Hỏi: Xin cho tôi hỏi: công ty TNHH và công ty cổ phần có thể cùng thỏa thuận góp vốn để thành lập một doanh nghiệp mới được hay không? Nếu được thì doanh nghiệp mới thuộc loại hình doanh nghiệp nào? Và để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mới phải thỏa mãn những điều kiện gì và phải thực hiện những thủ tục gì? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Ha Ng.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Để thành lập một doanh nghiệp ( công ty), ngoại trừ những ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, chỉ cần đơn giản là đăng ký thành lập tại Sở kế hoạch & đầu tư – nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Về “người” góp vốn , theo qui định tại Luật doanh nghiệp, có thể là cá nhân hoặc tổ chức, hoặc vừa cá nhân, vửa tổ chức ( công ty có thể hiểu là một “tổ chức”). Như vậy, việc hai công ty (TNHH và cổ phần) như anh hỏi cùng góp vốn để thành lập một công ty mới là điều hoàn toàn có thể thực hiện, khả thi.
Về loại hình công ty, về nguyên tắc thì các thành viên góp vốn có thể chọn theo ý của mình – miễn sao phù hợp với mục đích, mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, do ở đây chỉ có hai thành viên góp vốn ( công ty TNHH và công ty cổ phần), nên hình thức phù hợp và duy nhất phù hợp là “công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên” – qui định trong Luật doanh nghiệp. (Vì nếu là công ty cổ phần thì phải có từ 3 thành viên (cổ đông) góp vốn trở lên).
Trong việc thành lập công ty mới này, có vài vấn đề pháp lý cần quan tâm là:
- Nếu công ty nào (trong số 2 công ty) góp vốn nhiều hơn 50% trong công ty mới, thì công ty mới sẽ trở thành “công ty con” của công ty này – theo qui định tại Luật doanh nghiệp. Theo đó, việc hạch toán, quyết toán của công ty mới sẽ có sự “liên quan” đến công ty mẹ.
- Vì công ty mới do hai tổ chức ( công ty) góp vốn, nên mỗi tổ chức phải cử ra một “người đại diện” để quản lý vốn của mình trong công ty mới. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện này phả thể hiện rõ trong Điều lệ công ty.
- Về thủ tục thành lập: hoàn toàn giống như việc thành lập một công ty “bình thường”. Có điều những giấy tờ của “cá nhân” góp vốn sẽ thay bằng giấy tờ của “công ty”. Và dĩ nhiên, cần phải có một Bản điều lệ chặt chẽ, rõ ràng để công ty có thể hoạt động thuận tiện, hiệu quả.
- Trước khi thành lập công ty mới, hai bên góp vốn nên thỏa thuận và ký một bản “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”, xác định rõ về tỷ lệ góp vốn, phương hướng quản lý, điều hành …vv.
Thân mến. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|