Monday, August 4, 2014

Thông báo về việc thụ lý vụ án

Trong một vụ án dân sự, sau khi đơn kiện của nguyên đơn được tòa án chính thức thụ lý (nhận giải quyết), vị thẩm phán phụ trách sẽ ban hành một văn bản có tên gọi là Thông báo về việc thụ lý vụ án gửi cho phía bị đơn (người bị kiện).

Nội dung và ý nghĩa của văn bản này ra sao, vui lòng xem bài viết dưới đây. Trước hết là một thông báo mẫu của TAND quận 5, TP.HCM.



THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 5              Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
       Số:XXX/GB-TA
TP.Hồ Chí Minh, ngày 12-5-2010

THÔNG BÁO
VỀ VIỆC THỤ LÝ VỤ ÁN

Kính gửi:  Bà ĐỖ THỊ B.
              Địa chỉ: xxx Ngô Quyền, Phường 9, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh

Ngày 25 tháng 02 năm 2010, Toà án nhân dân quận 5 đã thụ lý vụ án dân sự số: 3/2010/TLST - về việc “tranh chấp tài sản”.

Theo đơn khởi kiện của ông LÊ PHẠM XXX
Địa chỉ: XXX Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh , quận I, Tp. HCM

Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bao gồm:

- Đơn khởi kiện yêu cầu lấy lại phần đất đã bị chiếm.

Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện đã nộp các tài liệu, chứng cứ sau đây:

1. Hợp đồng mua bán nhà số XXX ngày 20-3-2009.

2. Giấy thanh toán tiền mua nhà.

Căn cứ vào Điều 174 của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án nhân dân quận 5 thông báo cho bà Đỗ Thị B được biết.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo này, người được thông báo phải nộp (gửi) cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn, thì phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do để Toà án xem xét. Hết thời hạn này mà người được thông báo không có ý kiến gì đối với các yêu cầu của người khởi kiện, thì Toà án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

                                                 TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 5
                                                        Thẩm phán

                                               ( Nguyễn AAA đã ký, đóng dấu)
Nơi nhận:
- VKSND Q.5
- Các đương sự
- Lưu VP, hồ sơ.


Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:


1. Thông báo về việc thụ lý vụ án là văn bản có nội dung như tên gọi, do tòa án nơi đã thụ lý đơn kiện của nguyên đơn ban hành (thẩm phán phụ trách ký) nhằm thông báo cho phía bị đơn (người bị kiện) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết mình đang bị kiện (hoặc có liên quan) để “ứng phó”.

2. Theo đó, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, phía bị đơn có nghĩa vụ phải nêu ý kiến, quan điểm của mình về nội dung khởi kiện của nguyên đơn, kèm chứng từ, bằng chứng liên quan (nếu có). Cụ thể là nêu rõ mình có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay không? Nếu chấp nhận, thì sẽ giải quyết như thế nào ? Chẳng hạn: nếu nguyên đơn đòi nợ, thì việc đòi nợ có thật hay không? Nếu có thì sẽ trả như thế nào? Nếu không chấp nhận, thì lý lẽ và bằng chứng của mình ra sao? …

3. Điều cần lưu ý là qua Thông báo, phía bị đơn trước mắt có cơ hội hình dung ra phía nguyên đơn đã đưa ra bằng chứng gì (kèm theo đơn kiện) – qua đó chuẩn bị hướng để tranh cãi hay bác bỏ bằng chứng đó. Ví dụ như trong thông báo nêu trên, phía nguyên đơn (bà B) kiện đòi một phần đất mà họ cho rằng mình đã mua, có hợp đồng mua bán nhà và giấy thanh toán tiền mua nhà để chứng minh. Nếu phía bị đơn cho rằng yêu cầu đó không đúng, thì phải lý giải là vì sao ? hoặc hợp đồng mua bán nhà không bán phẩn đất mà bà B đang đòi (chẳng hạn)…

4. Thông thường, đã ra tòa tranh chấp thì “bút sa gà chết”. Do vậy, nếu vụ án tình tiết rõ ràng, sự việc đơn giản thì phía bị đơn có thể tự ghi ý kiến gửi tòa (trong một văn bản gọi là “Đơn trình bày về yêu cầu khởi kiện”). Tuy nhiên, nếu tình tiết phức tạp hoặc cảm thấy khó khăn, không chắc chắn hoặc chưa có sự hiểu biết đầy đủ về các vấn đề pháp lý có liên quan – thì tốt nhất và đây cũng chính là lúc đương sự nên thuê luật sư. Khi đó, luật sư sẽ làm việc với Tòa án, sao chụp lại đơn kiện và các bằng chứng do phía nguyên đơn đưa ra, từ đó xem xét, phân tích và đưa ra hướng trình bày, giải quyết sao cho có lợi nhất.

5. Sau khi nhận được văn bản trả lời của bị đơn, tòa án sẽ thông báo trở lại cho bên nguyên đơn biết về ý kiến trả lời của bị đơn, đồng thời xúc tiến việc mời hai bên lên tòa để tiến hành một cuộc gặp mặt nhằm mục đích tạo cơ hội cho hai bên tự thỏa thuận, hòa giải với nhau. Nếu hai bên không hòa giải được thì Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử.

6. Nói tóm lại, Thông báo về việc thụ lý vụ án có thể xem là văn bản tố tụng đầu tiên trong một vụ án dân sự (hành chính, lao động, kinh tế, hôn nhân gia đình). Tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng và là bằng chứng về việc một bên kiện một bên khác. Về nguyên tắc, đương sự cần lưu giữ văn bản này cẩn thận – vì rất có thể sẽ phải dùng đến về sau.