(Ecolaw.vn) - Trong một vụ án hình sự, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, làm rõ sự việc, xác định có hay không hành vi phạm tội ? ai phạm tội ? … và kết thúc bằng một văn bản gọi là Bản kết luận điều tra – thể hiện ý kiến kết luận và quan điểm có truy tố bị can (người đang bị điều tra) về một tội danh nào đó hay không. Bản kết luận điều tra sẽ được gửi cho đương sự và trong thời gian 15 ngày, bị can hoặc những người liên quan có quyền khiếu nại, đề nghị thay đổi, bổ sung Bản kết luận này.
Dưới đây là một Đơn khiếu nại Bản kết luận điều tra mà Công ty luật hợp danh Ecolaw vừa soạn thảo cho thân chủ của mình. Đây là một vụ việc có thật, đang diễn ra (thời điểm tháng 9-2011) và theo chúng tôi có dấu hiệu có thể làm oan một đương sự cao tuổi, đồng thời nội dung đơn cũng đề cập đến một vấn đề mang tính khoa học pháp lý hay, do vậy, với sự đồng ý của chính người làm đơn khiếu nại, Ecolaw quyết định đăng lại nguyên văn lá đơn này.
Kính mời quí vị tham khảo.
------------------------------------------------------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
Tân Thạnh, ngày 3 tháng 10 năm 2010.
ĐƠN KHIẾU NẠI
(V/v: Cơ quan điều tra kết luận không khách quan, làm oan cho ba tôi là ông Nguyễn Văn Đương)
Kính gửi: CÔNG AN HUYỆN TÂN THẠNH
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN TÂN THẠNH
CÔNG AN TỈNH LONG AN
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Tôi tên: NGUYỄN THỊ THU, sinh 1962.
CMND số : 300042782 cấp ngày 23-6-1978 tại CA. Long An.
Ngụ tại: Khu phố 3, Thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Là con ruột của bị can Nguyễn Văn Đương (82 tuổi, Địa chỉ: Khóm 3, thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) - hiện đang bị khởi tố bị can về tội “đánh bạc”.
Nay tôi làm đơn này khiếu nại “Bản Kết luận điều tra vụ án” số 18/KL-CSĐT ngày 14-9-2011của Công an huyện Tân Thạnh, vì kết luận này không khách quan và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, danh dự và uy tín của ba tôi và gia đình chúng tôi.
Cụ thể như sau:
Theo Bản kết luận điều tra số 18 của công an huyện Tân Thạnh nêu trên, sự việc như sau:
Ngày 10-5-2011, tại nhà ông Trương Minh Hùng, công an huyện Tân Thạnh đã bắt quả tang một vụ đánh bạc gồm 3 người là Châu Long Hiếu (sinh 1985), Trương Thành Khang (sinh 1973) và ba tôi là ông Nguyễn Văn Đương (sinh 1929).
Theo đó, khoảng 12 giờ trưa ngày 10-5-2011, Hiếu, Khang và ba tôi (Đương) đánh bài ăn tiền tại nhà ông Hùng ( tại Khu phố 1, thị trấn Tân Thạnh). Lúc đó cả ba đang chơi loại bài tây “Tố phé”, ăn thua bằng tiền.
Khi chơi, mỗi người bỏ ra trên chiếu bạc 500 ngàn đồng. Khi tố lên hết số tiền trên chiếu bạc thì tiếp tục lấy tiền còn lại để tố. Khi chơi được khoảng 30 phút, ba tôi (Đương) thua hết số tiền mang theo là 1,4 triệu đồng. Để tiếp tục chơi bài, bị can Đương lấy chiếc nhẫn vàng đang đeo trên tay cầm cho bị can Hiếu với giá 500 ngàn đồng.
Lúc này, bà Thu (tôi) đến, thấy vậy mới lấy chiếc nhẫn lại đeo vào tay và đưa cho ông Đương 500 ngàn đồng để tiếp tục đánh bạc. Sau đó, bà Thu (tôi) bỏ ra ngoài và gọi cho công an thị trấn Tân Thạnh đến bắt quả tang sòng bài tại chỗ.
Từ kết quả điều tra như trên, công an huyện Tân Thạnh đã nhận xét, đề nghị như sau:
• Đối với ba tôi - bị can Nguyễn Văn Đương:
- Có hành vi đánh bạc ăn thua bằng tiền bị bắt quả tang.
- Bị can ( ba tôi) có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
- Lỗi cố ý, đồng phạm với vai trò là người thực hành.
- Tại Cơ quan điều tra bị can chưa thành khẩn khai báo hành vi phạm tội.
- Hành vi đủ yếu tố cấu thành tội Đánh bạc quy định tại khoản 1 điều 248 BLHS.
• Đối với tôi (Nguyễn Thị Thu):
Đối với tôi, là người đã trực tiếp gọi công an đến bắt sòng bài, cơ quan điều tra ghi nhận như sau:
“ Từ lúc đầu đã có hành động ngăn cản đối với ông Hùng không cho bị can Đương tham gia đánh bài ở nhà Hùng. Nhưng không ngăn cản được nên đứng nhìn bị can Đương đánh bài. Khi bị can Đương thua hết tiền định cầm chiếc nhẫn cho bị can Hiếu lấy tiền chơi tiếp thì Thu mới lấy chiếc nhẫn lại và có đưa cho bị can Đương 500 ngàn đồng để tiếp tục đánh bạc (Thu tạo điều kiện thuận lợi cho bị can Đương chơi tiếp).
Nhưng xét thấy bản thân Thu sau đó đã tố giác tội phạm (gọi điện thoại báo cho công an thị trấn đến bắt), hơn nữa mục đích việc đưa tiền cho bị can Đương là để thu hồi chiếc nhẫn, nếu như Thu không đưa tiền 500 ngàn đồng cho bị can Đương chơi tiếp thì với chiếc nhẫn vàng bị can Đương quy ra giá trị thành tiền vẫn có thể tiếp tục đánh bạc được, và Thu cũng không có mục đích thu lợi bất chính trong việc đánh bạc, nên hành vi của Thu không cấu thành tội đánh bạc quy định tại điều 248 BLHS”.
Qua đó, công an huyện Tân Thạnh đã chuyển hồ sơ sang VKSND huyện Tân Thạnh đề nghị truy tố Châu Long Hiếu, Trương Thành Khang và ba tôi (Nguyễn Văn Đương) về tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 điều 248 BLHS.
Kính thưa Quí cơ quan,
Liên quan đến nội dung và kết luận tại “Bản kết luận điều tra” nói trên, tôi không đồng ý và có ý kiến khiếu nại các vấn đề sau đây:
1. Ba tôi là bệnh nhân tâm thần, không thể trở thành “bị can” phạm tội đánh bạc:
Trước hết, ba tôi là một ông già năm nay đã 82 tuổi, từ lâu đã bị lẫn và thậm chí đang bị bệnh tâm thần (lú lẫn, lúc tỉnh, lúc lú - nhiều bà con, chòm xóm biết rõ việc này). Từ nhiều năm qua, gia đình tôi đã phải đưa ba đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh.
Việc khám chữa bệnh của ba tôi diễn ra định kỳ. Gần nhất tháng 2-2011, tôi đã dẫn ba tôi đi tái khám. Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cấp Sổ khám bệnh và cho thuốc uống hai tháng 2 và 3-2011. Đồng thời hẹn lịch tái khám vào ngày 11-5-2011.
Vì vậy, sáng ngày 10-5-2011, anh tôi gửi ba tôi từ Mộc Hóa ( ba tôi sống với con trai) theo xe đò ghé nhà tôi để sáng hôm sau tôi đưa ba vào TP.HCM khám bệnh. Khi đi, anh trai tôi có để trong túi của ba 1,4 triệu đồng. Thông thường, khi tới Tân Thạnh ba tôi biết đường vào nhà tôi hoặc bà con lối xóm sẽ báo để tôi dẫn bà về nhà.
Trưa ngày 10-5-2011, thấy lâu không thấy bà ghé nhà nên tôi có ra đường hỏi thì có người mách ba tôi đang bị mấy thằng thanh niên dụ chơi đánh bài để móc túi. Tôi hỏi và vào tới nhà ông Hùng. Tại đây, tôi thấy ba tôi đang bị bắt chơi bài với Hiếu và Khang. Do ba tôi đã lẫn, và tôi là phận con, nên có ngăn cản mà không được nên đành đứng nhìn.
Theo tôi biết, người bị bệnh tâm thần không kiểm soát được hành vi của mình, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác, ba tôi không thể trở thành bị can và bị truy tố về tội đánh bạc được.
Điều lạ là trong thời gian công an điều tra vụ án, tôi đã nhiều lần nói về việc ba tôi bị bệnh tâm thần, và còn nộp Sổ khám bệnh của ba tôi cho Cơ quan điều tra. Nhưng cơ quan điều tra không thèm nghe.
2. Ba tôi từ chỗ là “nạn nhân”, bị lừa đảo chiếm đoạt tiền đã bị biến thành “bị can” phạm tội đánh bạc:
Như chính kết luận điều tra đã xác định, khi công an vào bắt quả tang sòng bài (chính tôi là người báo công an) chỉ trong vòng 30 phút ba tôi đã bị Hiếu và Khang “lột” sạch toàn bộ số tiền đang có trên người là 1,4 triệu đồng.
Khi tôi đến, thậm chí Hiếu đã dụ ba tôi tháo chiếc nhẫn ra cầm lấy 500 ngàn, với ý định lột sạch số tài sản này luôn. Vì quá sót ruột, và chỉ có mình tôi, lại là phụ nữ, không thể nào dám chống trả lại hai thanh niên, nên tôi phải chuộc lại chiếc nhẫn, đưa cho ba tôi 500 ngàn để “đánh bạc” tiếp. Ngay sau đó, tôi đã đi báo công an.
Với diễn biến như trên, cộng với việc ba tôi đã quá lớn tuổi (82 tuổi), lại đang bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và kiểm soát đầy đủ hành vi của mình, rõ ràng ba tôi đã bị hai tên Hiếu và Khang dùng thủ đoạn gian dối (đánh bài ăn gian) để chiếm đoạt tài sản.
Hay nói cách khác, ba tôi thực chất là nạn nhân của Hiếu và Khang.
Vậy mà cơ quan điều tra lại không xem xét đến vấn đề cơ bản nhất là yếu tố chủ thể (tâm thần) đối với ba tôi, không xem xét kết quả thực tế của vụ đánh bài (một ông già trong vòng 30 phút bị lột sạch toàn bộ tài sản trên người), không xem xét lý do vì sao công an biết được và vào bắt quả tang – lại đánh đồng ba tôi với hai kẻ lừa đảo, biến ba tôi thành một kẻ đồng phạm, một kẻ phạm tội.
3. Việc cơ quan điều tra kết luận tôi “tạo điều kiện thuận lợi” cho người đánh bạc là vô lý và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân tôi:
Trong bối cảnh khi đó, nếu tôi không đưa tiền cho ba tôi thì xem như ba tôi sẽ bị mất luôn chiếc nhẫn có giá trị lớn hơn nhiều. Do vậy, việc tôi đưa tiền cho ba tôi hầu như là biện pháp để ngăn chặn và hạn chế việc ba tôi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chính vì vậy, ngay sau đó tôi đã trực tiếp gọi ngay cho Công an huyện Tân Thạnh đến để bắt quả tang sòng bài lừa đảo. Nếu tôi có động cơ hay mong muốn “tạo điều kiện thuận lợi” để ba tôi đánh bài thì tôi có thể đi báo công an hay không ?
Vì vậy, mặc dù công an huyện Tân Thạnh không khởi tố tôi về hành vi phạm tội nào, nhưng với kết luận rằng tôi đã “tạo điều kiện thuận lợi” cho ba tôi tham gia đánh bạc là hoàn toàn không đúng sự thật, bản chất. Và việc này là sự xúc phạm, đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và danh dự của cá nhân tôi.
Kính thưa Quí cơ quan,
Qua những điều trình bày trên, tôi khẳng định ba tôi thực chất là nạn nhân của hành vi lừa đảo chứ không phải và cũng không thể là bị can, có dấu hiệu phạm tội đánh bài như “Bản kết luận điều ra vụ án” kết luận.
Do hiện nay, ba tôi đang bị bệnh tâm thần, nên tôi, với tư cách là con và đồng thời là người có liên quan trong vụ án này, có đơn khiếu nại Bản kết luận điều tra số 18/KL-CSĐT ngày 14-9-2011 của công an huyện Tân Thạnh – phần liên quan đến ba tôi (Đương) và tôi (Thu). Đồng thời, kính đề nghị Quí cơ quan xem xét lại, và giải quyết yêu cầu của tôi như sau:
- Điều tra lại vụ án theo hướng khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với hai bị can Hiếu và Khang .
- Rút lại việc khởi tố đối với ba tôi - vì là người mắc bệnh tâm thần
- Cải chính lại phần kết luận tôi đã “tạo điều kiện thuận lợi” trong việc “đánh bạc” của ba tôi.
Kính mong được xem xét và giải quyết.
Kính đơn
(Nguyễn Thị Thu, đã ký)
Đính kèm:
- Sổ khám bệnh của ba tôi - ông Nguyễn Văn Đương.
- Toa thuốc điều trị bệnh tâm thần.
-----------------------------------------------
Qui định của pháp luật:
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
( Điều 13 Bộ luật hình sự)
Trưng cầu giám định
1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định.
3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;
d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.
( Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự)
Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
(Điều 248 Bộ luật hình sự)
Mẫu văn bản Ecolaw là
tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng
như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm
trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị
có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những
mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực Đơn
từ, tranh chấp dân sự
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|