Tuesday, September 30, 2014

Đất mộ được cô lập di chúc để lại: có được hưởng không?


Hỏi: Thưa luật sư, tôi có một thắc mắc xin luật sư tư vấn giùm. Tôi có bà cô qua đời năm 2009 để lại di chúc cho tôi là miếng đất mộ khoảng 5.000 m2 (trên có khoảng 40 ngôi mộ) có sổ đỏ cấp năm 2005. Vậy cho tôi hỏi tôi có được hưởng phần đất mà bà tôi để lại không? nếu được tôi muốn chuyển mục đích sử dụng có được không? Xin chân thành cám cảm ơn! (Truong Le).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Thư anh gửi không có những thông tin quan trọng và tài liệu liên quan ( sổ đỏ, di chúc) nên chúng tôi chỉ trả lời mang tính “định hướng” như dưới đây.

Về nguyên tắc, nếu đất đã có sổ đỏ (Giấy CNQSDĐ) thì người có quyền sử dụng hợp pháp (đứng trên trên giấy) có quyền (lập di chúc) để lại cho người khác. Trong trường hợp này là anh. Nói chung, mọi loại đất đều có thể làm di chúc để lại cho người khác, kể cả đất ruộng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục giấy tờ sang tên cho người nhận, thì người nhận phải chứng minh là mình có nhu cầu sử dụng thì mới được công nhận quyền sử dụng. Việc này thực ra cũng chỉ mang tính hành chính, hình thức.

Điều quan trọng nhất trong sự việc của bạn, là giá trị pháp lý của bản di chúc. Về nguyên tắc, dù chúc phải được lập theo đúng qui định của pháp luật ( người lập di chúc minh mẫn, tự nguyện, nội dung và hình thức của di chúc rõ ràng, không vi phạm điều cấm …vv) thì sẽ được xem là hợp pháp, có giá trị pháp lý và phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm “mở thừa kế” – tức là thời điểm người cô của anh qua đời.

Khi đó, anh cần nhanh chóng liên hệ với Phòng công chứng nơi mảnh đất tọa lạc làm thủ tục “Khai nhận di sản thừa kế”. Tiếp đó liên hệ với các cơ quan chức năng làm thủ tục nhận và chuyển tên mảnh đất mình được di tặng cho mình.

Nếu mọi việc đều thuận lợi, tốt đẹp, thì anh sẽ được cấp Giấy CNQSDĐ đối với mảnh đất này. Khi đó, về nguyên tắc anh có chuyển xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu việc xin chuyển đổi này là phù hợp với qui hoạch sử dụng đất tại địa phương thì đề nghị của anh sẽ được chấp thuận. Anh cũng có quyền thông báo và di dơi các ngôi mộ ra khỏi khu đất trong quá trình sử dụng sau này …

Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xét rằng bản di chúc nói trên có dấu hiệu không hợp pháp hoặc có bất kỳ ai khác tranh chấp, không thừa nhận …vv – thì anh sẽ chưa được xem xét công nhận việc hưởng di sản. Sự việc sẽ phải đưa đến tòa án giải quyết. Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phán xét và quyết định bản di chúc có hợp pháp hay không.

Chúc anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn