Thursday, August 21, 2014

Thời gian nghỉ hàng năm có tính vào thời gian nghỉ chế độ thai sản, nghỉ ốm?


Hỏi: Em kính mong các anh chị luật sư của Ecolaw tư vấn giúp em: Công ty em quy định lịch nghỉ hàng năm theo điều 76 Bộ luật Lao Động. Vậy em xin hỏi người lao động đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản hoặc nghỉ ốm có bị tính trừ ngày nghỉ hàng năm này không ạ. Căn cứ theo quy định nào ạ. Xin cảm ơn anh chị. Rất mong nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của anh chị. ( Pham H.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Vấn đề bạn hỏi tương đối đơn giản. Nhưng đúng là nếu chỉ đọc luật không thôi mà không phải là người học về chuyên ngành luật, thì có thể hơi khó hiểu.

Trước hết, người lao động làm việc tại doanh nghiệp/tổ chức nói chung được quyền hưởng chế độ nghỉ ngơi theo qui định tại chương VII Bộ luật lao động. Trong đó, có thể chia làm nhiều dạng nghỉ như:

- Nghỉ giữa ca, nghỉ chuyển ca, nghỉ tuần (mỗi tuần được nghỉ ít nhất 1 ngày – liên tục 24h).

- Nghỉ lễ hưởng nguyên lương ( tết âm lịch, dương lịch, giỗ tổ Hùng Vương …).

- Nghỉ hàng năm (hay còn gọi là nghỉ “phép năm”).

- Nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương.

Những hình thức “nghỉ” như trên là độc lập với nhau, có ý nghĩa và bản chất khác nhau, nên không bị tính “trùng”. Có nghĩa là giả sử khi rơi vào tình huống mà việc nghỉ hàng tuần bị trùng với ngày nghỉ lễ, thì người lao động sẽ được nghỉ “bù” vào ngày kế tiếp, nhằm bảo đảm nguyên tắc được nghỉ một cách “đầy đủ”.

Những hình thức nghỉ như trên gọi nôm na là “nghỉ chế độ” – tức là người lao động hiển nhiên được nghỉ mà không bị phụ thuộc vào những chuyện khác như có “ốm đau”, có “sinh sản” hay không.

Về ngày “nghỉ hàng năm”, tại Điều 74 Bộ luật lao động qui định như sau:

1- Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:
a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

2- Thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm do Chính phủ quy định.

Ngoài những hình thức nghỉ như nêu trên, người lao động còn được nghỉ trong những tình huống đặc biệt, khách quan. Mà cụ thể là nghỉ do đau ốm, tai nạn lao động hoặc do thai sản ( đối với lao động nữ). Nói nôm na là “nghỉ ốm” và “nghỉ thai sản”.

Theo qui định tại Bộ luật lao động, người lao động cũng hiển nhiên có quyền được nghỉ khi bị đau ốm, hoặc sinh con. Tuy nhiên, hai dạng nghỉ này được qui định trong phần “bảo hiểm xã hội” (chương VII). Đại ý là: người lao động nào có đóng bảo hiểm xã hội thì khi đau ốm sẽ được khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm (bảo hiểm y tế), khi nghỉ thai sản sẽ vẫn được hưởng lương – lương này do cơ quan bảo hiểm xã hội trả. Điều này cũng có nghĩa là, nếu người lao động nào không tham gia, không được công ty đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Quay trở lại câu hỏi của bạn, với qui định và nguyên tắc như nêu trên, rõ ràng chúng ta thấy việc người lao động bị đau ốm hay nghỉ thai sản hoàn toàn không phải là lỗi của họ. Do vậy, không có lý do gì để người lao động phải bị mất đi thời gian nghỉ theo luật định của mình, trong đó có ngày nghỉ hàng năm - khi bản thân bị đau ốm hay nghỉ thai sản. Chính vì vậy, không có qui định nào trong Bộ luật lao động nói rằng người đau ốm hay nghỉ thai sản sẽ bị “trừ” vào ngày nghỉ hàng năm.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là phần trả lời trên chỉ nói về nguyên tắc không cấn trừ ngày nghỉ, mà không đề cập đến “chế độ” mà người lao động được hưởng hay không được hưởng khi xảy ra tình huống nghỉ ốm hay nghỉ thai sản, nghỉ do tai nạn lao động …vv – vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn