Hỏi: Tôi và hai vợ chồng một người bạn có cùng nhau thành lập một công ty cổ phần năm 2009. Tôi là giám đốc công ty, người đại diện theo pháp luật chiếm 75% vốn điều lệ công ty. Hai vợ chồng người bạn là giám đốc điều hành và phó giám đốc. Hoạt động của công ty tương đối tốt. Tuy nhiên về quan hệ cá nhân giữa chúng tôi thì ngày càng xấu đi, thời gian gần đây rất căng thẳng, thiếu sự tin tưởng ( vì hai vợ chồng người bạn có dấu hiệu chân trong chân ngoài trong việc làm ăn của công ty). Điều đáng lo ngại là từ nhiều tháng qua, hai vợ chồng người bạn đang chiếm giữ con dấu của công ty. Khi tôi nói giao lại cho tôi ( trước đây tôi giữ con dấu và là người ký vào các giấy tờ pháp lý, hợp đồng của công ty) thì họ nhất quyết không chịu đưa. Mà tôi cũng rất nghi ngại là có thể họ đã sử dụng con dấu làm những việc mờ ám gì đó, gây thiệt hại cho công ty.
Vậy tôi xin hỏi qui định của pháp luật về con dấu công ty như thế nào? Tôi phải làm gì để lấy lại con dấu? Và thực ra tôi có quyền giữ con dấu hay không? Rất mong các luật sư giải đáp giúp, tôi xin chân thành cám ơn. ( Nguyen Ng.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Điều 36 Luật Doanh nghiệp, qui định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hơn, khoản 4 điều 6 Nghị định 58/2001 qui định: “Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình. Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ. Trường hợp thật cần thiết để giải quyết công việc ở xa trụ sở cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó có thể mang con dấu đi theo và phải chịu trách nhiệm về việc mang con dấu ra khỏi cơ quan”.
Đối chiếu với các qui định trên, người duy nhất có thẩm quyền bảo quản và quản lý con dấu của công ty anh chính là anh - người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hay nói cách khác, việc hai vợ chồng người bạn (các cổ đông) giữ con dấu như vậy là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty ( trong các giao dịch hành chính, pháp lý thường lệ), tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể bị cơ quan chức năng phạt ( nếu bị phát hiện).
Để lấy lại con dấu, theo tôi anh nên có văn bản chính thức ( vì đã nói miệng rồi mà chưa có kết quả) đề nghị hai vợ chồng người bạn sớm gửi lại con dấu cho anh (cũng là cho công ty). Trong văn bản này anh cần nêu rõ các căn cứ pháp lý như trình bày ở trên.
Về nguyên tắc, nếu họ vẫn cương quyết nắm giữ con dấu thì anh có quyền làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng để tố cáo hành vi này ( chẳng hạn như gửi đến cơ quan công an kinh tế ) hoặc cũng có thể gửi Đơn khởi kiện ra tòa án ( xem như vụ án kinh tế thương mại – tranh chấp về quyền lợi cổ đông, điều lệ công ty). Tuy nhiên, tốt nhất là hai bên nên trao đổi trên tinh thần cởi mở, hòa giải với nhau. Chứ chẳng lẽ “việc nhỏ” như vậy mà phải đưa đến chốn “công đường” ? Anh cũng cần giải thích thêm là việc giao con dấu lại cho anh quản lý là cần thiết, tốt cho tất cả mọi người và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng dấu của người bạn (khi họ cần sử dụng (đóng dấu) và đúng pháp luật). Chúc anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương
mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23
Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|