Friday, August 1, 2014

Quy định về cấp, cấp lại Giấy chứng sinh

HOÀNG OANH giới thiệu

(Ecolaw.vn) – Giấy chứng sinh (chứng nhận sinh con) là một “tờ giấy” do bệnh viện ( hoặc nhà hộ sinh, trạm xá …) cấp cho người phụ nữ vừa sinh con. Tuy đơn giản, nhưng đây chính là bằng chứng pháp lý đầu tiên ghi nhận việc một Người mới ra đời và là căn cứ để được cấp Giấy khai sinh sau đó. Thông tư số 17/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng sinh, cũng như hướng dẫn cách ghi Giấy chứng sinh.

Mọi em bé khi sinh ra đều cần được cha mẹ làm Giấy khai sinh để bảo đảm quyền lợi cho các em (ảnh minh họa)

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng sinh ?

Những cơ sở khám chữa bệnh sau đây có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng sinh. Tất nhiên, những nơi này chỉ cấp Giấy chứng sinh cho những phụ nữ thực tế có sinh con tại đó. Gồm:

- Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản - nhi;

- Nhà hộ sinh;

- Trạm y tế cấp xã;

- Các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.

Thủ tục cấp Giấy chứng sinh

Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung Giấy chứng sinh (theo mẫu).

Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký.

Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản: 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ; 01 bản lưu tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Lưu ý: Trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác:

Trong trường hợp này, Trạm y tế xã có thẩm quyền cấp Giấy chứng sinh theo thủ tục như sau:
- Người thân thích của trẻ có trách nhiệm điền vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh (theo mẫu) và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.

- Trạm y tế xã phải xác minh việc sinh (thời hạn không quá 05 ngày làm việc) và làm thủ tục cấp Giấy chứng sinh cho trẻ trong thời hạn 3 ngày.

Thủ tục cấp lại Giấy chứng sinh

Trường hợp1: Phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh:

- Bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh (theo mẫu), kèm theo “giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn” gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

- Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh có nhầm lẫn để hủy, đơn và giấy tờ chứng minh được lưu cùng với bản lưu cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thời hạn giải quyết: 2 ngày, kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ.

- Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”.

- Nếu cần phải xác minh thì thời hạn xác minh không quá 3 ngày.

Giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn:

- Nhầm lẫn về họ tên mẹ, người nuôi dưỡng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, dân tộc: gửi kèm bản phô tô Giấy chứng minh nhân dân (mang theo bản chính để đối chiếu);

- Nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú: kèm theo xác nhận của Công an khu vực về nơi đăng ký tạm trú.

Trường hợp 2: Giấy chứng sinh bị mất, rách, nát:

- Bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh (theo mẫu) có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

- Thời hạn giải quyết: 02 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.

- Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới.

- Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 3 ngày làm việc.

Hướng dẫn cách ghi Giấy chứng sinh:

- Họ và tên mẹ/người nuôi dưỡng: Ghi tên mẹ theo Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc hộ khẩu bằng chữ in hoa, có dấu.

- Năm sinh: Ghi năm sinh của mẹ/người nuôi dưỡng theo năm dương lịch.

- Nơi đăng ký thường trú, tạm trú: Ghi nơi đăng ký thường trú, tạm trú theo địa danh 4 cấp: Thôn/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố.

• Người nước ngoài có đăng ký thường trú, tạm trú tại Việt Nam: ghi giống như người Việt Nam.

• Người nước ngoài không đăng ký thường trú, tạm trú tại Việt Nam nhưng sinh sống ở vùng biên giới sang đẻ ở các cơ sở y tế của Việt Nam: ghi tên tỉnh và nước nơi họ đang sinh sống.

- Số chứng minh nhân dân (CMND)/Hộ chiếu của mẹ hoặc người nuôi dưỡng: Ghi rõ số CMND đã được cấp, trong trường hợp không có giấy CMND mà có Hộ chiếu thì ghi số Hộ chiếu. Nếu không có CMND và Hộ chiếu thì bỏ trống.

- Dân tộc: Ghi rõ tên dân tộc của người mẹ/người nuôi dưỡng (ví dụ: Kinh, Tày, Nùng, Hoa...).

- Đã sinh con vào lúc: Ghi giờ, phút, ngày, tháng, năm mà trẻ sinh ra theo năm dương lịch.

- Tại: Ghi tại nơi trẻ được sinh ra, cụ thể:

• Trẻ được sinh ra tại bệnh viện: ghi tên bệnh viện và địa danh hành chính nơi trẻ được sinh ra (Ví dụ: bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định).

• Trẻ được sinh tại cơ sở y tế khác thì ghi tên cơ sở y tế và địa danh hành chính 3 cấp nơi trẻ em sinh ra (Ví dụ: Trạm y tế xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

• Trường hợp trẻ em được sinh tại nhà thì ghi tại nhà và địa danh 3 cấp: cấp xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố (Ví dụ: tại nhà số, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

• Trường hợp trẻ em được sinh ra tại nơi khác, ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cũng ghi nơi trẻ em được sinh ra và địa danh 3 cấp hành chính (Ví dụ: đẻ trên đường đi, tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

• Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì ghi rõ trẻ bị bỏ rơi, nơi nhặt được trẻ với địa danh 3 cấp hành chính (Ví dụ: đẻ bị bỏ rơi tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

- Sinh lần thứ mấy: Ghi tất cả các lần sinh kể cả lần này, đẻ non, đẻ con chết.

- Số con hiện sống: Ghi số con hiện đang sống, kể cả trẻ sinh ra sống lần này.

- Số con trong lần đẻ này: Ghi số con đẻ lần này (trong trường hợp sinh đôi hoặc sinh nhiều hơn thì ghi cụ thể số con và cấp Giấy chứng sinh riêng cho từng trẻ).

- Giới tính của con: Ghi cụ thể trẻ em sinh ra sống là nam hay nữ. Trường hợp dị tật, không rõ là nam hay nữ thì ghi là không xác định.

- Cân nặng: Ghi trọng lượng của trẻ đẻ ra được cân trong giờ đầu sau khi sinh theo đơn vị tính gram (ví dụ: trẻ sinh ra là 3500gram). Nếu không được cân thì bỏ trống.

- Tình trạng của con: Ghi rõ tình trạng của trẻ tại thời điểm làm Giấy chứng sinh: khỏe mạnh, yếu, dị tật hoặc các biểu hiện liên quan đến sức khỏe khác (nếu có). Nếu dị tật, ghi cụ thể loại dị tật, kể cả khuyết tật về hình thái của trẻ nếu phát hiện được.

- Dự kiến đặt tên con: Ghi tên dự kiến đặt cho trẻ. Tên dự kiến này có thể thay đổi khi đăng ký khai sinh.

- Người đỡ đẻ: ký tên, ghi rõ chức danh và họ tên (đối với trường hợp đẻ tại cơ sở y tế). Trong trường hợp đẻ tại nhà thì ghi cụ thể tên và chức danh của người đỡ (nếu là nhân viên Y tế). Ví dụ: Cô đỡ thôn bản đỡ thì ghi Cô đỡ và họ tên cô đỡ. Trong trường hợp người đỡ không phải là cán bộ y tế thì chỉ ghi họ tên.

- Ngày, tháng, năm ghi Giấy chứng sinh: Ghi theo ngày, tháng, năm dương lịch.

- Người ghi phiếu: Ký tên, ghi rõ chức danh và họ tên.

- Thủ trưởng cơ sở y tế ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên. Trường hợp đẻ tại nhà, trẻ đẻ bị bỏ rơi, đẻ nơi khác không phải cơ sở y tế…mà trạm y tế cấp Giấy chứng sinh thông qua nhân viên y tế thôn/bản thì trưởng trạm y tế ghi là xác nhận, ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên.

- Xác nhận của cha, mẹ hoặc người thân thích: ký tên, ghi rõ họ tên, quan hệ với đứa trẻ.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thủ tục hành chính – pháp lý 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn