Monday, August 4, 2014

Thông báo về phiên hòa giải

Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự, tòa án thường tiến hành một thủ tục để tạo cơ hội cho các bên đương sự có thể thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết tranh chấp. Thủ tục đó chính là phiên hòa giải.

Để tiến hành phiên hòa giải, thẩm phán phụ trách vụ án sẽ phát hành một văn bản tố tụng có tên gọi là “Thông báo về phiên hòa giải”, tống đạt cho các bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Nội dung Thông báo (có tính chất như một thư mời) đề cập đến thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, cũng như nội dung vấn đề cần hòa giải (thông thường chính là nội dung khởi kiện của nguyên đơn).

Dưới đây là một Thông báo về phiên hòa giải do TAND Quận 3 TP.HCM phát hành. Kính mời quí vị tham khảo.


------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Hòa giải trong vụ án dân sự nói chung bao gồm cả vụ án kinh tế, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính. Chỉ riêng vụ án hình sự là không tiến hành hòa giải. Phiên hòa giải chính là một thủ tục được tiến hành để bảo đảm nguyên tắc “tự định đoạt” của các bên trong tranh chấp dân sự.

2. Cần lưu ý là việc tổ chức phiên hòa giải chỉ thực hiện ở giai đoạn giải quyết sơ thẩm. Còn ở giai đoạn phúc thẩm (xem xét đơn kháng cáo) thì tòa sẽ không tiến hành phiên hòa giải mà sẽ cho các bên hòa giải ngay tại phiên xét xử (nếu không hòa giải được thì xử luôn).

3. Thực ra, việc hòa giải không nhất thiết phải tiến hành ở tòa án – theo như Thông báo về phiên hòa giải. Các bên có thể tự thỏa thuận (hòa giải) với nhau bên ngoài tòa án, lập thành bản thỏa thuận. Sau đó bên nguyên chủ động rút đơn kiện. Tuy nhiên, thông thường khi đã “lôi” nhau đến tòa, các bên không còn sự tin tưởng ở nhau nữa, nên thường thích và nên hòa giải ở tòa án, để chặt chẽ hơn về mặt pháp lý.

4. Theo qui định, việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau: Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình và nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Hay nói cách khác, nếu thẩm phán (hay thư ký tòa) có dấu hiệu “nài nỉ” hay "ép buộc" một bên phải hòa giải với bên kia ( mà điều này vẫn thường diễn ra trên thực tế) – thì có thể cầm chắc là trong việc này “có vấn đề”, không đúng luật. Đương sự có quyền từ chối, không hòa giải hoặc thậm chí không tham dự phiên hòa giải (tức là không đến dự theo Thông báo về phiên hòa giải).

5. Phiên hòa giải được tiến hành với sự chủ trì của thẩm phán phụ trách vụ án và thư ký ghi biên bản. Tất nhiên phải có sự tham gia của các “nhân vật chính” là các bên đương sự: nguyên đơn và bị đơn. Nếu các đương sự có thuê luật sư thì có thể đề nghị luật sư cùng tham dự phiên hòa giải.

6. Phiên hòa giải được lập thành Biên bản. Nếu một bên không có mặt, tòa án sẽ lập “Biên bản hòa giải không được”, nếu hai bên không hòa giải, thỏa thuận được, tòa sẽ lập “Biên bản hòa giải không thành”. Nếu các bên đạt được thỏa thuận (hòa giải được) thì tòa sẽ lập “Biên bản hòa giải thành” và giao ngay cho các bên sau khi hòa giải xong. Thông thường, tòa sẽ tổ chức phiên hòa giải khoảng 2 lần. Nếu vẫn không hòa giải thành thì sẽ đưa vụ án ra xét xử.

7. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận (được ghi nhận trong Biên bản hòa giải thành) thì thẩm phán chủ trì phiên hoà giải sẽ ra một văn bản quan trọng gọi là “Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự”. Quyết định này có giá trị như một bản án. Theo qui định, Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

8. Chính vì vậy, điều cần đặc biệt lưu ý là quãng thời gian “trong vòng 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành” chính là quãng thời gian mà các bên đương sự có quyền thay đổi ý kiến của mình. Trên thực tế, có không ít đương sự cứ nghĩ rằng sau khi nhận “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” nếu không đồng ý thì có quyền thay đổi, kháng cáo – giống như đối với bản án sơ thẩm. Điều này là hoàn toàn không đúng.

------------------------------------------------

Bài liên quan:

* Luật sư và việc tham gia phiên hòa giải trong vụ án dân sự


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  Hành chính – Tố tụng

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn