Monday, August 4, 2014

Đơn kháng cáo quá hạn


(Ecolaw.vn) - Đơn kháng cáo quá hạn : mẫu đơn kháng cáo quá hạn. Phân tích pháp lý của luật sư về kháng cáo và kháng cáo quá hạn, bản trình bày về kháng cáo quá hạn ...

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                           TP.HCM, ngày 18 tháng 10 năm 2010

                            ĐƠN KHÁNG CÁO (QUÁ HẠN)

Kính gửi :     TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH
                     TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN THỦ ĐỨC

Tôi tên : PHAN HÒA HÒA, sinh : 1955.
Ngụ tại : , quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Là bị đơn trong vụ án “ly hôn” - do ông TRƯƠNG LÊ LÊ người khởi kiện.

Nay tôi làm đơn này, kháng cáo (quá hạn) toàn bộ bản án sơ thẩm số XX/2010/HNGĐ-ST do Tòa án nhân dân quận Thủ Đức tuyên xử vào ngày 29-10-2010, vì không khách quan, gây oan ức và bất lợi cho tôi. (Lý do kháng cáo quá hạn tôi trình bày trong “Đơn trình bày kháng cáo quá hạn” gửi kèm đơn này)

Cụ thể như sau:

Theo bản án sơ thẩm, Tòa xác định rằng vợ chồng tôi có tài sản chung là căn nhà XXX, phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Căn nhà này trước đây ông Lê nói là đã bán được với giá 3 tỷ đồng và tòa xử chia đôi, mỗi người một nửa giá trị. Cụ thể Tòa tuyên cho tôi được hưởng 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Tôi đã xác minh và được biết căn nhà này được bán với giá 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, vợ chồng tôi còn có nhiều tài sản chung khác, như : một xe ô tô tải, một mảnh đất nông nghiệp nhờ người khác đứng tên.

Theo qui định của pháp luật, khi xét xử vụ án ly hôn, tài sản chung sẽ được chia đôi. Do vậy, tôi cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm không đề cập đầy đủ về trung thực về tài sản chung của vợ chồng là hoàn toàn bất công, gây bất lợi cho tôi.

Do vậy, nay tôi có đơn này, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức. Kính đề nghị Quí tòa xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tôi. Xin chân thành cám ơn.

                                                                                  Người kháng cáo
                                                                                  (ký, ghi họ tên)

Đính kèm:

- Đơn trình bày về lý do kháng cáo quá hạn.

-----------------------------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Tại VN, một vụ án được xét xử qua hai cấp (2 lần) : sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự ( nguyên đơn, bị đơn, người liên quan …) không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền chống án. Thuật ngữ pháp lý gọi là “kháng cáo”, yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm.

2. Tuy nhiên, luật chỉ dành cho các đương sự một thời gian ngắn ngủi là 15 ngày, kể từ ngày tòa tuyên án (đối với những người vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm là … ngày) để kháng cáo. Nếu hết thời hạn 15 ngày đương sự sẽ không còn quyền kháng cáo nữa. Về nguyên tắc, khi tuyên án sơ thẩm Tòa sẽ giải thích rõ quyền kháng cáo và thời hạn cho các đương sự và trong bản án cũng ghi rõ về vấn đề này.

3. Trên thực tế, có nhiều người do chưa nắm rõ vấn đề này, lại không có luật sư nên nhiều khi cứ nghĩ rằng phải chờ nhận bản án sơ thẩm thì mới kháng cáo. Hoặc 15 ngày là không tính vào các ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ Nhật), ngày lễ … Và vô tình đã làm mất đi quyền kháng cáo của mình. Hoặc cũng có trường hợp vì lý do bất khả kháng nào đó, nên không kịp làm đơn kháng cáo (Nếu không kháng cáo, sau 15 ngày bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, phải thi hành).

4. Trong những trường hợp như trên, luật tố tụng dân sự có qui định về trường hợp “kháng cáo quá hạn”. Tức là kháng cáo sau khi đã quá thời hạn kháng cáo theo luật định (15 ngày). Đây là trường hợp đặc biệt, để Tòa xem xét và đánh giá nguyên nhân kháng cáo quá hạn, từ đó sẽ có thể chấp nhận đơn kháng cáo của đương sự - trên nguyên tắc bảo đảm quyền kháng cáo và thông cảm cho những lý do khách quan của đương sự - dẫn đến việc phải kháng cáo quá hạn.

5. Khi kháng cáo quá hạn, ngoài “Đơn kháng cáo” như các trường hợp chung, người kháng cáo còn phải nộp kèm một văn bản rất quan trọng là “Bản trình bày về nguyên nhân kháng cáo quá hạn”. Theo đó, nếu Bản trình bày đưa ra được những ý kiến, bằng chứng … chứng minh được lý do của việc kháng cáo quá hạn là hợp lý, thì nhiều khả năng đơn kháng cáo sẽ được chấp thuận.

6. Vì kháng cáo quá hạn là trường hợp đặc biệt trong tố tụng. Nên thay vì đương nhiên được chấp thuận nhưtrường hợp thông thường, đơn (và Bản trình bày về lý do kháng cáo quá hạn) sẽ được chuyển lên Tòa án cấp trên. Và nơi đây sẽ xem xét việc có chấp nhận về yêu cầu kháng cáo quá hạn hay không.

7. Một vụ án khi đã tranh chấp ở Tòa thường rất nhiều “cạm bẫy”. Do vậy, cho dù bất kỳ ai, dù là người nào nói gì đi chăng nữa thì Quí vị cũng nên biết rằng : kháng cáo là quyền của đương sự trong một vụ án và “thời gian kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án”. Hãy làm đơn kháng cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án. Nếu Quí vị vẫn chưa nhận được bản án sơ thẩm thì cũng không sao. Hãy “nhớ lại” bản án đã tuyên bằng miệng tại Tòa và có thể ghi chung chung là “kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm” cũng được.

8. Nếu Đơn kháng cáo của Quí vị được chấp nhận, Tòa án cấp trên sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét, giải quyết (và chỉ giải quyết) các vấn đề được đề cập trong đơn kháng cáo. Hay nói cách khác, phiên tòa phúc thẩm là phiên tòa xem xét về đơn kháng cáo chứ không phải là phiên tòa xem xét về yêu cầu khởi kiện như tại phiên tòa sơ thẩm.


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  Đơn từ, tranh chấp dân sự

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn