Friday, August 1, 2014

Qui định chung về bảo hiểm xã hội: quyền và nghĩa vụ của Người lao động & Người sử dụng lao động (bài 1)

(Ecolaw.vn) – Bảo hiểm xã hội được hiểu nôm na là nếu người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội (giống như “mua bảo hiểm” vậy) thì sẽ được hưởng các chế độ về đau ốm, nghỉ thai sản (nếu là lao động nữ), hưởng lương hưu, nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp khi bị thất nghiệp …vv. Những chế độ này do cơ quan bảo hiểm xã hội của Nhà nước trả ( chứ không phải là công ty trả như nhiều người lầm tưởng).

Ghi chú: Bài viết này đang chờ bổ sung theo Luật mới

Các vấn đề về bảo hiểm xã hội được qui định tại Luật bảo hiểm xã hội. Cụ thể Luật bảo hiểm xã hội qui định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Vì nội dung của chế độ bảo hiểm xã hội gồm nhiều vấn đề, nên chúng tôi sẽ chia thành nhiều chuyên đề để quí vị tiện theo dõi.

Bài viết dưới đây là bài đầu tiên, nói về những vấn đề chung và quyền và nghĩa vụ của Người lao động cũng như Người sử dụng lao động (doanh nghiệp) liên quan đến bảo hiểm xã hội. Là người lao động, quí vị rất nên cần biết về những qui định này. Là Người sử dụng lao động, quí vị bắt buộc phải biết về những qui định này.

Những qui định chung

Luật qui định trường hợp người lao động “bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội” – gọi là “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Trước hết, đó là “công dân Việt Nam” và gồm các trường hợp sau:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan …vv.

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật cũng qui định về trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội gọi là “Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, bao gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Ngoài ra, còn có trường hợp “Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” – là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc trường hợp các quy định ở trên.

Giải thích một số thuật ngữ pháp lý:

Trong Luật bảo hiểm xã hội, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

“Bảo hiểm xã hội” là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

"Bảo hiểm xã hội bắt buộc" là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

"Bảo hiểm xã hội tự nguyện" là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

"Người thất nghiệp" là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.

"Thời gian đóng bảo hiểm xã hội" là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

"Mức lương tối thiểu chung" là mức lương thấp nhất do Chính phủ công bố ở từng thời kỳ.

"Thân nhân" là con, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội; người khác mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng.

CÁC CHẾ ĐỘ CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Nói một cách nôm na, người lao động nào có tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm khi bản thân mình “rơi” vào một trong số các trường hợp nêu trên.

* Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ sau đây:

a) ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

* Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.

* Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp thất nghiệp;

b) Hỗ trợ học nghề;

c) Hỗ trợ tìm việc làm.

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Quyền của người lao động

Người lao động có các quyền sau đây:

1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;

2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;

3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;

4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

a) Đang hưởng lương hưu;

b) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

c) Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

5. Uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội;

6. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của mình.

7. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người lao động

Người lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

b) Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội;

c) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định;

d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Quyền của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

1. Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

2. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

3. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội.

b) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

c) Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc;

d) Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội;

đ) Trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động;

e) Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định.

g) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Để hiểu rõ và cụ thể các chế độ thuộc bảo hiểm xã hội, vui lòng tham khảo các bài viết tiếp theo.

--------------------------------