Thursday, August 14, 2014

Vợ không thể xin thôi việc cho chồng



Có những việc vợ không thể quyết định thay chồng (ảnh minh họa)

Hỏi : Công ty chúng tôi vừa nhận được Đơn xin thôi việc của anh Lê Võ X. do vợ của ảnh là Hoàng Bích H. viết. Nội dung: xin cho anh X thôi việc & giải quyết các chế độ vì anh X bị tai nạn giao thông, đang điều trị tại Singapore, không thể tiếp tục làm việc. Tôi đã gọi điện cho chị H. để tìm hiểu thêm nhưng những thông tin chị H. cung cấp cũng không rõ ràng về tai nạn, chỉ biết tình trạng hiện tại là không còn nguy kịch nhưng chưa thể xuất viện. Phía chị H. cũng không quan tâm lắm đến các chế độ bảo hiểm tai nạn mà công ty đã mua cho nhân viên. Điều quan tâm nhất là các khoản tiền giải quyết khi thôi việc phải chuyển cho chị H. vì thẻ ATM của anh X chỉ có mình ảnh biết mật mã.


Tôi xin gửi kèm luật sư Đơn xin thôi việc và xin vui lòng trả lời giúp công ty có thể giải quyết theo đơn này không. Vì tôi chưa thấy trường hợp nào vợ xin thôi việc thay cho chồng cả. Vả lại lúc này công ty cũng đang rất cần người thay thế vị trí do anh X. để trống ( Huynh Huy T., Phòng Nhân sự công ty AT).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Quan hệ lao động giữa anh X và công ty AT là quan hệ hợp đồng (trong lĩnh vực lao động). Do việc, việc thay đổi, chấm dứt, đình chỉ … hợp đồng đều phải do chủ thể tham gia giao dịch (tức anh X. ) trực tiếp thực hiện chứ không thể do người khác – dù là vợ anh X. Nhất là khi chị H. cũng chưa/không có giấy tờ gì chứng minh là anh X. đồng ý cho chị gửi Đơn xin thôi việc tới công ty.

Hay nói cách khác, công ty AT không thể giải quyết đơn này “thông qua” chị H. – là vợ của người lao động được.

Qua những thông tin mà bạn gửi, tôi cho rằng hai bên cần xem xét tới hướng thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động – qui định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động. Lý do chấm dứt là do hai bên “thỏa thuận” với nhau.

Trong trường hợp này, quyền lợi của anh X. được giải quyết theo như trường hợp nghỉ việc bình thường.

Tuy nhiên, để giải quyết như vậy thì tốt nhất là công ty nên cử người trực tiếp liên hệ làm việc với anh X. Nếu anh X. đang nằm viện thì cũng nhân tiện “thăm nom” cho có tình cảm với nhau.

Nếu anh X. đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động thì hai bên có thể làm Biên bản ngay về việc này. Hoặc khi nào anh X. khỏe thì tới công ty làm thủ tục theo qui định - nhưng công ty vẫn cần ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngay để chủ động tìm người thay thế.

Còn nếu anh X. không muốn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không muốn nghỉ việc thì công ty vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động áp theo trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Cụ thể là tự ý bỏ việc quá 5 ngày trong tháng (theo Điều 85 Bộ luật lao động). Tuy nhiên, nên tránh trường hợp này vì như vậy có thể gây nên sự căng thẳng không cần thiết và cũng có vẻ “lạnh lùng” quá. Vì chuyện bị tai nạn không phải là điều mà ai mong muốn.

Tóm lại là: nên giải quyết theo chiều hướng chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận, vì thực tế anh X. không/chưa thể tiếp tục đi làm vào thời điểm này, trong khi công ty đang cần người ở vị trí này. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn