Friday, August 1, 2014

Quy định về quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng

HOÀI THƯƠNG giới thiệu

(Ecolaw.vn) – Việc quảng cáo các sản phẩm hàng hóa phân phối trên thị trường nói chung đều phải tuân thủ các qui định của pháp luật về quảng cáo. Riêng việc quảng cáo dược phẩm (thuốc) và thực phẩm chức năng thì qui định có phần chặt chẽ hơn. Bài viết dưới đây nêu một số nội dung chung nhất về vấn đề này.

A. Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo:


Theo qui định tại Điều 7 Luật quảng cáo, những hàng hóa, dịch vụ dưới đây bị cấm, không được quảng cáo dưới mọi hình thức. Gồm:

1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc:

B. Qui định về quảng cáo thuốc

Việc quảng cáo thuốc do cơ sở kinh doanh thuốc hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện và phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Phạm vi quảng cáo thuốc

Điều 53 Luật dược qui định chỉ được quảng cáo thuốc không kê đơn. Thuốc kê đơn thì không được quảng cáo.

Thuốc không kê đơn được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo. Trường hợp quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có hoạt chất thuộc danh mục được phép quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành;

- Có số đăng ký tại Việt Nam đang còn hiệu lực.

Lưu ý:
- Thuốc kê đơn là thuốc nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ; khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng phải theo đơn thuốc và được quy định trong danh mục nhóm thuốc kê đơn.

- Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc.

Luật Dược có qui định về những hành vi bị cấm trong quảng cáo thuốc. Cụ thể như sau:

- Quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. (Điều 9).

- Quảng cáo thuốc trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. (Điều 9).

- Không được sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại thư tín, kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa được Bộ Y tế công nhận và các hình thức tương tự để quảng cáo thuốc. (Điều 52).



C. Qui định về quảng cáo thực phẩm chức năng:

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định tại Thông tư 08/2013 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 26/4/2013.

Nói chung, thực phẩm chức năng muốn quảng cáo thì phải đăng ký nội dung quảng cáo và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt đồng ý. Trong nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng buộc phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cục An toàn thực phẩm là nơi có thẩm quyền cấp “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” thực phẩm chức năng. ( Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin phép quảng cáo và được giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc).

Chi tiết về nội dung quảng cáo thực phẩm/thực phẩm chức năng

Nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, poster, áp phích phải bảo đảm đúng tác dụng của sản phẩm đã công bố; ngoài các nội dung đã công bố, nếu có nội dung khác thì phải có tài liệu khoa học chứng minh và phải bảo đảm chính xác trung thực các nội dung sau:

a) Tên sản phẩm;

b) Xuất xứ hàng hoá, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu;

c) Tác dụng của sản phẩm (nếu có);

d) Các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có);

đ) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với các sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt);
e) Riêng với các sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Những hành vi bị cấm:

- Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

- Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như ­ thuốc chữa bệnh.

- Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.

- Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

- Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

- Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.

Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm

Tổ chức, cá nhân trước khi quảng cáo thực phẩm phải gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền ( Cục an toàn thực phẩm).

Bộ hồ sơ gồm có:

1. Giấy đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm;

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài (Bản sao có dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo);
3. Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật) hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (Bản sao có dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo);

4. Bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (Bản sao có dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo);

5. Sản phẩm quảng cáo thực phẩm:

a) 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, đĩa mềm kèm theo 02 bản kịch bản (đ¬ược đóng dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo) đối với quảng cáo trên truyền hình, điện ảnh, phát thanh.

b) 02 bản maket nội dung dự kiến quảng cáo (đ¬ược đóng dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo) và kèm theo file mềm ghi nội dung đăng ký quảng cáo đối với quảng cáo trên báo viết, tờ rơi, poster, áp phích hoặc in ấn trên vật dụng khác, quảng cáo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng thông tin điện tử của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, internet.

6. Tài liệu tham khảo, tài liệu khoa học chứng minh cho thông tin quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không có trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trong trường hợp tài liệu chứng minh được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.

Toàn bộ tài liệu phải đóng dấu giáp lai của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo.

7. Mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận (Bản sao có dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo).