡng”. Hay nói cách khác, mảnh đất này thuộc quyền sở hữu (sử dụng) của hai người con, có nguồn gốc từ việc được cha mẹ cho tặng.

Bây giờ, tôi sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi của chị.

1. Bà B cần phải làm thủ tục sang tên, xác lập quyền sở hữu đối với căn nhà mình được chia:

Nhà đất là tài sản có đăng ký. Nhà thuộc quyền sở hữu của ai thì người có phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ghi tên mình. Do hiện nay giấy tờ đang đứng tên hai người, nay theo thỏa thuận ghi nhận trong bản án (đã có hiệu lực pháp luật) căn nhà thuộc về bà B. Như vậy, nhất thiết bà B phải làm thủ tục sang tên qua cho mình để hoàn tất việc xác lập quyền sở hữu.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm là đối với miếng đất của các con, bà B cũng cần liên hệ làm thủ tục chuyển tên cho các con.

2. Bà B có thể xây cất nhà trên miếng đất của các con, cũng như thực hiện các giao dịch liên quan đến mảnh đất như thế chấp, cho thuê mặt bằng nếu được sự đồng ý của cha các con (chồng cũ) :

Như đã xác định, miếng đất nay thuộc quyền sở hữu (sử dụng) của các con. Vì hiện nay 2 con đều chưa đến tuổi trưởng thành (chưa đủ 18 tuổi), chưa có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp lý đầy đủ, nên sẽ bị hạn chế quyền sử dụng đối miếng đất – dù là của mình.

Theo qui định của pháp luật, trong trường hợp này bà B, là người nuôi dưỡng, đồng thời cũng được xem là “người giám hộ” của hai con có “quyền quản lý” đối với miếng đất. Quyền quản lý này được thực hiện theo quy định về “quyền quản lý tài sản của người được giám hộ”. ( Hai đứa con là “người được giám hộ”).

Tại điều 69 Bộ luật dân sự quy định việc quản lý tài sản của người được giám hộ như sau: “Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”.

Như vậy, về nguyên tắc bà B có quyền làm những gì liên quan đến mảnh đất nếu “vì lợi ích của các con”. Tuy nhiên, đối với các giao dịch có giá trị lớn và làm chuyển dịch quyền sở hữu như bán, cho thuê, cầm cố, thế chấp ...vv thì phải được “sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”.

(Trong trường hợp này, người “giám sát việc giám hộ”, cũng theo qui định tại Bộ luật dân sự, chính là người “thân thích” của người được giám hộ (hai đứa con). Chính là ông A – cha của hai người con.

Ý cuối, riêng việc “cất nhà trên đất” để ba mẹ con cùng chung sống tuy thoạt nghe có vẻ hợp lý. Về nguyên tắc nay người mẹ (bà B) có thể đứng đơn xin Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì lại có thể sẽ rắc rối, phức tạp về sau. Vì để cất nhà thì phải có tiền, mà tiền thì lại của người mẹ, đem cất nhà trên đất của con – nên sau này khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà sẽ phát sinh vấn đề là : phải xác định ai là chủ sở hữu căn nhà : cả ba mẹ con ? hay mẹ, hay con ? Theo tôi, đây là vấn đề sau này (khi các con đã đủ 18 tuổi) sẽ phải thực hiện theo kiểu “vướng ở đâu gỡ ở đó”, linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế. Chứ không thể có ngay kết quả như ý được. www.ecolaw.vn

----------------------------------

Qui định của pháp luật:

Quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

2. Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. 

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

3. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. 

Giám sát việc giám hộ 

1. Người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.
Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì của người được giám hộ.

2. Trong trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc giám hộ.

3. Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(Theo Điều 69 và 59 Bộ luật dân sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn