Wednesday, September 17, 2014

Hỏi về “quyền công dân” trong thời gian bị tạm giam


Hỏi: Xin chào luật sư! Người thân của tôi bị khởi tố về tội chiếm đoạt tài sản và đang bị tạm giam để điều tra 4 tháng. Gia đình tôi có nhờ luật sư xin tại ngoại để điều tra nhưng chưa được, đã 1,5 tháng mà luật sư và gia đình không được biết thông tin gi về người ấy ngoài 1 lần có cuộc điện thoại gọi đến nhà nhắn người nhà tôi mang đồ vô trại gửi nhưng không được gặp trực tiếp. Bên phía luật sư nói với gia đình tôi khi nào có lịch thẩm vấn thì luật sư mới được gặp thân chủ.

Vậy xin luật sư giải đáp 2 thắc mắc của tôi:


- Khi 1 người bị bắt tạm giam để điều tra tức là người đó chưa bị định tội thì có còn quyền công dân không? Nếu còn quyền công dân thì tại sao lại bị giam giữ không được tiếp xúc với bất kỳ người thân thậm chí cả luật sư bảo vệ mình mà phải đợi đến khi có lịch thẩm vấn mới được gặp luật sư?

- Tại sao lại giam giữ một người quá lâu mà không thẩm vấn, có hay không chuyện bên công an điều tra thẩm vấn hay ép cung (thậm chí đánh đập) người đó trong thời gian này (tức 1,5 tháng tạm giam để chờ lịch thẩm vấn) khi mà người đó không có bất cứ sự bảo vệ nào?

Gia đình chúng tôi đang rất lo lắng cho sức khoẻ và tinh thần của người thân mình, mong nhận được lời hồi đáp của luật sư. Xin chân thành cám ơn ( Duy Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Người thân của anh đang bị điều tra về tội hình sự nên trong giai đoạn này gọi là “bị can” (khi ra Tòa thì gọi là “bị cáo”).

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự - để bảo đảm cho việc điều tra, xét xử và thi hành án. Theo đó, trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền bắt tạm giam bị can, bị cáo.

Khi một người bị tạm giam tức là đã bị “giam giữ” về thân thể, bị mất tự do. Do vậy, chắc chắn sẽ không thể thực hiện được rất nhiều việc như người bình thường khác. Chẳng hạn như không thể đến cơ quan làm việc, không thể đi xem phim, không thể tự do tắm rửa, ăn uống …vv. Trong những điều bị hạn chế như vậy, chắc chắn sẽ có những điều thuộc về “quyền công dân”. Chẳng hạn như bầu cử, họp hành. Hay nói cách khác, người bị tạm giam không bị tước đoạt hết, nhưng bị hạn chế về quyền công dân.

Theo qui định, gia đình cũng có thể làm đơn bảo lãnh xin tại ngoại cho người bị tam giam. Nhưng việc có được chấp thuận hay không là do cơ quan tiến hành tố tụng. Thậm chí nếu cảm thấy “an tâm, an toàn” thì ngay cả trường hợp gia đình không bảo lãnh thì người đang bị tạm giam vẫn có thể được cho tại ngoại (nhưng có thể bị cấm đi khỏi nơi cư trú).

Theo qui định, luật sư có quyền tham gia vào vụ án hình sự kể từ khi khởi tố bị can. Và trong giai đoạn điều tra, luật sư có quyền dự cung (tham dự buổi hỏi cung (chứ không phải là “thẩm vấn” đối với bị can cùng điều tra viên). Tuy nhiên, trên thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra. Vì cán bộ điều tra thường “không thích” sự có mặt của luật sư trong giai đoạn này, nên thường đưa ra nhiều lý do, gây khó khăn cho luật sư. Tôi có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc này.

Tuy nhiên, sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra (có bản Kết luật điều tra), thì luật sư có thể dễ dàng hơn trong việc liên hệ và tiếp xúc với bị can trong trại tạm giam. Còn lúc này, người thân của anh bị tạm giam và đang trong giai đoạn điều tra, nên ngay cả luật sư cũng rất khó tiếp xúc – như đã nói ở trên.

Tôi cho rằng không phải là cơ quan điều tra “chưa thẩm vấn” người thân của anh, mà do thực chất quá trình điều tra đang diễn ra, nên chắc chắn người thân của anh đã được hỏi cung nhiều lần. Hiếm khi nào tạm giam cả tháng mà chưa hỏi cung.

Còn chuyện có ép cung hay dùng nhục hình (tra tấn) như anh lo âu - về nguyên tắc là tuyệt đối bị cấm. Nhưng đúng là trên thực tế vẫn có thể xảy ra. Và dù muốn hay không thì bị can (và mọi người) cũng phải chấp nhận thực tế này. Nếu có thể thì khiếu nại, tố cáo khi có cơ hội (giả sử là có chuyện ép cung, nhục hình). Nhưng theo tôi vấn đề quan trọng hơn là người thân của anh có tội hay không ? và làm sao để gỡ tội ?, để được hưởng mức hình phạt thấp nhất có thể - đó chính là công việc có phần nặng nhọc của luật sư.

Trong thời gian bị tạm giam, gia đình có thể được liên hệ hay thăm nuôi bị can. Tôi nhấn mạnh từ “có thể” ở đây.

Theo qui định tại Nghị định 09/2011 thì “Người bị tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”. Như vậy, có thể hiểu là việc gia đình và luật sư có được gặp người thân đang bị tạm giam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Và nếu gia đình hay cả luật sư không được cho gặp thì cũng không phải là sai luật.

Nói tóm lại, dù lo lắng, trước mắt gia đình cần bình tĩnh, hiểu rõ các qui định như nêu trên để khỏi nóng ruột, bức xúc. Rồi sẽ tới lúc có cơ hội để luật sư vào tiếp xúc với bị can. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn