Tuesday, August 19, 2014

Quyền nuôi con trong thời gian chờ ly hôn và việc tạm đình chỉ vụ án ly hôn



Hỏi: Kính gửi: Luật sư ecolaw! Tôi muốn hỏi luật sư 2 vấn đề về ly hôn như sau:

Thứ nhất: Tôi có vợ và 2 con chung. Hiện nay chúng tôi đang sống ly thân được 8 tháng và 2 đứa con ở với mẹ. Do mục đích hôn nhân không đạt được nên tôi đã đơn phương làm đơn đề nghị tòa giải quyết ly hôn. Hiện nay tòa án đã thụ lý và gọi lên để hòa giải lần 1. Vậy tôi muốn hỏi Quý luật sư rằng: Trong thời gian đang chờ tòa giải quyết thì quyền nuôi con chung được quy định như thế nào? Bởi vì tôi rất muốn nuôn 1 cháu để gánh 1 phần trách nhiệm cho cô ấy, mặt khác để chăm sóc, nuôi dạy chúng. Nhưng cô ấy nhất quyết không cho, thậm chí tôi chỉ được quyền thăm con chứ không được đưa con đi học hay đi chơi. Tôi rất nhớ con, mặc dù tháng nào tôi cũng cung cấp tiền đầy đủ theo yêu cầu của cô ấy.

Thứ hai: Hiện nay cô ấy gửi đơn ra tòa yếu cầu tạm đình chỉ vụ án ly hôn với lý do: Con còn nhỏ (6 tuổi và 2 tuổi), Vậy căn cứ vào luật thì tòa có đình chỉ không, trong khi tôi vẫn quyết tâm ly hôn.

Kính mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Vương Th.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, xin trao đổi về “quyền nuôi con”. Thực ra, việc nuôi con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, qui định tại Luật hôn nhân và gia đình. Đây là trách nhiệm/quyền chung của cả hai vợ chồng trong quá trình chung sống (trong thời kỳ hôn nhân).

Thông thường, pháp luật đặt ra vấn đề “nuôi con” và “cấp dưỡng nuôi con” khi xảy ra việc ly hôn giữa hai vợ chồng và trong đó có con chung chưa đến tuổi trưởng thành (dưới 18 tuổi). Theo đó, vẫn xác định cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, vì ly hôn – tức là cha mẹ sẽ không còn chung sống nữa, gia đình “tan đàn xẻ nghé”, nên cần phải xác định rõ ai là người trực tiếp nuôi, ai cấp dưỡng nuôi con chung. Và việc này được ghi rõ trong bản án hay quyết định ly hôn – xem như là trách nhiệm pháp lý, phải thực hiện.

Anh có thể tham khảo thêm các qui định sau đây tại Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 92. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 94. Quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Qua những ý trao đổi ở trên, có thể thấy trong giai đoạn “đang chờ tòa án giải quyết việc ly hôn” thì hai người vẫn còn là vợ chồng (về mặt pháp lý), do vậy đều có trách nhiệm “ngang bằng” nhau trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Và do vậy, việc vợ anh đơn phương có hành động theo kiểu “hạn chế”, “ngăn cản” những việc làm/hành động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người bố đối với con là không đúng và cũng làm thiệt thòi, ảnh hưởng đến tình cảm của các con. Góp phần làm cho tình cảm cha con bị ngày càng xa cách.

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này, theo tôi nên chọn giải pháp trao đổi, thỏa thuận và có tình cảm, thiện ý với nhau vì con cái. Chứ chẳng lẽ lại đi khiếu nại hay kiện tụng vì chuyện như vậy?

Tuy nhiên, theo tôi thì anh cũng không cần thiết phải “thắng – thua” trong việc này. Vì thực tế thì anh vẫn có thể tới thăm, nói chuyện với các con. Và nói gì thì nói, việc các con anh đang ở chung với nhau có chị có em, chung sống với mẹ, nhất là khi tuổi các cháu còn rất nhỏ cũng là điều tốt chứ không phải là nguy cơ hay rủi ro gì. Vấn đề quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con sẽ được Tòa giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn. Không nhất thiết phải “nóng vội” làm gì.

Về câu hỏi vụ án có thể bị tạm đình chỉ theo Đơn đề nghị của vợ anh – với lý do 2 con còn nhỏ ( 2 tuổi và 6 tuổi) hay không? – theo tôi là không – nếu chỉ vì lý do đó.

Tại điều 85 Luật hôn nhân gia đình qui định vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Và “trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”.

Qui định trên có nghĩa là nếu tại thời điểm người chồng đơn phương xin ly hôn mà người vợ không thuộc trường hợp đang mang thai hay nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết vụ án ly hôn một cách bình thường. ( Cũng cần lưu ý là theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì có khả nhiều trường hợp, khả năng để một vụ án dân sự nói chung có thể tạm đình chỉ hay đình chỉ. Anh nên tìm hiểu thêm).

Ý cuối, trong câu chuyện của anh, tôi cảm thấy anh là một người bố có trách nhiệm và tình cảm. Tôi cũng thấy vợ anh có ý định “níu kéo” mối quan hệ vợ chồng với anh. Những điều này tuy không phải là điều kiện đủ nhưng luôn cần cho một gia đình hạnh phúc. Do vậy, tôi cho rằng anh cần suy nghĩ thật kỹ về ý định ly hôn của mình. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn