Hỏi: Em xin hỏi luật sư tư vấn dùm cho bạn của em sự việc như thế này : cô của bạn em có thành lập mấy cái công ty và cho bạn của em đứng tên làm giám đốc 1 cái công ty (chỉ là danh nghĩa thôi) và có nhờ bạn em đứng tên sở hữu dùm cho cô một căn nhà. Lúc đứng tên dùm, bạn em và cô có làm tờ giấy thoả thuận bạn em chỉ là người đứng tên dùm, khi cô cần mua bán, thế chấp bạn em phải ra kí tên cho cô và không được đòi hỏi quyền lợi. Giấy này viết tay giữa 2 cô cháu thôi, không có ra công chứng. Căn nhà đó giá trị cũng rất lớn.
Sau một thời gian, người cô nói cần vốn làm ăn nên muốn thế chấp căn nhà đó cho ngân hàng, nhờ bạn em ra kí tên. Đó là lần thứ nhất. Sau một thời gian nữa không biết bằng cách nào mà người cô đó chuộc lại giấy tờ nhà đó từ ngân hàng và nói với bạn em là đã giải chấp ngân hàng, và người cô muốn bán căn nhà trên cho một người khác và kêu bạn của em ra công chứng kí tên mua bán đoàng hoàng. Bạn em không hiểu biết nhiều nhưng thấy ra công chứng hợp lệ nên cũng chẳng lo ngại gì. Nói hết để luật sư hiểu là mọi giao dịch mua bán hay thế chấp điều do người cô đứng ra giao dịch với người mua và những người cho vay ở ngân hàng, bạn em không hề biết những người đó, và ngay cả chủ cũ của căn nhà đó trước khi bán cho người cô cũng giao dịch và mua bán lấy tiền với người cô và họ biết bạn của em chỉ là người đứng tên tài sản dùm người cô thôi.
Mọi chuyện tưởng như bình thường, rồi một thời gian sau, người cô nói với bạn của em là nên lánh mặt 1 thời gian. Bạn em hỏi lí do thì người cô chỉ nói có chuyện xảy ra với căn nhà đó nguy hiểm nên phải cần lánh mặt. Bạn em không biết gì chỉ nghe người cô nói vậy sợ quá cũng đã đi lánh mặt.
Rồi đùng một cái người cô và bạn em bị lên báo với nội dung là kẻ lừa đảo, dùng giấy tờ giả, căn nhà đó vẫn còn thế chấp cho ngân hàng. Hiện ngân hàng đang giữ là giấy tờ giả, còn người mua sao này là giấy tờ thật. Bạn em cũng chẳng hiểu gì cả, tự nhiên bị tội lừa đảo chung với người cô và hai cô cháu đang bị cơ quan điều tra truy nã. Hiện tại bạn em đang ở đâu cũng không rõ.
Em muốn hỏi luật sư vài điều như thế này:
- Trường hợp của bạn em như vậy thì phải làm thế nào?
- Bạn em có nên ra trình diện mà giải thích cho cơ quan điều tra hiểu bạn em cũng chỉ là 1 nạn nhân và là người vô tình tiếp tay cho người cô lừa đảo thôi?
- Nếu như cơ quan điều tra không tin những gì bạn em nói vì cho là cô cháu ruột thông đồng với nhau, thì bạn em cần phải có bằng chứng gì để chứng minh là mình nói thật?
- Nếu họ điều tra những gì bạn em nói là thật vậy bạn em có được vô tội hay không? hay là vẫn bị tội và mức tội cụ thể là như thế nào? Mong luật sư giải đáp dùm và luật sư có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn em có được không?
- Bạn em có bị bắt tạm giam trước không? Nếu như bạn em lánh mặt đợi cơ quan điều tra bắt được người cô mới ra mặt, mà trong thời gian lẫn trốn như vậy bị bắt thì có bị tội nặng hơn không ?
- Nếu người cô đó bỏ trốn mà cơ quan điều tra không bắt được thì bạn em sẽ như thế nào? có đổ hết tội lên người của bạn em không? Và không lẽ nếu bị tạm giam, mà không bắt được người cô sẽ bị tạm giam hoài luôn sao?
Rất mong được các luật sư giải đáp giúp, em xin chân thành cám ơn (Sang S.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Trước hết, tôi cho rằng việc cô bạn ( và cả bạn của bạn nữa – tạm gọi là cô A) bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có cơ sở.
Lừa đảo là việc có hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Ở đây, nếu như lời bạn là đúng thì Ngân hàng là nạn nhân đầu tiên ( người cô, “thông qua” hành vi vay tiền của cô A, bằng giấy tờ giả) đã lấy được tiền của ngân hàng. Và đó cũng chỉ là một trong số rất nhiều khả năng, tình huống khác nữa.
( Qua đó cũng thấy là ngoài hành vi lừa đảo, người cô ( cũng có thể liên đới đến cô A) còn có hành vi làm giấy tờ giả nữa. Hành vi này cũng là một tội danh, qui định trong bộ luật hình sự).
Sau đây, tôi trả lời từng câu hỏi của bạn nhé:
1. Bạn em có nên ra trình diện mà giải thích cho cơ quan điều tra hiểu bạn em cũng chỉ là 1 nạn nhân và là người vô tình tiếp tay cho người cô lừa đảo thôi?
Chắc chắn cô A cần và nên ra đầu thú. Việc đầu thú là tình tiết giảm nhẹ đáng kể cho bị can, bị cáo ( người đang bị truy nã, điều tra, truy tố về tội hình sự). Cô A có thể trực tiếp lên cơ quan công an cấp quận/huyện nơi mình đang cư trú để đầu thú. Sau khi đầu thú, nhiều khả năng cô A có thể bị bắt tạm giam ( là biện pháp ngăn chặn, nhàm bảo đảm quá trình điều tra). Nói chung, đã đến mức độ như hiện nay thì điều này là phải chấp nhận.
Tôi cho rằng cô A không hẳn là một “nạn nhân” như lời của bạn. Vì lẽ cô A là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi, nên về nguyên tắc phải biết và có nghĩa vụ phải biết các qui định của pháp luật khi thực hiện các hành vi giao dịch ( vay tiền, mua bán nhà …vv) do mình thực hiện. Tất nhiên, khi kết luận điều tra và khi xét xử, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá mức độ, vai trò …vv của cô A so sánh và đối chiếu với người cô. Ở đây, xét theo nguyên tắc “đồng phạm” thì có thể thấy cô A đóng vai trò là người thực hành ( thực hiện hành vi phạm tội), còn người chủ mưu, tổ chức thực hiện là người cô. Người cô sẽ bị xử lý nặng hơn.
2. Nếu như cơ quan điều tra không tin những gì bạn em nói vì cho là cô cháu ruột thông đồng với nhau, thì bạn em cần phải có bằng chứng gì để chứng minh là mình nói thật?
Vấn đề chứng minh ( bào chữa) là nghĩa vụ của đương sự. Do vậy, cô A phải tự mình hoặc nhờ luật sư trình bày, đưa ra các bằng chứng phù hợp, hợp lý để cơ quan điều tra “tin”. Về nguyên tắc, nên trình bày đúng sự thật. Còn về bằng chứng, tờ giấy thỏa thuận viết tay giữa người cô và cô A là chứng cứ rất quan trọng – thể hiện vai trò “thứ yếu” của cô A.
3. Nếu họ điều tra những gì bạn em nói là thật vậy bạn em có được vô tội hay không? hay là vẫn bị tội và mức tội cụ thể là như thế nào? Mong luật sư giải đáp dùm và luật sư có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn em có được không?
Như tôi đã phân tích ở đầu bài viết, dù cho cô A chứng minh được sự thật là những gì đúng như bạn nói, thì cô A cũng không thể vô tội. Mức án cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa – nên chỉ có thể tham khảo theo điều luật và tự hình dung, suy đoán thôi ( xem điều luật ở cuối bài viết).
Văn phòng chúng tôi ở TP.HCM, do vậy, chúng toy cũng chỉ thường nhận bào chữa những vụ án tại địa bàn mà ít khi nhận ở xa ( vì tốn kém về chi phí đi lại).
4. - Bạn em có bị bắt tạm giam trước không? Nếu như bạn em lánh mặt đợi cơ quan điều tra bắt được người cô mới ra mặt, mà trong thời gian lẫn trốn như vậy bị bắt thì có bị tội nặng hơn không ?
Cô A hoàn toàn có thể bị bắt tạm giam ngay sau khi ra đầu thú hoặc bị bắt khi truy nã. Việc bị bắt do truy nã không phải là tình tiết tăng nặng khi lượng hình (kết tội). Tuy nhiên, nên đầu thú để có được “tình tiết giảm nhẹ”.
5. Nếu người cô đó bỏ trốn mà cơ quan điều tra không bắt được thì bạn em sẽ như thế nào? có đổ hết tội lên người của bạn em không? Và không lẽ nếu bị tạm giam, mà không bắt được người cô sẽ bị tạm giam hoài luôn sao?
Trong trường hợp này, nhiều khả năng vẫn tiến hành xét xử cô A trước mà không cần chờ tới người cô ( xử vắng mặt người cô). Vì qua những thông tin bạn nêu, có thể thấy dù không có người cô thì các yếu tố về hành vi, nhận thức, cũng như các bằng chứng khách quan ( hợp đồng vay tiền, giấy tờ nhà, hợp đồng bán nhà …vv – đều đứng tên cô A) đủ để có thể đưa ra xét xử cô A mà không nhất thiết phải chờ mãi cho đến khi bắt được người cô.
Hy vọng qua những ý kiến trao đổi trên đây, bạn có thể và nên liên hệ được với cô A, động viên cô A đầu thú để có được mức án “tốt nhất” cho mình – theo qui định của pháp luật. www.ecolaw.vn
-------------------------------------------------
Qui định của pháp luật:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
(Điều 139 Bộ luật hình sự)
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành
chính – Hình sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|