Thursday, August 21, 2014

Muốn ly hôn trong khi đang phải thi hành án trả nợ


Hỏi: Chào các luật sư, gia đình tôi đang có vấn đề này, mong được tư vấn giúp: Cha mẹ tôi mang trong giai đoạn chờ thanh lý tài sản do mắc nợ, tài sản đứng tên 2 vợ chồng bị thi hành án kê biên, đấu giá để giải quyết nợ.

Gần đây, cha tôi đi lại với một người phụ nữ khác, khi về thì hay chửi bới mẹ tôi, đập phá đồ đạc trong nhà, có nhiều hàng xóm chứng kiến và đọc được tin nhắn tình tứ trong điện thoại của cha tôi qua lại với người phụ nữ đó (vì mẹ tôi không biết sử dụng điện thoại, phải nhờ hàng xóm xem giúp).


Ông ấy còn nhiều lần hăm dọa nếu đất đứng tên chị em tôi sau khi bán đi mà không chia cho ông ấy thì ông ấy "chém". Chị em tôi đều đi làm xa, mỗi tuần chỉ về nhà 1 lần với mẹ. Mẹ tôi ở nhà một mình với ông ấy.

Hiện nay, mẹ tôi đưa các phương án để chia tay êm đẹp là: mẹ tôi ra đi, ủy quyền cho ông ấy tất cả tài sản và nợ đứng tên 2 vợ chồng, phần còn lại sau khi trả nợ sẽ thuộc về ông ấy. Hai là ông ấy phải đi khỏi nhà hoặc chấm dứt chuyện đi lại với người phụ nữ kia và không được chửi bới mẹ tôi nữa.

Nhưng phương án nào ông ấy cũng không chịu, vẫn ngoại tình và chửi bới mẹ tôi, đồng thời hăm dọa đòi chia tài sản làm tâm lý mẹ tôi cực kỳ khủng hoảng...

Tôi biết trong thời gian tài sản nợ nần chưa giải quyết xong không thể ly hôn, nhưng với trường hợp của mẹ tôi, gia đình tôi có thể làm thế nào để chứng minh cha tôi đang đe dọa đến sự an toàn của cả nhà tôi, đặc biệt là mẹ tôi để có thể đơn phương ly hôn? Có thể gửi đơn ly hôn trước hay gửi đơn cớ với công an để bảo đảm an toàn cho mẹ tôi?

Tôi đang rất lo lắng vì hiện nay kinh tế chúng tôi không đủ cho mẹ tôi ở nhà trọ, còn nếu ở chung với cha tôi thì rất không an toàn. Ông ấy thì nhất định "hai chân hai thuyền", còn hăm dọa các giấy tờ có liên quan đến ông ấy về sau ông ấy không ký tên nữa. Tôi chỉ cần sự an toàn của mẹ tôi mà thôi... Mong các luật sư giúp chúng tôi trường hợp này. Tôi chân thành cảm ơn (Th Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu chuyện không lấy gì làm vui vẻ trong gia đình bạn, hay chính xác hơn là giữa ba và mẹ của bạn chúng tôi không đề cập đến trong phần trả lời này. Dưới đây là phần tư vấn pháp lý.

Trước hết, luật không qui định là khi hai vợ chồng đang mắc nợ, đang phải thi hành án thì không được ly hôn. Vì đây là hai vấn đề khác nhau. Nợ thì cứ trả, nếu khoản nợ được xác định là nợ chung, thì “hai vợ chồng” lấy tài sản chung để trả. Nếu ly hôn, thì mỗi người lấy từ phần tài sản riêng của mình để trả, để thi hành án. Chẳng hạn ông A bà B là hai vợ chồng, bị tòa tuyên án phải trả 400 triệu đồng cho ông C. Nay nếu ông bà A và B ly hôn, thì qua giai đoạn thi hành án, mỗi người (ông A và bà B) có nghĩa vụ lấy từ số tài sản mà mình được hoặc sẽ được chia trong vụ án ly hôn để trả nợ. Tức là mỗi người 200 triệu. Nếu tài sản của hai người sau khi chia (ly hôn) vẫn không đủ để thi hành án thì sẽ tiếp tục “nợ”. Chừng nào có thì mỗi người tự thi hành án tiếp.

Ngoài ra, khi giải quyết ly hôn, nếu hai bên thỏa thuận được thì không nhất thiết phải chia tài sản. Có nghĩa là ba mẹ chị có thể tự thỏa thuận về việc trả nợ (thi hành án) mà không cần nhờ tòa giải quyết trong vụ án ly hôn. Hoặc là có thể ly hôn trước, còn khoản nợ và tài sản thì để sau này (sau khi đã ly hôn) giải quyết cũng được.

Còn nói về “2 phương án” mà mẹ bạn đưa ra thực ra cũng theo kiểu “chữa cháy”, không giải quyết dứt điểm được vấn đề. Hơn nữa, như tôi đã trao đổi ở trên, nợ nần, tài sản là một việc, còn ly hôn lại là một việc khác. Cần giải quyết hai việc này một cách độc lập, không nên lẫn lộn việc này với việc kia. Vấn đề quan trọng là mẹ bạn cần phải suy nghĩ kỹ xem đã đến mức cần phải ly hôn hay không? Liệu có khả năng “hòa giải” với ba bạn hay không? (Việc ly hôn như thế nào, ly hôn đơn phương ra sao bạn có thể tham khảo tại những câu hỏi – đáp khác trong mục Luật sư tư vấn).

Còn về việc ba bạn “đe dọa” hay sự “an toàn” của mẹ bạn theo tôi nên đánh giá dựa vào những gì đã xảy ra trước đây. Chẳng hạn nếu ba bạn đã từng đánh mẹ bạn nhiều lần thì đúng là không an toàn. Cho nên, việc phải dời đi nơi khác sống cũng là một giải pháp. Nhưng rõ ràng là nếu như vậy thì xem như mẹ bạn đã chấp nhận “thua” ba bạn ở một phương diện nào đó. Vì mình đang có nhà mà lại không dám ở, phải đi ở trọ thì đúng là … cám cảnh !

Cũng cần nói thêm là pháp luật cấm người đang có vợ/hoặc chồng mà lại công khai chung sống hay quan hệ tình cảm “như vợ chồng” với người khác. Do vậy, mẹ bạn có thể làm đơn tố cáo ba bạn về việc này. (Tuy nhiên, nếu quả thực ba bạn đã dứt tình với mẹ bạn thì việc này cũng chỉ làm cho mâu thuẫn giữa hai bên càng thêm khoét sâu, càng mau ly hôn).

Nói tóm lại, mẹ bạn có thể đơn phương làm đơn xin ly hôn. Còn vấn đề nợ nần, tài sản có thể giải quyết luôn trong vụ án ly hôn, hoặc tự thỏa thuận hoặc để sau cũng được. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn