Thursday, August 7, 2014

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án

Khi có căn cứ cho rằng một bản án tuy đã và đang có hiệu lực pháp luật (đang thi hành) nhưng kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, Chánh án tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền ban hành một văn bản có tên gọi là “Quyết định kháng nghị”, theo hướng đề nghị xem xét lại bản án “có vấn đề” theo một thủ tục đặc biệt gọi là “giám đốc thẩm”.


Mục đích của việc giám đốc thẩm là khắc phục và sửa chữa những sai sót “nghiêm trọng” của Tòa án đã xét xử vụ án. Qua đó mở ra cơ hội mang lại công lý, đảm đảm sự công bằng, khách quan cho những người bị oan ức.

Trên thực tế, có thể nói việc một bản án được (hay “bị”) kháng nghị giám đốc thẩm là rất khó – như “mò kim đáy bể”. Rất hiếm. Vì như vậy đồng nghĩa với việc “vạch mặt”, “chỉ tên” những sai sót, yếu kém hoặc thậm chí là tiêu cực của những vị thẩm phán đã xét xử trước đây. Người ta vẫn “đồn rằng” để có được một tờ kháng nghị giám đốc thẩm, phải bỏ ra tiền trăm (triệu) tiền tỷ.

Dưới đây là một Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đối với một bản án của TAND huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên, tình tiết lâm ly hơn là bản án của tòa cấp huyện đã được TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu “tiếp sức” bằng cách không xét xử phúc thẩm ( đình chỉ việc giải quyết vụ án) một cách trái pháp luật.

Cũng cần phải nói rằng Quyết định kháng nghị nói trên hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, mà là sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của đương sự và Công ty luật hợp danh Ecolaw (trong việc gửi Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm). (Chúng tôi sẽ có dịp đăng lá đơn này để mọi người tham khảo).

Ngoài mục đích để tham khảo về mẫu văn bản, chúng tôi cũng mong muốn qua nội dung Quyết định kháng nghị này, mọi người sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm và phần nào hiểu rõ hơn về những “bóng đen” trong ngành tư pháp Việt Nam.








-------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là khi bản án/quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có một trong những dấu hiệu sau: 1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

2. Đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đều có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản ( thường gọi là Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm) đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

3. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

4. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
1. Số, ngày, tháng, năm của quyết định kháng nghị;
2. Chức vụ của người ra quyết định kháng nghị;
3. Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
4. Quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
5. Nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
6. Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị;
7. Quyết định kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
8. Tên của Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án đó;
9. Đề nghị của người kháng nghị.

5. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Sau khi nhận được Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nơi có thẩm quyền giám đốc thẩm sẽ tiến hành một phiên tòa để xem xét lại bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm. Phiên tòa này gọi là “phiên tòa giám đốc thẩm”.

6. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm có các quyền sau đây (thông qua một văn bản gọi là “Quyết định giám đốc thẩm”):
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2. Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa;
3. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại;
4. Huỷ bản án, quyết định của Toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.

7. Cá nhân tôi cho rằng có một điều không công bằng là vị thẩm phán đã xét xử sai, ra bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm lại không hề có trách nhiệm gì (không bị buộc bồi thường hay xử lý gì đáng kể ) trong khi thực tế đã gây ra bất công và biết bao oan ức, thiệt hại cho các đương sự. Chính "kẽ hở" này đã tạo ra cơ hội để những thẩm phán thiếu lương tâm và đạo đức có cơ hội tiêu cực, vòi vĩnh hay thậm chí ăn hối lộ.

8. Để tiện theo dõi và hiểu đầy đủ hơn về nội dung sự việc được đề cập trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm ở trên, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan, quí vị vui lòng tham khảo thêm những bài viết có liên quan dưới đây. ( Nếu chưa có, vui lòng chờ trong thời gian ngắn nhất).

------------------------------------

Bài viết có liên quan:

• Đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (bản án dân sự)

* Đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (bản án hình sự)

• Qui định về giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự