Friday, August 1, 2014

Qui định về hoạt động kinh doanh vàng

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, qui định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, trong hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam, vàng sẽ không được dùng làm “phương tiện thanh toán” như bao đời nay nữa. ( Lưu ý là chỉ trong “hoạt động kinh doanh vàng”).

Hoạt động kinh doanh vàng sẽ được "siết chặt" hơn rất nhiều so với trước đây (ảnh minh họa)

Qui định như trên có phù hợp và đúng “luật” hay không có lẽ sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, là vấn đề của các nhà chuyên môn và Quốc Hội. Trước mắt, không gì khác hơn là mọi người dân cần phải biết và thực hiện theo những qui định sau đây.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Nghị định 24/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm:

- Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng.

Các thuật ngữ được giải thích như sau:

“Vàng trang sức, mỹ nghệ” là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

“Vàng miếng” là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. (Như vậy, rất có thể một trong số các loại "vàng lá" lâu nay có thể xem là vàng "trái pháp luật", không phải "vàng miếng" ?!)

“Vàng nguyên liệu” là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

“Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.

Nguyên tắc quản lý của Nhà nước:

Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.


Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, GIA CÔNG VÀ MUA, BÁN VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

b) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.

4. Có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

5. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ

Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.

2. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.

4. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

5. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN VÀNG MIẾNG

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:

1. Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Nghị định này.

2. Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

4. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

5. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

6. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ

Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế thực hiện theo quy định của Chính phủ về hội chợ, triển lãm quốc tế.

Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu

Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Những hành vi bị xem là “vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng” bao gồm 7 hành vi sau:

1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Các tổ chức đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

b) Các tổ chức đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước quy định thời hạn, thủ tục chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Các giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 25-5-2012 và thay thế Nghị định số 174/1999 và Nghị định số 64/2003.

..........


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn