Thursday, August 14, 2014

Đòi lại và thừa kế đất không có giấy tờ: không có cơ hội


Hỏi : Tôi có trường hợp vướng mắc về đất đai thừa kế như sau, xin được giải đáp:

1. Chia Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phù hợp với quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, người sử dụng đất phải có "giấy đỏ" hoặc "giấy hồng" thì mới được để thừa kế quyền sử dụng đất, trường hợp không có giấy chứng nhận nhưng có các loại giấy tờ gì thì cũng được để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với quyền sử dụng đất.


2. Ông tôi ở quê có mua lô đất ở Đà Nẵng năm 1976 bằng giấy viết tay. Do ông có nhà đất ở quê nên khi giải phóng ông về quê ở và lô đất ông mua thì em ông ở nhưng không có ràng buộc giấy tờ ủy quyền hay nhờ trông hộ. Từ 1976 đến nay người em của ông sống trên mảnh đất, kê khai đất đai đứng tên mình theo đúng hộ khẩu, nộp thuế đầy đủ và lô đất đó người em của ông đứng tên trên sở mục kê địa chính và bản đồ địa chính.

Bây giờ ông tôi đòi lấy đất để chia thừa kế cho con cháu. Xin hỏi:

1- Từ 1976 đến nay ông tôi không ở trên lô đất, không có hộ khẩu tại địa phương nơi có lô đất, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với lô đất, không có tên trên sổ mục kê địa chính lô đất thì lô đất đó là tài sản của ông để chia thừa kế hay là tài sản của người quản lý, sử dụng lô đất và nộp thuế đất

2- Lô đất không do ông quản lý, ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có được chia thừa kế quyền sử dụng đất cho các con cháu ?

3- Ông tôi khi lấy được lô đất đó thì ông hoặc các thừa kế có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có phải nộp tiền sử dụng đất dù 35 năm qua ? 

Chân thành cám ơn. ( Phan Thị T. H.)

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời : 

Theo thông tin của bạn thì trường hợp của ông bạn có thể xem là đang ở tình trạng “3 không”:

- Không giấy tờ.

- Không sử dụng.

- Không đóng thuế.

Riêng giấy tay mua đất năm 1976 có thể nói ngay là không có giá trị gì nếu đưa ra tranh chấp trong bối cảnh câu chuyện này.

Ngược lại người em của ông bạn là “3 có”:

- Có giấy tờ (ở UBND xã).

- Trực tiếp sử dụng suốt 35 năm qua.

- Có đóng thuế.

Theo đó, có thể ngay là khả năng ông bạn kiện đòi lại đất và đòi được là … không có. Và như vậy, cũng không cần phải suy nghĩ tới bước 2, bước 3 như bạn đặt ra : là chia di sản thừa kế, cấp Giấy chứng nhận …

Tôi cũng muốn giải thích thêm cho bạn là việc bạn đặt vấn đề lô đất của người em ông bạn có thể là “di sản” của ông bạn là quá sớm. Vì ông bạn chưa hề có “quyền hạn” gì ( một cách hợp pháp) với lô đất đó thì làm sao có thể viết di chúc để lại cho người khác được.

Về câu hỏi lô đất đó đang là tài sản của ai thì tôi không/chưa thể trả lời chính xác vì không rõ em của ông bạn đã có được những loại giấy tờ gì. Tuy nhiên thể thể khẳng định lô đất đó không/chưa phải là tài sản của ông bạn và hầu như chắc chắn sẽ thuộc về em ông của bạn.

Tuy nhiên, có một trường hợp khác (mà tôi chỉ suy luận theo lối “lo xa” giúp bạn) : đó là ông bạn mua đất năm 1976 và trên đất có nhà. Hay nói chính xác hơn là năm 1976 ông bạn mua nhà giấy tay (chứ không phải là mua đất) và căn nhà em ông bạn đang ở “có nguồn gốc” là nhà của ông bạn. Trường hợp này hai bên sẽ tranh chấp về tài sản chứ không phải là đất đai. Dù vậy, khả năng ông bạn đòi nhà và thắng kiện - hầu như cũng rất thấp vì đã quá lâu.

Tôi thực sự thắc mắc không biết bạn thuộc “phe” nào. Nếu bạn thuộc “phe” đang trực tiếp sử dụng đất thì có thể hoàn toàn an tâm chờ ngày được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ – kể cả trường hợp kiện tụng ra tòa. Ngược lại thì tôi khuyên không nên kiện tụng làm gì cho mất công ( và mất cả tình nghĩa). Nhất là khi đòi mà không có bất kỳ một giấy tờ (chứng cứ) hợp pháp nào.

Về câu hỏi “các loại giấy tờ gì” khác để có thể chứng minh và để lại tài sản của mình cho người khác : Giấy tờ về nhà, đất ở VN trải qua nhiều thời kỳ, biến động lịch sử … - nên rất đa dạng, phức tạp, hầu như không thể thống kê hết được. Tuy nhiên, tới nay đất nước đã thống nhất được 35 năm rồi (tính từ năm 1975), nên có thể nói một cách chung qui là những giấy tờ nào có con dấu đỏ của các cấp chính quyền (xã, huyện, tỉnh …) đề có thể xem (trực tiếp và gián tiếp) là tư liệu để chứng minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng hoặc quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với nhà, đất. Trường hợp có tranh chấp thì đưa ra tòa án và đây là nơi có thẩm quyền phán xét cuối cùng.

Thân ái. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn