Monday, August 4, 2014

Đơn đề nghị bác bỏ giá trị pháp lý của một văn bản

Trong các tranh chấp dân sự, nhiều khi các bên cần phải đấu tranh, chỉ ra những điểm bất hợp lý của các văn bản, tài liệu … - nhằm vô hiệu hóa giá trị, vì nếu được bên “đối phương” sử dụng/vận dụng sẽ gây bất lợi cho mình.

Dưới đây là một văn bản như vậy mà công ty luật hợp danh Ecolaw đã thực hiện – trong phạm vi nghĩa vụ và quyền hạn của mình và đã gửi đến Tòa án.


(Vì đây là một vụ án đã và đang diễn ra trong nhiều năm, nhiều bài báo đã có bài “công khai” về vụ án này (Thanh Niên, Pháp luật TP.HCM, Sài Gòn giải phóng, Người Lao động …) – xét thấy cũng không có gì là bí mật, nên chúng tôi quyết định giữ nguyên 100% nội dung để Quí vị dễ hình dung và tham khảo. Và qua đó hình dung ra phần nào câu nói "vô phúc đáo tụng đình"

----------------------------------------------------------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TP.Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 2010

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(V/v: Bác bỏ giá trị pháp lý 2 công văn trả lời của Công ty điện lực TP.HCM)

Kính gửi :              TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH
                              THẨM PHÁN NGUYỄN VĂN TRÍ
                              TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.HỒ CHÍ MINH ( báo cáo)

Tôi là luật sư Trần Hồng Phong, thành viên công ty luật hợp danh Ecolaw.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn : NGUYỄN THU HƯƠNG – ĐỖ THOẠI LÂN trong vụ án “tranh chấp hợp đồng sử dụng điện” với bị đơn: CÔNG TY ĐIỆN LỰC TP. HỒ CHÍ MINH.

Vụ án đang được TAND quận Tân Bình thụ lý giải quyết giai đoạn sơ thẩm (lần 2, sau khi án sơ thẩm lần 1 bị hủy).

Nay tôi gửi đơn này đến Quí tòa, đề nghị xem xét và bác bỏ giá trị pháp lý của công văn số 2489 ngày 28-6-2010 và công văn số 3322 ngày 27-7-2010 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Vì những lý do sau đây:

Trong bản án phúc thẩm số 405/2007/DSPT ngày 17-04-2007, cùng với việc tuyên hủy án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình – TAND TP.HCM đã ghi rõ như sau: “lưu ý Tòa án cấp sơ thẩm cần xem xét và đánh giá về trình tự thu tang vật liên quan tới việc người sử dụng điện vi phạm hợp đồng mua bán điện đã được bị đơn thực hiện đúng thủ tục được qui định tại điều 22 qui định về kiểm tra sử dung điện tại Quyết định số 42/2002/QĐBCN ngày 09/10/2002 của Bộ công nghiệp chưa ?” - để việc giải quyết vụ án được toàn diện và có căn cứ pháp luật”.
Đến ngày 26-6-2009, TAND quận Tân Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án này. Tại phiên tòa, phía bị đơn – mà cụ thể là các nhân viên tham dự buổi kiểm tra điện ngày 20-5-2005 tại địa chỉ số 8 Trường Sơn đã khai rõ như sau: ( thể hiện trong biên bản phiên tòa):

- Máy ổn áp gia đình hộ bà Hương đang sử dụng ở phòng trong (phòng “con gái bà Hương” ) đã bị các nhân viên điện lực lấy đem ra ngoài.

- Sau đó, nhân viên điện lực (ông Khang) đã tháo mở máy ra để “thao tác nghiệp vụ”.

Từ đó, cho thấy các nhân viên điện lực đã dựng lên một hiện trường giả.

Các lời khai tại phiên tòa cũng cho thấy các nhân viên kiểm tra đã tự ý tháo dỡ đồng hồ điện một cách phi pháp – không đúng qui định tại Điều 22 Quyết định 42/2002 của Bộ Công nghiệp - qui định về việc tháo dỡ thiết bị đo đếm điện (đồng hồ điện).

Với những kết quả xét hỏi rõ ràng như trên, lẽ ra Tòa hoàn toàn có đủ cơ sở để tuyên việc kiểm tra điện của Điện lực Tân Bình là hoàn toàn sai trái. Thế nhưng, Tòa án đã tuyên hoãn phiên tòa với lý do cần đưa chiếc ổn áp đi giám định xem đó có phải là máy tạo dòng hay không.

Gần đây, TAND quận Tân Bình có 2 công văn gửi Tổng công ty điện lực TP.HCM, hỏi về việc cắt điện và thu giữ điện kế - trong trường hợp “người sử dụng điện có hành vi hòa hơi dây nguội của hai điện kế (cả hai điện kế đều sai thứ tự pha), làm cho điện kế không đúng so với thực tế”.

Theo đó, ngày 28-6-2010, Tổng công ty điện lực TP.HCM có Công văn phúc đáp 2489/EVNHCMC-KD và ngày 27-7-2010 có Công văn 3322./EVNHCMC-KD, trả lời TAND quận Tân Bình.

Cả 2 công văn của Điện lực TP.HCM tuy nói rằng việc trả lời dựa vào Quyết định 52/2001/QĐ-BCN ngày 12-11-2001 và Quyết định 42/2002/QĐ-BCN ngày 09-10-2002. Nhưng cách trả lời đều chung chung, theo hướng cho rằng việc kiểm tra, cắt điện và thu giữ đồng hồ điện tại nhà hai hộ Nguyễn Thu Hương và Đỗ Thoại Lân là đúng.

Sau khi xem qua hai tài liệu mới này, chúng tôi không thể đồng ý với hai văn bản trên và cho rằng hai văn bản này không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây:

1.Tổng công Điện lực TP. Hồ Chí Minh là bị đơn - không có tư cách và không thể tự mình giải thích những vấn đề liên quan đến thủ tục, trình tự kiểm tra điện mà chính mình đang bị kiện.

Trong vụ án này, Tổng công ty điện lực TP.HCM là bị đơn, bị hai hộ Nguyễn Thu Hương và Đỗ Thoại Lân khởi kiện. Do đó, nếu ý kiến của bị đơn lại được xem như văn bản pháp luật có tính pháp lý để “áp dụng” vào việc giải quyết vụ án thì có khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi- hoàn toàn trái pháp luật.

Hơn nữa, tuy là công văn của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, nhưng thực chất lại do cá nhân một người là ông Nguyễn Văn Lý trả lời. Những giải thích về qui trình của ông Lý cũng hoàn toàn mâu thuẫn với chính hai văn bản luật là Quyết định 52/2001 và quyết định 42/2002 của Bộ Công nghiệp (vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày rõ tại phiên tòa).

2. Tổng công ty điện lực TP.HCM không có thẩm quyền giải thích luật:

Theo quy định tại điều 85 Luật ban hành văn bản pháp luật, thẩm quyền giải thích luật thuộc về Quốc Hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Hoặc ít nhất cũng phải là Bộ công nghiệp mới có quyền giải thích văn bản qui phạm pháp luật do mình ban hành.

Ở đây, Tổng công ty điện lực TP.HCM ( hay đúng hơn là cá nhân ông Lý) là một công ty kinh doanh, một đơn vị kinh tế, không hề có thẩm quyền hay chức năng gì về việc giải thích luật thì chắc chắn không có thẩm quyền giải thích luật – cho dù là Tòa án chưa nắm rõ phải hỏi.

3. Các câu hỏi trong công văn của TAND Q.Tân Bình là thiếu khách quan, trái pháp luật, vì đã áp đặt một sự việc đang tranh chấp thành “điều kiện cơ sở ” để hỏi:

Trong vụ án này, vấn đề còn tranh cãi và có tính quyết định là vấn đề kỹ thuật điện – chúng tôi đã hơn 5 lần có văn bản đề nghị phía bị đơn chứng minh hành vi ăn cắp điện của chúng tôi bằng cách tiến hành thực nghiệm – áp theo sơ đồ và kết luận của nhóm kiểm tra điện ngày 20-5-2005.

Tuy nhiên mặc dù chính tòa tới nay vẫn khẳng định đây là vấn đề khoa học, không nắm rõ ... – nhưng vẫn không yêu cầu phía Điện lực tiến hành thực nghiệm. Đây là một sai sót cực kỳ nghiêm trọng về tố tụng. Và chính vì vậy đã “né tránh” cho bị đơn nghĩa vụ chứng minh – theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên là trong khi phía nguyên đơn tới nay vẫn khẳng định không hề có các hành vi “hòa hơi đấu nối hai đồng hồ”, “đảo pha”, “sử dụng máy tạo dòng” ... và chính Tòa cũng đang xem xét, xét xử về nội dung này, thì nay Tòa lại lấy ngay những nội dung chưa được làm rõ này “gán” vào cho hai hộ Nguyễn Thu Hương và Đỗ Thoại Lân (xem như họ đã có hành vi ăn cắp điện (!?)) – từ đó hỏi Điện lực về thủ tục cắt và thu giữ điện kế.

Cách hỏi như vậy cho thấy dù chưa xét xử, nhưng Tòa đã sớm “kết luận” rằng hai hộ đã “ăn cắp điện”. Và đưa ra các câu hỏi theo kiểu như trên đã “hợp thức hóa” các hành vi sai trái của phía Điện lực. Điều này là hoàn toàn sai trái và không thể chấp nhận được.

Với những điều trình bày trên đây, nay chúng tôi có đơn này bác bỏ hoàn toàn giá trị của hai văn bản nói trên của Điện lực TP.HCM. Chúng tôi không chấp nhận và đề nghị Tòa không căn cứ vào những nội dung trong hai văn bản này để đánh giá, nhận định về qui trình, thủ tục kiểm tra điện ngày 20-5-2005.

Kính mong được xem xét. Xin chân thành cám ơn.

                                                                       Người đề nghị
                                                              Luật sư Trần Hồng Phong




--------------------------------------------------------------------------

Phân tích pháp lý:

( Vui lòng chờ)