Luật sư TRẦN HỒNG PHONG giới thiệu
(Ecolaw.vn) – Chơi hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là hình thức vay vốn giữa các cá nhân với nhau theo kiểu huy động và trả góp. Đây là một giao dịch dân sự về vay mượn tài sản, được pháp luật cho phép và được qui định tại Nghị định 144/2006.
Những qui định chung:
Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia hụi (nhằm mục đích tương trợ nhau) - theo quy định tại Nghị định 144/2006 và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.
Nhà nước nghiêm cấm việc tổ chức hụi nhằm mục đích cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác.
“Phần hụi” là số tiền hoặc tài sản khác đã được xác định theo thoả thuận mà thành viên phải góp trong mỗi kỳ mở hụi. Phần hụi phải là tài sản có thể giao dịch được.
“Kỳ mở hụi” là thời điểm được xác định theo thoả thuận của các thành viên tham gia hụi mà tại thời điểm đó từng thành viên được lĩnh hụi.
Hình thức hụi bao gồm 2 loại : hụi không có lãi và hụi có lãi. Hụi có lãi bao gồm hụi đầu thảo và hụi hưởng hoa hồng.
“Chủ hụi” là người tổ chức, quản lý hụi, thu các phần hụi và giao các phần hụi đó cho thành viên được lĩnh hụi trong mỗi kỳ mở hụi cho tới khi kết thúc hụi, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Chủ hụi phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
“Thành viên” : là người tham gia hụi, góp phần hụi và được lĩnh hụi. Thành viên có thể góp một hoặc nhiều phần hụi trong một hụi.
Khi tham gia hụi, các thành viên phải thỏa thuận về các nội dung liên quan. Việc thỏa thuận có thể bằng “lời nói” hoặc bằng “văn bản”. Văn bản thoả thuận về hụi có thể được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia hụi có yêu cầu.
Tuỳ theo từng loại hụi, những người tham gia hụi cần thoả thuận về các nội dung sau đây: chủ hụi, số người tham gia, phần hụi, kỳ mở hụi, thể thức góp hụi và lĩnh hụi, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia hụi, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, việc chuyển giao phần hụi, việc ra khỏi hụi, chấm dứt hụi và các nội dung khác.
Chơi hụi phải lập “Sổ hụi”
Sổ hụi chính là sổ sách, chứng từ liên quan đến việc chơi hụi. Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi. Trong trường hợp hụi không có chủ hụi thì những người tham gia hụi uỷ quyền cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.
Sổ hụi bao gồm các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ của chủ hụi và các thành viên trong hụi;
b) Phần hụi, kỳ mở hụi, thể thức góp hụi và lĩnh hụi;
c) Số tiền, tài sản khác đã góp hụi hoặc đã lĩnh hụi;
d) Việc chuyển giao phần hụi;
đ) Việc ra khỏi hụi và chấm dứt hụi;
e) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi;
g) Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của hụi.
Trong trường hợp hụi có lãi thì lãi suất đối với phần hụi được thực hiện theo quy định tại Điều 476 của Bộ Luật Dân sự. (Điều 476 qui định như sau: 1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ).
HỤI KHÔNG CÓ LÃI
“Hụi không có lãi” là hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia hụi, thành viên được lĩnh hụi nhận các phần hụi khi đến kỳ mở hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Thành viên đã lĩnh hụi có nghĩa vụ tiếp tục góp hụi để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh hụi.
Thứ tự lĩnh hụi trong hụi không có lãi được xác định bằng hình thức bốc thăm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Quyền và nghĩa vụ của thành viên chơi hụi
- Khi đến kỳ mở hụi, thành viên được lĩnh hụi có quyền nhận các phần hụi từ chủ hụi hoặc các thành viên khác trong hụi.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
- Chuyển giao phần hụi theo quy định tại các điều từ Điều 309 đến Điều 317 của Bộ Luật Dân sự. ( Đây là phần qui định về chuyển giao yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự). ( Xem ở cuối bài viết này).
- Ra khỏi hụi theo thoả thuận.
- Yêu cầu chủ hụi hoặc người giữ sổ hụi cho xem sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến hụi.
- Các quyền khác theo thoả thuận.
- Góp phần hụi theo thoả thuận cho chủ hụi trong trường hợp có chủ hụi hoặc cho thành viên được lĩnh hụi.
- Bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi, nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại.
- Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận.
- Trong trường hợp không có chủ hụi thì thành viên được uỷ quyền lập và giữ sổ hụi có các nghĩa vụ theo quy định.
Quyền và nghĩa vụ của chủ hụi
- Yêu cầu các thành viên trong hụi phải góp phần hụi.
- Yêu cầu thành viên được lĩnh hụi nhận các phần hụi khi đến kỳ mở hụi.
- Yêu cầu thành viên không góp phần hụi của mình phải hoàn trả phần hụi trong trường hợp chủ hụi đã góp thay cho thành viên đó.
- Các quyền khác theo thoả thuận.
- Lập và giữ sổ hụi và các giấy tờ liên quan đến hụi.
- Thu phần hụi của các thành viên.
- Giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi.
- Nộp thay phần hụi của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi.
- Cho các thành viên xem sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến hụi khi có yêu cầu.
- Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận.
HỤI CÓ LÃI
Qui định chung:
Hụi có lãi là hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia hụi, thành viên được lĩnh hụi nhận các phần hụi khi đến kỳ mở hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác. Thành viên đã lĩnh hụi có nghĩa vụ tiếp tục góp các phần hụi để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh hụi.
Hụi có lãi gồm 2 hình thức: hụi đầu thảo và hụi hưởng hoa hồng.
Trong hình thức chơi hụi có lãi, việc xác định thành viên lĩnh hụi trong kỳ như sau:
1. Thành viên lĩnh hụi trong từng kỳ mở hụi là người trả lãi cao nhất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong một kỳ mở hụi mà có nhiều thành viên cùng trả một mức lãi và mức lãi đó là mức lãi cao nhất thì những người này bốc thăm để xác định thành viên được lĩnh hụi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Thành viên đã lĩnh hụi không được tham gia trả lãi trong các kỳ mở hụi tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 sau đây.
4. Trong trường hợp một thành viên có nhiều phần hụi trong một hụi thì thành viên này có quyền trả lãi cho đến khi có số lần lĩnh hụi tương ứng với số phần hụi mà thành viên đó tham gia trong một hụi.
A. Qui định về hụi đầu thảo
Hụi đầu thảo là hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia hụi, chủ hụi được lĩnh toàn bộ các phần hụi trong một kỳ mở hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Trong các kỳ mở hụi khác, thành viên trả lãi cao nhất được lĩnh hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác.
Quyền và nghĩa vụ của thành viên
- Góp phần hụi.
- Trả lãi cho các thành viên khác khi được lĩnh hụi.
- Bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại.
- Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận.
- Đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở hụi.
- Hưởng lãi từ thành viên được lĩnh hụi.
- Các quyền giống như trường hợp hụi không có lãi.
Quyền và nghĩa vụ của chủ hụi
- Chủ hụi trong hụi đầu thảo có các nghĩa vụ giống như trường hợp hụi không có lãi.
- Được lĩnh các phần hụi trong một kỳ mở hụi.
- Yêu cầu thành viên không góp phần hụi của mình phải hoàn trả phần hụi trong trường hợp chủ hụi đã góp thay cho thành viên đó.
- Không phải trả lãi cho các thành viên khác.
B. Qui định về hụi hưởng hoa hồng
Hụi hưởng hoa hồng là hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia hụi, chủ hụi có trách nhiệm thu phần hụi của các thành viên góp hụi để giao cho thành viên được lĩnh hụi. Thành viên được lĩnh hụi phải trả lãi cho các thành viên khác và phải trả một khoản hoa hồng cho chủ hụi. Mức hoa hồng do những người tham gia hụi thoả thuận.
Quyền và nghĩa vụ của thành viên
- Trả khoản hoa hồng cho chủ hụi.
- Các nghĩa vụ theo quy định như trường hợp hụi đầu thảo.
- Các quyền theo quy định như trường hợp hụi đầu thảo.
Quyền và nghĩa vụ của chủ hụi
- Chủ hụi trong hụi hưởng hoa hồng có các nghĩa vụ như trường hợp hụi đầu thảo.
- Được hưởng hoa hồng từ các thành viên được lĩnh hụi.
- Yêu cầu các thành viên góp phần hụi.
- Yêu cầu thành viên không góp phần hụi của mình phải hoàn trả phần hụi trong trường hợp chủ hụi đã góp thay cho thành viên đó.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHƠI HỤI KHI VI PHẠM NGHĨA VỤ
Đối với chủ hụi:
Trong trường hợp chủ hụi đã thu các phần hụi của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh hụi thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh hụi, chủ hụi phải giao các phần hụi đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.
Chủ hụi phải trả lãi đối với các phần hụi giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần hụi.
Đối với thành viên:
Trong trường hợp thành viên không góp phần hụi khi đến kỳ mở hụi thì thành viên đó phải thanh toán đủ phần hụi còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc hụi và bồi thường thiệt hại nếu có.
Trong trường hợp thành viên không góp phần hụi, chủ hụi đã góp các phần hụi thay cho thành viên đó thì thành viên phải trả cho chủ hụi các phần hụi chậm trả và khoản lãi đối với các phần hụi chậm trả. Mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả các phần hụi.
TÒA ÁN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ HỤI
Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải.
Nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì một hoặc nhiều người tham gia trong dây hụi có quyền nộp đơn khởi kiện tại Toà án. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đây có thể xem như là một vụ án dân sự, về quan hệ vay mượn tài sản.
-------------------------------------------------
Tham khảo thêm:
Qui định về chuyển giao yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự
( tại Bộ luật dân sự 2005)
Điều 309. Chuyển giao quyền yêu cầu
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 310. Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu
1. Việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Điều 311. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ
1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Điều 312. Không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu
Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 313. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Trong trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
Điều 314. Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ
1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
Điều 315. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
Điều 316. Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Điều 317. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm
Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thoả thuận khác.
------------------------------------------------
Bài liên quan:
Chơi hụi : khía cạnh rủi ro và vấn đề pháp lý