Saturday, August 16, 2014

Sử dụng giấy tờ giả, phạm tội gì ?



Hỏi : Gia đình bố mẹ nuôi tôi đang gặp một rắc rối về pháp luật hình sự. Qua đây tôi muốn nhờ các luật sư tư vấn cho tôi một số vấn đề. Sự việc như sau:

Anh trai tôi (con bố mẹ nuôi) do nghiện ngập đã sử dụng sổ đỏ giả ( anh tôi chỉ sử dụng chứ không làm ra nó, người làm ra nó là bạn của anh và anh không liên quan đến việc này. Theo anh kể thì do thấy anh tôi kêu dạo này thiếu tiền thì một người bạn của anh đã bảo "để tao nghĩ cách". Sau đó người bạn của anh tôi đưa sổ đỏ giả cho anh tôi và hướng dẫn anh tôi đi lừa đảo người khác) để đặt thế chấp và viết giấy mua của anh B. (chủ một quán internet) ở TP. Thanh Hóa toàn bộ số máy tính mà anh này muốn thanh lý với giá 55 triệu và hẹn trong 1 tháng sẽ trả. Sau đó bán lại toàn bộ số máy tính này cho chị ruột tôi với giá 28 triệu đồng. Vì muốn anh B. hám lợi mà nhanh chóng giao hàng nên anh tôi đã thỏa thuận với cái giá trên trời đó, chứ thực chất giá trị thật của số máy tính đó chỉ khoảng gần 40 triệu (tôi là người kinh doanh, sửa chữa mặt hàng này nên biết rất rõ giá trị của chúng).


Nhưng sau 1 tháng anh tôi không giao tiền và anh B. cũng phát hiện ra đây là sổ đỏ giả mạo nên anh đã đến nhà dọa nạt bố mẹ nuôi tôi, nếu không trả thì anh ta sẽ tố cáo ra công an. Anh ta còn nói anh ta đã hỏi một người bạn của anh làm công an và được biết rằng nếu tố cáo ra công an thì anh tôi sẽ bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “ “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.  Vậy tôi muốn hỏi :

1. Anh tôi sẽ bị truy tố về tội nào trong 2 tội trên hay cả 2 như lời người kia nói.

2. Nếu anh tôi bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì giá trị tài sản mà anh tôi đã lừa của anh B. được xác định như thế nào? đó là 55 triệu như trong giấy mua bán, 28 triệu như giá mà anh tôi bán cho chị ruột tôi hay khoảng gần 40 triệu (tức giá trị thật của số máy tính mà anh tôi đã mua). Cảm ơn các luật sư. (T.T)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Anh trai bạn (tạm gọi là ông A) có phạm tội hay không còn phải trải qua nhiều giai đoạn – do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, lời khuyên đầu tiên của tôi là với tình thế như hiện nay, ông A có thể “hóa giải” mọi việc mà không phải vướng vào vòng lao lý. Cụ thể cầm làm ngay các việc sau :

1. Liên hệ với chị ruột bạn, xin lại số máy vi tính đã bán và hoàn trả lại cho chị bạn 28 triệu đồng. (Trong trường hợp này, chị bạn nên “ủng hộ, giúp đỡ” bằng cách đồng ý nhận lại tiền và trả lại máy. Mặt khác, nếu chị bạn vẫn “khư khư” không chịu trả, trong khi nay đã biết rõ số máy này là hàng gian, do phạm tội mà có thì cũng có thể bị xét xét về việc có liên quan gì đến tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” – qui định tại Điều 250 Bộ luật hình sự). Tất nhiên, muốn làm việc này thì ông A. phải có tiền. Tôi nghĩ đây là tình huống bắt buộc ông A phải lo.

2. Tiếp đó, ông A mang số máy này đến trả lại cho anh B., và “hủy” hợp đồng” mua bán đã ký trước đó (số tiền 55 triệu đồng). Tất nhiên là cũng phải “năn nỉ” anh B. chấp nhận. Trong trường hợp này, giả sử anh B. không đồng ý nhận lại máy thì cũng khó có thể nói là ông A đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của mình. Bởi lẽ thực chất giữa hai người cũng có một hợp đồng dân sự (mua bán máy). Và khi đó ông A cũng mới chỉ ở giai đoạn “vi phạm” thời gian thanh toán.

3. Hoặc thậm chí nếu ông B. không đồng ý nhận lại máy thì ông A cũng nên tìm 55 triệu đồng để trả cho ông B (tức là phải “bù lỗ” thêm 27 triệu). Nếu tình huống này xảy ra, thì việc ông A sử dụng sổ đỏ giả xem như được “xóa”, không cần truy xét nữa.

Cách thức như trên tạm gọi là “kế sách” “dân sự hóa” vụ việc có dấu hiệu hình sự. Xét về mặt khoa học pháp lý, chắc sẽ có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, với tư cách là một luật sư, tôi nghĩ mình đã làm đúng phận sự của mình – nghĩa là tìm cách “gỡ tội” cho đương sự. Tất nhiên, về nguyên tắc chung là như vậy, trên thực tế cần linh hoạt và uyển chuyển hơn. Và điều quan trọng là ông A không được bỏ trốn khi chưa giải quyết xong các vấn đề trên. Vì hành vi bỏ trốn đồng nghĩa với việc ‘đóng dấu hoàn tất” cho hành vi phạm tội của mình.

Bây giờ, chúng ta phân tích tới tình huống bạn hỏi là : trường hợp ông B làm đơn tố cáo thì liệu ông A. có thể bị tội gì ? bao nhiêu tội?

Trước hết, trong sự việc này vấn đề mang tính mấu chốt là ông A đã dùng giấy tờ (sổ đỏ) giả nhưng lại nói với ông B. đó là giấy thật. Như vậy, rõ ràng ông A. đã có thủ đoạn gian dối. Và thủ đoạn gian dối này không nhằm mục đích nào khác hơn là lấy (chiếm đoạt) tài sản (máy vi tính) của ông B. Để sau đó “chuyển hóa” số tài sản này thành tiền (28 triệu) thông qua hình thức bán tài sản cho chị của bạn.

Xem trong Bộ luật hình sự thì có tới 2 tội danh liên quan đến “thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản. Đó là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Điều 139 Bộ luật hình sự qui định : “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác” thì có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, nếu không có tình tiết mới nào khác – thì tính tới thời điểm hiện tại có thể thấy ông A quả thật đã có thủ đoạn gian dối và đã chiếm đoạt được tài sản của ông B. Hay nói cách khác, việc cho rằng ông A. có thể bị xử về tội này là có cơ sở.

Ngoài ra, Điều 140 Bộ luật hình sự qui định : “Người nào có hành vi nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối (hoặc bổ trốn) để chiếm đoạt tài sản đó” thì có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Có thể thấy, ở đây ông A. đã “viết giấy mua” – là một hình thức hợp đồng, và cũng đã dùng thủ đoạn gian dối. Như vậy, nếu nói ông A. có dấu hiệu phạm tội này thì tôi nghĩ rằng có phần hợp lý hơn.

Câu hỏi tiếp theo : ngoài việc có thể bị kết án phạm một trong hai tội nói trên, liệu ông A. còn có thể dính vào tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hay không ?

Điều 267 bộ luật hình sự qui định : Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì có dấu hiệu phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đọc kỹ điều luật trên sẽ thấy rằng, tuy là tội danh mang tên “làm giả con dấu, tài liệu” nhưng thực ra không cần phải làm giả mà chỉ cần “sử dụng” thì cũng có thể phạm tội này. Ở đây, ông A. rõ ràng đã “sử dụng” (dù không làm giả) nên cũng có thể bị xem xét về tội danh này.

Tuy nhiên, luật hình sự có nguyên tắc là một hành vi thì không thể bị cùng lúc xem xét và qui kết với hai tội danh khác nhau. Ở đây, hành vi “sử dụng giấy tờ giả” chính là hành vi “ thủ đoạn gian dối” và đã bị “hút” vào tội lừa đảo (hay lạm dụng tín nhiệm) như phân tích ở trên. Như vậy, nếu lại dùng hành vi này để truy tố tiếp về tội “làm giả con dấu, tài liệu” là không đúng nguyên tắc của pháp luật hình sự.

Hay nói cách khác, theo tôi ông A. nếu có bị tố cáo thì chỉ có thể phạm một tội mà thôi.

Ý cuối, trong trường hợp ông A. bị xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì giá trị tài sản chiếm đoạt là giá trị của số máy mà ông A. đã nhận từ ông B. - theo kết quả định giá - chứ không phải là 55 triệu hay 28 triệu. Có lẽ xấp xỉ khoảng 40 triệu – theo sự “định giá” của bạn.

Lưu ý trên đây là quan điểm của cá nhân tôi. Hy vọng những điều trình bày trên sẽ giải tỏa được những thắc mắc của bạn. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn