Thursday, August 21, 2014

Xin được tư vấn trường hợp " lật kèo" biên bản phân chia tài sản thừa kế


Hỏi: Xin chào quý Luật sư, Tôi xin được hỏi về vấn đề pháp luật trong trường hợp " lật kèo" biên bản phân chia tài sản thừa kế như sau:

Nhà tôi có 3 anh chị em. Bố mẹ có 3 ngôi nhà. Trước khi bố mất đều do bố mẹ đứng tên QSD đất. Bố tôi mất không để lại di chúc, sau đó mẹ tôi cùng 3 người con có họp gia đình lập thành văn bản phân chia tài sản của cả bố mẹ là 3 ngôi nhà trên, mỗi người con được 1 nhà. Biên bản có cả chữ ký của các anh chị em và mẹ tôi, có công chứng của UBND Phường.


Sau đó anh tôi chuyển QSD ngôi nhà anh ấy hưởng qua tên anh. Nhưng sau đó, tôi và chị tôi thực hiện chuyển tên QSD ngôi nhà mà chúng tôi được hưởng thì anh tôi không đồng ý và muốn được hưởng một nhà nữa. Do đó cơ quan chức năng không thể chuyển tên QSD cho chị em tôi.

Như vậy anh tôi đã "lật kèo" nội dung biên bản phân chia trên. Trong trường hợp này tôi có thể yêu cầu Tòa án nhập chung ngôi nhà trước đây của bố mẹ mà anh tôi đang đứng tên QSD để chia theo pháp luật được không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư. ( Vo Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp anh hỏi giống tuyệt đối với một vụ án mà văn phòng chúng tôi đang thụ lý. Điểm khác biệt là người mẹ đã mất, và người “lật kèo” không thừa nhận chữ ký trong tờ Văn bản phân chia tài sản của bố mẹ. Vụ án này phiên tòa sơ thẩm xử cho người lật kèo thắng, sau đó các đương sự bên “thua” có mời chúng tôi. Án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và tới nay vẫn chưa xử lại sơ thẩm lần 2, dù đã 5 năm trôi qua.

Nói như vậy để thấy việc tranh chấp, kiện tụng nhiều khi rất nhiêu khê, kéo dài. Dù thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản. Hiện nay, các đương sự, dù là anh em ruột, đã “không thèm” nhìn nhau. Thật đáng buồn cho cảnh nhân tình thế thái !

Trong vụ việc của gia đình anh, vì là tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế. Cho nên thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án.

Vấn đề mấu chốt ở đây là giá trị pháp lý của tờ “Văn bản phân chia tài sản của bố mẹ” mà anh đề cập. Qua thông tin anh nêu, có thể thấy khi lập văn bản, mọi người đều đã hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc ai. Như vậy, về mặt ý chí (của từng người) và hình thức của tờ văn bản không có gì phải tranh cãi. Người anh của anh không thể “nói xuôi, nói ngược” về tờ văn bản ấy.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nội dung của tờ văn bản. Tại thời điểm bố anh qua đời, tài sản của bố anh chỉ có một nửa – tức là 1,5 căn nhà (nói một cách đơn giản). Và đây chính là di sản thừa kế mà các con (ba anh em) và người vợ (mẹ anh) được hưởng theo lối “chia đều mỗi người một phần”. ( Gọi là chia di sản theo “pháp luật” – do bố anh không để lại di chúc).

Nhưng mẹ anh, vì sự hy sinh cao cả (có thể nói như vậy), đã chẳng màng đến phần của mình là lại tự nguyện “chia” luôn phần 1,5 căn nhà của mình. Sự tự nguyện này về nguyên tắc thì không trái pháp luật, cho nên được pháp luật công nhận (có giá trị pháp lý).

Và cũng chính tờ Văn bản đó có giá trị, nên người anh của anh mới thì làm giấy tờ, sang tên một căn nhà sang cho mình. Cho nên, nay người anh “lật kèo”, thì phải chăng chính mình đã bác bỏ giá trị của tờ Văn bản, mà mình là một bên tham gia và nhờ đó mới có được căn nhà như hiện nay.

Song về mặt lý luận, vẫn có thể có người có quan điểm và sự phân tích “cao cơ” hơn, theo hướng đề nghị hủy bỏ tờ Văn bản vì tại thời điểm lập văn bản, mẹ anh không thể “chia” mà chỉ có thể “cho tặng” phần tài sản của mình.

Và cũng có thể có những cách đánh giá, quan điểm khác với những điều tôi phân tích ở trên. Đó chính là cái “hay” của pháp luật vậy.

Như vậy và tóm lại, nếu vẫn không thể thỏa thuận được với nhau, tôi nghĩ anh và chị anh và cả mẹ anh nên kiện ông anh ra Tòa. Yêu cầu ông anh phải thực hiện những điều đã ghi nhận trong Văn bản thỏa thuận trước đây. Trong quá trình giải quyết ở Tòa án, tình tiết của vụ án sẽ có thể sẽ đi theo nhiều hướng khác nhau, tùy theo quan điểm và ý kiến của các bên.

Tôi khuyên anh nên nhờ luật sư hỗ trợ khi kiện ra Tòa. Chúc anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn