Friday, August 1, 2014

Qui định về thanh toán không dùng tiền mặt

Luật sư Trần Hồng Phong giới thiệu

(Ecolaw.vn) - Qui định về thanh toán không dùng tiền mặt hiểu một cách đơn giản là thông qua hình thức chuyển khoản, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ - mà không trực tiếp dùng tới tiền mặt.

Vấn đề này được qui định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 26/3/2013.


QUY ĐỊNH CHUNG

Đối tượng áp dụng qui định tại Nghị định 101/2012 là: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán ( gọi chung là “người sử dụng dịch vụ”.

“Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt” (gọi tắt là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức khác.

“Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” là các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

“Chủ tài khoản thanh toán” (gọi tắt là chủ tài khoản) là người đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của cá nhân, chủ tài khoản là cá nhân đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của tổ chức, chủ tài khoản là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản.

Các hành vi bị cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt

1. Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, thay thế phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.

2. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.

3. Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật.

5. Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.

MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN

Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán phải được thực hiện bằng hợp đồng giữa các bên liên quan, trong đó xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bên theo đúng quy định của pháp luật. Điều này được hiểu là khi một cá nhân hay doanh nghiệp mở tài khoản tại một ngân hàng, thì hai bên sẽ phải có một bản hợp đồng về việc mở tài khoản.

Người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng. Đối với người chưa thành niên, khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật.

Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán có ít nhất hai chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản. Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức hoặc cá nhân. Mục đích sử dụng tài khoản thanh toán chung, quyền và nghĩa vụ của các chủ tài khoản thanh toán chung và các quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản chung phải được xác định rõ bằng văn bản.

Sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán

Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán.

Chủ tài khoản có thể ủy quyền có thời hạn bằng văn bản cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật.

Chủ tài khoản có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán không hợp lệ của chủ tài khoản, hoặc khi trên tài khoản thanh toán không đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp từ chối tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo ngay lý do cho chủ tài khoản.

Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán

1. Tài khoản thanh toán được tạm khóa (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong các trường hợp sau:

a) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền;

c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán;

d) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

3. Việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc các tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều này đã được giải quyết.

4. Việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu tránh nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đóng tài khoản thanh toán

Việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi:

a) Chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;

b) Chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

c) Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

d) Chủ tài khoản vi phạm hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

đ) Chủ tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm Điều 6 Nghị định này và các quy định pháp luật khác trong hoạt động thanh toán;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán:

a) Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân chết, mất tích hoặc theo yêu cầu của người giám hộ hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự;

b) Chi trả theo quyết định của tòa án;

c) Xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản đã được thông báo mà không đến nhận.

DỊCH VỤ THANH TOÁN VÀ DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Dịch vụ thanh toán

1. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:

a) Cung ứng phương tiện thanh toán;

b) Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;

c) Các dịch vụ thanh toán khác.

2. Các dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng được thực hiện:

a) Ngân hàng Nhà nước cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các khách hàng mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước;

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách cung ứng tất cả các dịch vụ thanh toán quy định như trên;

c) Ngân hàng hợp tác xã được cung ứng một số dịch vụ thanh toán quy định như trên sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

3. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm: dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và một số dịch vụ thanh toán khác.

THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN TÀI KHOẢN

Quyền về thông tin, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng:

1. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp thông tin có liên quan tới thanh toán theo định kỳ và đột xuất.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ của mình.

Nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin tài khoản

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tổ chức cung úng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán cho chủ tài khoản theo thỏa thuận.

Bảo mật thông tin tài khoản:

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin về chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của chủ tài khoản.

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của người sử dụng dịch vụ của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nghị định 101/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 26/3/2013, thay thế cho Nghị định 64/2001.