Hỏi: Kính chào luật sư. Luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi trường hợp như sau: Tôi là nhân viên công ty bên bán hàng (B), cung cấp và lắp đặt cửa cho bên mua hàng (A) theo các điều khoản trong hợp đồng đính kèm thư này.
Công ty tôi đã hoàn tất phần trách nhiệm và đã nghiệm thu với bên A, có biên bản, chứng từ đầy đủ như trong hợp đồng từ cuối tháng 4/2011. Đến nay bên A mới thanh toán cho chúng tôi 40% giá trị hợp đồng.
Công ty tôi đã liên hệ điện thoại với người phụ trách bên A và gởi 3 công văn nhắc nhở về việc thanh toán công nợ, và yêu cầu có công văn phúc đáp.
Ngày 06/8/2011 chúng tôi có gởi công văn yêu cầu thanh toán nợ quá hạn, và thông báo đến hết ngày 15/08/2011 nếu không thanh toán nợ quá hạn, chúng tôi sẽ “thu hồi sản phẩm” theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ phúc đáp nào.
Ngày 09/8/2011, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị chủ đầu tư là ngân hàng NN&PTNT VL thông báo bằng điện thoại tình hình chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi sản phẩm sau ngày 15/08/2011 (vì bên A mua sản phẩm của công ty chúng tôi để cung cấp cho Ngân hàng NN&PTNT VL), nhưng chưa gởi công văn chính thức.
Người phụ trách của Ngân hàng NN&PTNT VL yêu cầu chúng tôi cung cấp hợp đồng, báo giá và bản vẽ mà chúng tôi đã ký kết với Công ty A để họ sẽ làm việc với công ty A. Tôi có điện thoại thông báo việc này với người phụ trách bên A, nhưng vẫn không có câu trả lời.
Hiện tôi vẫn chưa gởi hồ sơ như bên Ngân hàng NN&PTNT VL yêu cầu vì trong hợp đồng có điều khoản bảo mật và chúng tôi cũng muốn giải quyết một cách tốt đẹp nhưng lại không nhận được sự hợp tác của bên A.
Mong luật sư có thể tư vấn giúp tôi sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng tôi có thể gởi hồ sơ cho bên ngân hàng NN&PTNN VL như họ yêu cầu không? Rất mong sự hỗ trợ. Chân thành cảm ơn! ( Le H.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Chúng tôi đã đọc bản Hợp đồng bán hàng do anh gửi đến. Có thể nhận xét đây là một bản hợp đồng khá chặt chẽ và nói chung là đang có hiệu lực pháp luật, các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ, thực hiện đúng. Do vậy, nếu bên nào vi phạm thì cứ theo những điều đã thỏa thuận trong hợp đồng và/hoặc các qui định mang tính chung (nguyên tắc) tại Bộ luật dân sự & luật Thương mại (mà chính trong hợp đồng đã dẫn chiếu) để xử lý, giải quyết.
Trong hợp đồng, bên A mua hàng (là cửa nhựa) của bên anh và lắp ráp vào công trình Trụ sở chi nhánh Ngân hàng VL. Theo bản hợp đồng này, công ty của anh không có quan hệ (giao dịch) hay mua bán gì với Chi nhánh ngân hàng VL. Và do vậy, cần phải hiểu việc VL là “chủ đầu tư” chỉ áp vào trong mối quan hệ giữa bên A và Ngân hàng VL mà thôi. Còn công ty anh và ngân hàng VL trước mắt không liên quan gì với nhau.
Tuy nhiên, có một chi tiết trong hợp đồng do không mang tính khả thi (thiếu cơ sở thực tế) nên đã dẫn đến sự khúc mắc, khó xử như chính anh đã nêu ra. Đó chính là việc hai bên thỏa thuận trong hợp đồng (nguyên văn) như sau:
"Nếu Bên A thanh toán chậm so với các điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng thì phải chịu lãi suất theo mức 0,05%/ngày cho số tiền chậm trả. Thời gian quá hạn thanh toán không được vượt quá 10 ngày. Nếu vượt quá thời gian trên, Bên B có quyền thu hồi sản phẩm đã bàn giao cho đến khi Bên A thanh toán cho Bên B".
Việc hai bên thỏa thuận “thu hồi sản phẩm đã bàn giao” không có gì là sai, nhưng hầu như rất khó thực hiện. Vì khi xảy ra điều kiện để có thể “thu hồi” thì cửa đã ráp vào công trình. (Còn nếu chưa ráp thì cũng đang nằm trong tay “đối phương” nếu họ không đồng ý giao thì hành vi “thu hồi” vô tình lại rơi vào tình huống giống như là mình “cướp” hàng của người ta). Do vậy rất khó thực hiện. Đó là chưa kể đến chi phí cho việc thu hồi này (tháo dỡ, vận chuyển …vv).
Điểm dở thứ hai là thỏa thuận trên thực chất chỉ có lợi cho bên mua. Vì theo nguyên tắc chung nhất, nếu bên mua hàng chậm thanh toán thì hiển nhiên sẽ phải chịu trả thêm lãi phát sinh do trả chậm. Ở đây, hai bên (hay đúng hơn là do bên bán) đã tự “khóa” mức trần tiền lãi không vượt quá 10 ngày. Nếu quá 10 ngày thì lại chuyển qua hình thức “thu hồi sản phẩm” thiếu khả thi – như phân tích ở trên. Do vậy, sau này nếu phải kiện tụng ra Tòa thì sẽ có phần “khó nói hơn bình thường” về chuyện đòi tiền lãi.
Vậy thì, tình hình hiện nay nên giải quyết như thế nào là tốt nhất ?
Trước hết, là về chuyện bảo mật, chuyện có thể gửi hợp đồng cho Ngân hàng VL hay không? – mà theo thỏa thuận trong hợp đồng thì “Hợp đồng này được hai bên cam kết bảo mật. Nếu bên nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật“.
Theo quan điểm của tôi, vấn đề bảo mật chỉ đặt ra khi trong hợp đồng có thông tin nhạy cảm, mà nếu để lộ ra có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các bên. Còn ở đây, bên mua đã vi phạm hợp đồng, thực chất cũng đã xảy ra tranh chấp, nên cũng chẳng cần phải bí mật gì nữa. Hơn nữa, hai bên cũng không qui định nếu làm lộ thì sẽ bị phạt bao nhiêu, nên bên anh có thể cứ mạnh dạn gửi Hợp đồng cho Ngân hàng VL để họ nắm tình hình, may ra có thể “ tác động“ phần nào đến bên A chăng.
Thứ nữa là chuyện đòi nợ (ở đây có thể xem như bên mua đã vi phạm thỏa thuận về việc thanh toán). Ở đây, vì chuyện mua bán đã có hợp đồng rõ ràng, nên cũng chỉ có thể tiến hành theo cách thức thông thường mà thôi. Nghĩa là nếu bên mua vẫn tiếp tục không chịu thanh toán thì bên anh có thể và nên sớm tiến hành khởi kiện ra Tòa án. Trong Đơn kiện có thể đòi thêm tiền lãi (nhưng sẽ có phần “khó” như đã phân tích ở trên) và đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) do hành vi vi phạm hợp đồng của bên mua gây ra (nhưng cũng phải có bằng chứng rõ ràng).
Nói tóm lại, vụ việc trở nên khó khăn như hiện nay chính là do trong hợp đồng chưa dự liệu và đưa vào những điều khoản mang tính ràng buộc và chế tài đối với bên mua – theo hướng mà nếu bên mua vi phạm thì sẽ bị phạt nặng, nên họ sẽ “không dám” vi phạm. Đây cũng là điều mà công ty anh nên rút kinh nghiệm trong việc soạn thảo và ký kết hợp đồng về sau.
Chúc công ty anh sớm đòi được tiền bán hàng. www.ecolaw.vn.
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương
mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|