Monday, September 1, 2014

Bên nhận ủy quyền đã đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, nay muốn ủy quyền cho người khác, thủ tục thế nào ?


Hỏi: Kính gửi công ty luật Ecolaw, tôi có đọc bài trả lời rất hay của luật sư Trần Hồng Phong về trường hợp của chị Nguyễn T. O về ủy quyền nhà không có tiền công. Trường hợp của tôi như sau: Tôi có ủy quyền quản lý nhà (không được mua bán và không có tiền công) tại Phòng Công Chứng cho vợ chồng em trai tôi. Thời hiệu vẫn còn 1 năm. Nay vợ chồng em trai tôi đã tự ý trả lại hợp đồng ủy quyền cho tôi và không muốn quản lý nhà của tôi nữa. Xin hỏi tôi có thể làm hợp đồng ủy quyền mới cho một người bà con khác được không ? Tôi có phải chứng minh với Phòng Công Chứng là họ đã tự ý chấm dứt hợp đồng không trước khi ủy quyền cho người khác?


Trong trường hợp họ không đến được Phòng Công Chứng cùng với tôi thì tôi phải làm những thủ tục gì ? Xin trân trọng kính chào và biết ơn. (Ha Ngoc M.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo qui định tại Điều 588 Bộ luật dân sự, thì trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, cả hai bên (bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền) đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền – vấn đề là phải “thông báo” cho bên kia. Cụ thể như sau:

« Nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên được uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý ».

Về nguyên tắc, hợp đồng ủy quyền khi lập thủ tục, hình thức như thế nào thì khi hủy (chấm dứt) thủ tục cũng “tương ứng” như vậy. Tức là hai bên phải ra Phòng công chứng, lập biên bản về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Như vậy, có thể thấy việc thông báo và làm thủ tục về việc chấm dứt ủy quyền là nghĩa vụ bắt buộc của vợ chồng người em trai. Ở đây, họ “tự ý nghỉ ngang” - mà không lập văn bản thể hiện việc chấm dứt hợp đồng - có thể xem như là hành vi vi phạm hợp đồng ủy quyền ( dù không có thù lao). Hay nói cách khác là, hợp đồng ủy quyền đó vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Nếu từ việc “nghỉ ngang” như vậy mà gây ra thiệt hại cho bên chị (bên ủy quyền) thì còn phải bồi thường.

Do vậy, tốt nhất là chị nên đề nghị vợ chồng người em đến Phòng công chứng để làm thủ tục chấm dứt hợp đồng cho đúng luật. Để hai bên vui vẻ, chị có thể trả ít thù lao về việc này. Và chị cũng cần nói rõ với họ đó là nghĩa vụ luật định mà họ có trách nhiệm và cần làm để chấm dứt việc nhận ủy quyền một cách chính thức. Nếu không thì sẽ còn phiền phức cho cả hai bên.

Cũng cần lưu ý là tuy luật qui định bên nhận ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng việc chỉ cần “thông báo” cho bên kia - nhưng hàm ý của việc “thông báo” có nghĩa là phải bằng văn bản, lập tại Phòng công chứng chứ không phải chỉ nói miệng là xong.

Chỉ sau khi hợp đồng ủy quyền cho vợ chồng người em chấm dứt đúng theo qui định như trên thì chị mới nên và có quyền ủy quyền cho người khác quản lý nhà cho mình. Ngoài ra, theo tôi thì chị chỉ nên ủy quyền cho một người thì hợp lý hơn là cho cả hai người (vợ chồng) như nói trên. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn