Friday, September 5, 2014

Chồng có phải trả nợ thay cho người vợ đã chết?


Hỏi: Vợ tôi bị bệnh ung thư. Tháng 11-2010 vừa qua vợ tôi đã qua đời ở tuổi 49. Mới đây có một người cùng cơ quan với vợ tôi ( vợ tôi là giáo viên) tới đề nghị gia đình trả nợ cho khoản nợ mà theo lời người này là vợ tôi đã nợ. Bằng chứng mà người đó đưa ra là một tờ Giấy vay vàng, số vàng 2 lượng SJC, thời gian vay cách nay đã hơn 1 năm, không tính lãi. Nhìn nét chữ thì tôi thấy giống như chữ viết của vợ tôi nhưng cũng không chắc lắm. Điều đáng nói là trước đây khi còn sống, tôi chưa bao giờ nghe vợ tôi nói là có vay vàng của ai. Người bạn thì khẳng định đó là sự thật, vì thân tình nên cho vợ tôi mượn để thuốc thang, có người làm chứng việc này. Tôi cảm thấy rất khó xử, phần thì gia đình cũng khó khăn, phần không biết pháp luật qui định như thế nào. Tôi muốn các luật sư cho tôi một lời khuyên và tư vấn về mặt pháp lý xem tôi có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho vợ hay không (giả sử việc vay vàng là có thật). Xin chân thành cám ơn. (Truong Qu.)


Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:

Về nguyên tắc, có vay nợ thì phải trả. Cho dù người vay nợ đã chết thì món nợ này vẫn còn đó, và được pháp luật qui định lấy từ số tài sản do người chết để lại để trả nợ. Người “đại diện” cho người đã qua đời giải quyết việc trả nợ này là những người thân, người thừa kế của người quá cố.

Cụ thể hơn, Bộ luật dân sự qui định : kể từ thời điểm mở thừa kế (tức là khi vợ anh qua đời), những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản do người chết để lại. Theo đó, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Như vậy, việc vợ anh có mượn vàng thì dù đã qua đời, về nguyên tắc anh vẫn phải đứng ra trả nợ thay cho vợ. Chỉ trừ trường hợp chủ nợ chủ động xóa nợ hoặc khả năng thứ hai là vợ anh không có tài sản gì để lại – thì mới không phải trả.

Vấn đề quan trọng ở đây là vợ anh có thực sự mượn vàng của người bạn hay không? Nếu anh cho rằng không, thì người chủ nợ có thể khởi kiện ra Tòa án. Khi đó bằng chứng quan trọng là Tờ giấy vay vàng của vợ anh sẽ được Tòa xem xét, đánh giá – có thể phải giám định chữ ký, mời nhân chứng …vv.

Tuy nhiên, qua những thông tin anh kể, thì khả năng vợ anh có mượn vàng của người bạn là cao, là có thật. Vì theo đạo lý thông thường của người Việt Nam, chẳng ai lại lỡ “dựng chuyện” lên để tới nhà anh đòi nợ, trong khi gia đình anh mới có tang, số tiền cũng không phải là quá lớn, lại có nhân chứng, chữ viết “giống” nét chữ của vợ anh …

Nếu anh thật sự khó khăn, anh nên chủ động trao đổi, xin giảm nợ, giãn nợ với người chủ nợ. Chúc anh giải quyết mọi việc êm đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn