Sunday, June 10, 2018

Hỏi về Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hỏi : Kính gửi quý luật sư, chúng tôi là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về nhà hàng. Chúng tôi có bí quyết và có một mặt hàng khá uy tín (xin được không nói ra). Hiện nay, công ty chúng tôi đang muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Có người khuyên chúng tôi nên “nhượng quyền thương mại” như cà phê Trung Nguyên hay Phở 24 đã làm. Tuy nhiên thú thực là chúng tôi cũng chưa rõ lắm về việc này. Vậy xin được hỏi : Nhượng quyền thương mại là gì? Văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc này? Muốn nhượng quyền cần phải có điều kiện gì không và Hợp đồng nhượng quyền thương mại có nội dung ra sao? Rất mong được giải đáp, xin chân thành cám ơn (Phan Văn H.) 


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Nhượng quyền thương mại là một hoạt động kinh doanh, đã có từ rất lâu ở nước ngoài. Tuy nhiên ở Việt Nam thì dù đã có quy định khá lâu, song trên thực tế vẫn còn tương đối mới mẻ, chưa thực sự phổ biến.

Trường hợp như công ty bạn, có thể tiến hành việc nhượng quyền thương mại. Theo đó Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện do Bên nhượng quyền qui định. Và công ty bạn sẽ “bán” quyền thương mại của mình cho đối tác với một giá cả nào đó mà hai bên có thể chấp nhận được.

Thông thường, trong nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp (nhượng và nhận nhượng quyền) thường thỏa thuận về các nội dung không thể thiếu sau đây:

• Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;

• Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Luật áp dụng và điều chỉnh trong lĩnh vực này tại Việt Nam (cho tới nay) là Luật Thương mại 2006, Nghị định 35-2006-ND-CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Thông tư số 9-2006-TT-BTM ngày 25/05/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Để được phép cấp quyền thương mại (để nhượng quyền), thương nhân phải có đủ các điều kiện sau :

- Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền.

- Hệ thống mà thương nhân dự định nhượng quyền phải hoạt động ít nhất là một năm.

Nội dung cơ bản của Hợp đồng nhượng quyền thương mại gồm :

- Nội dung của quyền thương mại.

- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.

- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.

- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.

- Vấn đề sở hữu trí tuệ: Phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong hợp đồng nhượng quyền tuân theo các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

- Các thỏa thuận khác.

Trên đây chỉ là một số vấn đề cơ bản nhất trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Để nắm rõ hơn, bạn nên tìm và nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật mà tôi đã nêu ở phần trên.



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn