Hỏi: Gia đình tôi đang gặp rắc rối về sổ đỏ, rất mong nhận được sự tư vấn của Quí luật sư Ecolaw. Sự việc như sau: Gia đình tôi có hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Trì - Hà Nội. Năm 1994 địa phương làm sổ đỏ cho dân, sắp tới ngày nhận sổ thì gia đình tôi đi kinh tế mới tại Bình Dương. Trước khi đi, mẹ tôi có dặn cán bộ địa phương (trưởng thôn) là khi nào có sổ thì gửi hộ lên nhà bác trai tôi (anh trai mẹ tôi). Nhưng sau đó thím tôi đi lấy sổ và lấy luôn sổ của nhà tôi về để giữ hộ. Suốt từ thời gian đó đến nay bố mẹ tôi vẫn thay nhau về quê sống.
Năm 2008 khi cần dùng đến sổ đỏ, hỏi ra thì thím tôi nói đã làm mất rồi, và không biết mất từ bao giờ.
Đầu năm 2010 mẹ tôi có xuống UBND xã đề nghị cấp sổ đỏ mới thì cán bộ xã nói hiện đang có 1 vụ án lừa đảo liên quan đến sổ đỏ nhà tôi. Cụ thể là: có 1 người đã mang sổ đỏ nhà tôi đi vay tiền (vay của người dân bình thường), số tiền là 50 triệu đồng. Bây giờ ngưởi cho vay số tiền đó đang khiếu kiện, phải chờ điều tra, cho nên không thể cấp sổ đỏ mới cho gia đình tôi được.
Vậy tôi muốn hỏi một số thắc mắc sau đây:
1. Mẹ tôi là người đứng tên trong sổ đỏ. Như vậy, khi không có mặt mẹ tôi, hoặc không có giấy ủy quyền (có công chứng ) của mẹ tôi thì mọi giao dịch, trao đổi . . . trên có hợp pháp hay không? Và chính quyền xã xử lý như vậy có đúng luật hay không?
2. Trách nhiệm của thím tôi như thế nào?
3. Trách nhiệm của trưởng thôn như thế nào?
4. Trường hợp cuối cùng: Gia đình tôi chấp nhận trả 50 triệu đồng để lấy sổ đỏ về thì có được không? và phải làm những thủ tục như thế nào?
5. Trong trường hợp chưa lấy được sổ đỏ về thì giấy tờ gì có thể thay thế sổ đỏ hoặc tương đương sổ đỏ? (VD: Bản đồ địa chính, ...)
Tôi xin chân thành cảm ơn! (Nguyen Thi Th.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Chúng tôi lần lượt trả lời từng câu hỏi của bạn như sau:
1. Sổ đỏ ( hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là giấy tờ pháp lý do Cơ quan quản lý nhà nước (UBND huyện) cấp cho người/hộ gia đình. Theo đó, chỉ người nào có tên trong sổ đỏ thì mới có quyền sử dụng đất hợp pháp, bao gồm việc chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê …vv. Mặt khác, đất đai là loại tài sản đặc biệt, có đăng ký. Mọi giao dịch liên quan đến đất đai đều phải thể hiện bằng văn bản (hợp đồng), có sự chứng thực/công chứng của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, việc có “ai đó” dùng sổ đỏ của gia đình bạn làm “tài sản thế chấp” để vay tiền – mà không có sự đồng ý của người đứng tên trên sổ đỏ, là hoàn toàn trái luật. Cả hai bên (bên cho vay và bên thế chấp) đều sai. Thậm chí giao dịch vay mượn tiền này còn có dấu hiệu lừa đảo ( đối với người vay. Vì đã đem tài sản (sổ đỏ) không phải của mình ra thế chấp trái pháp luật).
2. Về thím bạn, nếu đặt vấn đề “trách nhiệm” ở đây thì có thể hiểu và chia ra theo hai tình huống. Nếu thím bạn vô tình để lạc, để mất Sổ đỏ của gia đình bạn thì đây chỉ là sai sót mang tính dân sự. Trên thực tế mẹ bạn và thím bạn cũng không có sự thể hiện rõ ràng, mực đen giấy trắng về việc gửi giữ sổ. Nên cũng chỉ xem như bài học để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu thím bạn có hành vi cố ý, tiếp tay ai đó trong việc để người này lấy sổ đỏ của gia đình bạn đem đi thế chấp, thì thím bạn sẽ có trách nhiệm liên đới. Theo lời bạn thì đang có một vụ án hình sự liên quan đến vấn đề này. Do vậy, cần phải chờ kết quả giải quyết thì mới biết rõ vai trò và trách nhiệm của thím bạn trong sự việc này ra sao. Trách nhiệm của Trưởng thôn cũng tương tự như vậy.
3. Về sự giải quyết của chính quyền địa phương (theo hướng không thể cấp Sổ đỏ mới cho gia đình bạn) theo chúng tôi là hợp lý và thực ra cũng không thể khác được. Bởi xét về mặt thẩm quyền, UBND cấp xã không có quyền cấp mới sổ đỏ (mà phải là UBND cấp huyện). Mặt khác, sổ đỏ cũng chỉ cấp mới khi xác định đã bị mất. Ở đây Sổ đỏ không mất, và đang liên quan đến vụ án hình sự - nên về nguyên tắc phải chờ Tòa án giải quyết. Nếu không có gì quá khác biệt so với những thông tin bạn đã kể thì Tòa sẽ tuyên trả lại Sổ đỏ cho gia đình bạn. Tất nhiên, gia đình bạn cần phải chờ.
4. Việc gia đình tôi chấp nhận trả 50 triệu đồng để lấy sổ đỏ theo chúng tôi là không nên và cũng không có cơ sở. Vì điều này tương đương với việc gia đình bạn đã có mượn số tiền này. Nhưng thực tế không phải vậy.
5. Trong bối cảnh hiện nay, gia đình bạn có thể liên hệ với UBND huyện xin xác nhận hay trích lục sổ địa bộ …vv các thông tin liên quan đến khu đất hoặc xác nhận gia đình bạn đã được cấp Sổ đỏ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp mang tính “chữa cháy” thôi. Nếu quá nóng ruột, gia đình bạn có thể gửi đơn lên UBND xã, UBND huyện khiếu nại và “đòi” lại Sổ đỏ (nếu biết Sổ đỏ này hiện do ai đang giữ : người cho vay, cơ quan công an …vv). Nói chung là chủ động tạo ra “áp lực” để vụ việc được giải quyết nhanh hơn hoặc cũng có thể qua đó cơ quan chức năng sẽ xem xét và trả lại Sổ đỏ cho gia đình bạn trước khi có kết quả giải quyết vụ án hình sự.
Vài ý trao đổi. Chúc gia đình bạn sớm nhận lại được giấy tờ đất. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|