Nhiều công ty trong quá trình hoạt động do thiếu sự giám sát, quản lý, nên đã có tình trạng nhân viên thu tiền của khách hàng xong đã không nộp vào công ty theo qui định mà chiếm giữ sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trong trường hợp như vậy, sai phạm của nhân viên nhiều khi đã vượt qua ranh giới của sự vi phạm kỷ luật lao động mà có dấu hiệu hình sự. Công ty cần có đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an để làm rõ sự việc, bảo đảm quyền lợi của mình.
Dưới đây là một mẫu đơn mà công ty luật hợp danh Ecolaw đã soạn thảo cho khách hàng của mình. Kèm đó là thư trao đổi về mặt pháp lý của luật sư.
-----------------------------------------------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
TP HCM, ngày 19 tháng 1 năm 2010
ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Ông Nguyễn Lê Lê chiếm giữ trái phép
100 triệu đồng của công ty TNHH Antata)
Kính gửi: CÔNG AN QUẬN 4 TP. HỒ CHÍ MINH
Chúng tôi là : CÔNG TY TNHH ANTATA
Địa chỉ : ZZZ Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP.HCM.
Điện thoại:
Nay làm đơn này tố cáo và đề nghị Quí cơ quan tiến hành điều tra và khởi tố hình sự đối với : ông NGUYỄN LÊ LÊ, sinh 1980.
CMND số: , cấp ngày … tại CA TP. HCM
Ngụ tại: ... Quận 8, TP. HCM.
Nguyên là nhân viên thu tiền của công ty Antata (nay đã tự ý nghỉ việc)
Vì đã có hành vi chiếm giữ trái phép số tiền trên 100 triệu đồng của công ty chúng tôi.
Sự việc như sau:
Ông Nguyễn Lê Lê là nhân viên thu tiền, làm việc tại trụ sở Công ty TNHH ANTATA số ZZZ Bến Vân Đồn, phường 1, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ của ông Lê là thu tiền của khách hàng về nộp cho thủ quỹ của công ty Antata. Theo qui định của công ty, sau khi đi thu tiền về, vào cuối mỗi ngày làm việc, ông Lê và những nhân viên thu tiền khác phải tổng kết báo cáo vào “ Phiếu nộp tiền” và nộp tiền cho bộ phận thu tiền/thủ quỹ số tiền thu được trong ngày.
Khoảng giữa tháng 12-2009 vừa qua, qua kiểm tra, giám sát thu ngân của công ty Phan Văn Hoàng phát hiện dấu hiệu việc ông Nguyễn Lê Lê thu tiền của khách hàng đạt hiệu quả rất thấp và bất thường.
Vì nghi ngờ ông Lê có sự gian dối, ông Hoàng gọi điện cho các khách hàng mà ông Lê có nhiệm vụ thu tiền (theo danh sách). Theo đó phát hiện ra có rất nhiều khách hàng ông Lê đã thu tiền từ lâu nhưng không/chưa nộp về công ty theo qui định. Ông Hoàng đã báo cáo lên cấp quản lý, đồng thời yêu cầu ông Lê kiểm tra lại toàn bộ việc thu – nộp tiền thu của khách hàng.
Ngày 25-12-2009, công ty tổ chức phiên họp về sai phạm của ông Lê. Có lập Biên bản và ghi nhận ý kiến của các đương sự. Theo đó xác định như sau :
- Ông Lê thừa nhận từ 7-2009 đến nay (12-2009) có chiếm dụng số tiền của công ty để sử dụng vào mục đích kinh doanh cá nhân. Tổng số tiền chiếm dụng khoảng 100 triệu đồng.
- Ông Vũ Dư Tiến ( một nhân viên thu tiền khác) có 3 lần nhờ ông Lê đóng tiền dùm, nhưng ông Lê không đóng và chiếm dụng số tiền khoảng 70 triệu đồng do ông Tiến gửi.
- Ông Lê hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền trên cho công ty. Chậm nhất vào ngày 5-1-2010.
Sau đó, ông Lê, ông Tiến và bộ phận kế toán đã kiểm tra và xác định số tiền ông Lê đang chiếm giữ của công ty và của ông Tiến như sau :
- Theo Danh sách khách hàng lập bởi ông Lê và ông Phan Văn Hoàng, ông Lê xác nhận như sau : « Tôi xác nhận số tiền 100 triệu đồng đã thu nhưng chưa nộp công ty ».
- Theo Danh sách khách hàng xác lập bởi ông Tiến, ông Lê xác nhận như sau : « Tôi đồng ý số tiền 70.000.000 đồng đúng là số tiền anh Tiến nhờ tôi nộp ». ( Nhưng chưa nộp)
Như vậy, hiện nay ông Lê đang chiếm giữ tổng cộng trên 100 triệu đồng và 70 triệu đồng cũng là tiền của công ty – nhưng liên đới tới trách nhiệm của ông Tiến.
Trước sự việc như trên, ngày 26-12-2009, Công ty đã ra “Quyết định tạm đình chỉ công tác” đối với ông Lê và yêu cầu ông Lê sớm nộp tiền về cho công ty theo cam kết.
Tuy nhiên đến hạn ông Lê đã không nộp thêm đồng nào về cho công ty. Sau đó, từ ngày 3-1-2010 đến nay ( 19-1-2010) ông Lê tự ý bỏ việc, không tới công ty nữa. Công ty đã nhiều lần liên hệ nhưng ông Lê tắt máy.
Từ những sự việc trên, có thể thấy :
- Việc ông Lê chiếm giữ số tiền 100 triệu đồng thu của khách hàng (chưa kể khoản tiền 70 triệu đồng nhận của ông Tiến), sử dụng vào mục đích riêng mà không nộp cho công ty đúng theo qui định là hành vi cố ý. Ông Lê biết điều đó là không sai nhưng vẫn làm.
- Đến thời điểm hiện tại thì ông Lê vẫn chưa trả lại số tiền trên – mặc dù ông Lê đã cam kết trả hết chậm nhất vào ngày 5-1-21010.
- Hiện nay, ông Lê có dấu hiệu bỏ trốn (tự ý nghỉ việc, tắt điện thoại cá nhân, không liên hệ gì với công ty…)
Từ đó, chúng tôi cho rằng ông hành vi của ông Lê không những vi phạm các nguyên tắc tài chính của công ty mà còn có dấu hiệu hình sự. Cụ thể : ông Lê có dấu hiệu phạm tội « chiếm giữ trái phép tài sản » theo qui định tại điều 141 Bộ luật hình sự. Theo quy định, “ Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng … ” thì phạm tội này.
Như vậy, hoàn toàn có đủ căn cứ để có thể xem xét, khởi tố ông Lê về dấu hiệu phạm vào tội « chiếm giữ trái phép tài sản».
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo đảm kỷ cương của công ty, bảo đảm sự nghiêm minh và đúng đắn của pháp luật, nay công ty TNHH ANTATA kính đề nghị tới Quý cơ quan như sau :
- Tiến hành xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố ông Nguyễn Lê Lê về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản - số tiền 100 triệu đồng (làm tròn) của công ty ANTATA.
- Buộc ông Lê phải hoàn trả lại cho công ty toàn bộ số tiền trên.
Chúng tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.
Kính mong được xem xét và giải quyết. Xin chân thành cảm ơn.
GIÁM ĐỐC ( ký tên, đóng dấu)
-------------------------------------
Đính kèm đơn tố cáo :
- Biên bản cuộc họp ngày 25-12-2009.
- Quyết định đình chỉ công tác ông Lê ngày 26-12-2009.
- Bản tường trình ngày 25-12-2009 của ông Nguyễn Lê Lê.
- Danh sách khách hàng thu tiền của ông Lê và ông Tiến.
- Giấy CNĐKKD công ty Antata
-----------------------------------------
Phân tích pháp lý :
Sau đây Thư trao đổi của LS. Trần Hồng Phong với Ban giám đốc công ty Antata về sự việc này ( kèm Đơn tố cáo):
1. Ông Vũ Dư Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền “lỡ” giao cho ông Lê.
Theo kết quả ghi trong Biên bản cuộc họp ngày 25-12-2009 và cả sự xác nhận của ông Lê trong Bản tường trình thì ông Lê cam kết sẽ trả toàn bộ số tiền mà ông đang chiếm giữ. Trong đó bao gồm cả số tiền 70 triệu đồng mà ông Tiến nhờ nhưng ông Lê không nộp về cho công ty.
Tuy nhiên, về bản chất, số tiền 70 triệu đồng nói trên là tiền mà ông Tiến phải có trách nhiệm nộp về cho công ty . Do vậy, việc ông Tiến không trực tiếp nộp mà lại nhờ ông Lê, dẫn đến tình trạng ông lê không nộp hoàn toàn là do lỗi và thuộc trách nhiệm của ông Tiến. Dù không cố ý, nhưng ông Tiến phải gánh chịu hậu quả về sự chủ quan của mình khi giao tiền cho ông Lê. Nên công ty có quyền yêu cầu ông Tiến phải nộp số tiền này.
Việc ông Lê tự nhận sẽ trả số tiền đó là đúng – nhưng chỉ đúng về mặt tình cảm. Chính xác là phải trả cho ông Tiến (hoặc trả “dùm” cho ông Tiến).
Về phần mình, ông Tiến có quyền đòi ông Lê số tiền 70 triệu đồng đã giao cho ông Lê. Đây là giao dịch giao nhận tiền giữa cá nhân hai ông này, không liên quan gì đến Antata
2. Ông Lê có dấu hiệu phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản
Theo thông tin ban đầu, tôi nghĩ rằng ông Lê có dấu hiệu lừa đảo để lấy tiền của công ty. Tuy nhiên, theo thông tin tới nay, tôi cho rằng ông Lê không có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã trao đổi trước đây. Vì lẽ người phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có những dấu hiệu sau đây :
- Có thủ đoạn gian dối để từ đó chiếm đoạt được tài sản (tiền) của người khác.
- Đã lấy được tài sản (tiền) trước khi bị phát hiện.
Trong trường hợp này, ông Lê chưa hẳn đã gian dối. Vì ông ta chưa nói dối hay làm ra giấy tờ, tài liệu giả mạo. Việc ông Lê nộp tiền trễ thủ quỹ chắc chắn biết nhưng đã không nhắc nhở gì. Vì khi nộp tiền ông Lê còn nộp kèm hóa đơn, chứng từ … - các giấy tờ này hoàn toàn phù hợp viếc số tiền đã nộp. Như vậy, thực chất ông Lê chỉ “nộp trễ” thôi.
Việc ông Lê nộp tiền trễ không đồng nghĩa với việc số tiền trễ đó đã trở thành của ông Lê (vì sớm muộn gì cũng phải nộp). Hơn nữa, chính ông Lê đã thừa nhận mình nộp tiền không đúng hạn, công ty đã xác minh và thừa nhận như vậy. Nên ở đây không có dấu hiệu gian dối.
Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự có 2 tội danh khá giống với trường hợp của ông Lê. Đó là tội “chiếm giữ trái phép tài sản” - theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự và tội “sử dụng trái phép tài sản” – theo qui định tại Điều 142.
Cụ thể :
* Về tội chiếm giữ trái phép tài sản, luật qui định “ Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng .. ” thì phạm tội này.
Theo đó có thể thấy :
- Việc ông Lê không giao nộp tiền thu từ khách hàng đúng thời hạn là hành vi cố ý. Cụ thể, đó là 100 triệu đồng đã thu từ khách hàng trong thời gian tháng 10 và tháng 11 năm 2009. Ông Lê biết điều đó là không sai nhưng vẫn làm.
- Đến thời điểm hiện tại thì ông Lê vẫn chưa trả lại số tiền trên.
* Về tội sử dụng trái phép tài sản, luật qui định : “người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì phạm tội này.
Theo đó có thể thấy :
- Ông Lê có khai đã sử dụng số tiền thu của khách hàng sử dụng vào mục đích kinh doanh cá nhân – là dấu hiệu của tội “sử dụng tài sản trái phép”.
- Tuy nhiên, việc sử dụng trái phép số tiền trên chưa “gây hậu quả nghiêm trọng” cho công ty. Ông Toàn cũng chưa bị xử phạt hành chính hay kết án về tội này.
Do vậy, chưa đủ các yếu tố để cho rằng ông Lê phạm tội “sử dụng trái phép tài sản”
Tóm lại, với hành vi không giao nộp tiền cho công ty đúng hạn, ông Nguyễn Lê Lê có dấu hiệu phạm tội “ chiếm giữ tài sản trái phép” - theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự. Công ty có thể làm đơn tố cáo ông Lê về việc này.