Sunday, June 10, 2018

Nhãn hiệu sản phẩm định đăng ký bảo hộ đã có doanh nghiệp khác đăng ký nhưng họ đã giải thể, nay công ty tôi có đăng ký được không ?


Hỏi: Công ty chúng tôi sắp cho ra mắt một sản phẩm kẹo dẻo và chúng tôi có dự định sẽ đăng ký cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu với tên gọi là XXX (mã hóa để bảo mật). Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại Việt Nam đang có một công ty hoạt động trong lĩnh vực máy móc cơ khí có tên cũng là XXX. Mặt khác, cách nay khá lâu (khoảng 5 năm) cũng đã có một công ty khác (mà chúng tôi không biết chắc là họ kinh doanh ngành gì, có tên là AAA) đã đăng ký nhãn hiệu XXX và đã được cấp giấy chứng nhận. Chúng tôi có tìm hiểu thì được biết công ty này đã giải thể, còn nhãn hiệu XXX thì được biết ( qua một văn phòng về đăng ký nhãn hiệu tại TP.HCM) là hiện nay thuộc tình trạng “không xác định được chủ sở hữu nhãn hiệu là ai”



Qua sự việc trên, xin Quí luật sư vui lòng tư vấn giúp là chúng tôi có thể đăng ký nhãn hiệu XXX được không? Và liệu có rủi ro gì không khi đăng ký như vậy? Pháp luật qui định về vấn đề này như thế nào? Xin chân thành cám ơn Quí luật sư ( Phat D.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời

Theo qui định tại Luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu ( tên gọi, hình ảnh) dùng để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của tổ chức/doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Nói rõ hơn, sự “phân biệt” ở đây là để chỉ những sản phẩm/nhóm/ngành giống nhau hoặc gần giống nhau. Chẳng hạn như đối với sản phẩm kẹo, thì có thể gần giống hoặc chia ra là kẹo cứng, kẹo dẻo, bánh ngọt …vv. Cho nên, giả sử nếu công ty A đã có kẹo ZZZ, thì công ty B không nên có “kẹo dẻo ZZZ” vì có khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng – cứ nghĩ là của công ty A hoặc của công ty B (trong khi do 2 công ty khác nhau sản xuất).

Tuy nhiên, nếu các sản phẩm/dịch vụ có đặc tính hoàn toàn khác nhau, thì vẫn có thể có cùng tên được. Ví dụ: HHH là sản phẩm nước tinh khiết đã được đăng ký bảo bộ. Tuy nhiên, nếu có một doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ thương hiệu HHH cho ngành khách sạn thì không sao. Vì nước tinh khiết và khách sạn là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

( Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là nếu HHH được xem là “nhãn hiệu nổi tiếng” thì các công ty khác không được lấy tên sản phẩm giống nhãn hiệu nổi tiếng. Vì sẽ xem là trường hợp “ăn theo”. Chẳng hạn như nhãn hiệu máy tính bảng Ipad đã quá nổi tiếng, thì một công ty khác, dù là sản xuất mì gói chẳng hạn – không được phép ( được cấp giấy chứng nhận bảo hộ) cho sản phẩm mì gói mang nhãn hiệu Ipad. Vì người tiêu dùng có khả năng sẽ lầm tưởng mì gói Ipad là do Apple sản xuất ! Việc xác định thế nào là “nhãn hiệu nổi tiếng” do Nhà nước đánh giá và qui định. Dựa trên uy tín, thị phần … của sản phẩm).

Về 2 trường hợp “vướng mắc” anh anh nêu, tôi có ý kiến trao đổi như sau (chỉ mang tính nguyên tắc):

1. Trường hợp đang có 1 công ty tên là XXX

Theo thông tin anh cung cấp, thì công ty này có ngành nghề kinh doanh là sản xuất máy móc thiết bị. Như vậy, chữ XXX ở đây là tên thương mại (tên công ty) chứ không hẳn là hàng hóa, sản phẩm của họ. ( Tất nhiên, cũng có thể công ty này cũng đặt tên cho sản phẩm của mình giống với tên công ty là máy XXX chẳng hạn).

Tuy nhiên, do sản phẩm của công ty này không phải là bánh kẹo, nên giả sử công ty của anh có sử dụng tên XXX cho sản phẩm của mình thì cũng không bị trùng lắp/nhầm lẫn ở đây. Hay nói cách khác, về nguyên tắc, công ty anh có thể đăng ký nhãn hiệu XXX cho sản phẩm kẹo của mình trong trường hợp này.

2. Trường hợp công ty AAA đã đăng ký nhãn hiệu XXX nay đã giải thể

Trước hết, anh cần tìm hiểu nhãn hiệu XXX mà họ đăng ký là cho sản phẩm nào, có phải là bánh kẹo hay không? và đăng ký khi nào? thời gian bảo hộ còn lại là bao lâu?

Nếu sản phẩm XXX do công ty AAA đăng ký không phải là bánh kẹo thì về nguyên tắc ( như nói ở trên) công ty anh vẫn có thể đăng ký được. Ngược lại, nếu AAA đã đăng ký nhãn hiệu XXX cho sản phẩm bánh kẹo thì công ty của anh không thể đăng ký được nữa ( Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không chấp thuận đơn đăng ký).

Xét về thời gian, theo qui định, Nhà nước bảo hộ cho nhãn hiệu đăng ký trong thời hạn 10 năm. Khi hết thời gian này có thể được gia hạn thêm mỗi lần 5 năm.

Việc công ty AAA đã giải thể và nay “không xác định được chủ sở hữu” cũng đặt ra các vấn đề pháp lý khác cần giải quyết.

Theo điều 95 Luật sở hữu trí tuệ, trường hợp “chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp” thì các tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hiệu lực của giấy đăng ký nhãn hiệu đã cấp".

Như vậy, nếu nay công ty anh muốn đăng ký nhãn hiệu XXX mà rơi vào trường hợp AAA đã đăng ký và thuộc sản phẩm bánh kẹo thì phải làm sao đó cho giấy chứng nhận bảo hộ của AAA “không còn hiệu lực” nữa. Bằng cách là công ty anh phải gửi Đơn yêu cầu đến Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi có quyết định chấm dứt hiệu lực của Cục SHTT, công ty anh mới có quyền và có thể đăng ký nhãn hiệu này cho mình.

( Cũng cần nói thêm là về lý thuyết là vậy. Nhưng thực tế có lẽ sẽ không đơn giản và kéo dài, vì còn phải thẩm tra, xác minh, thông báo công khai …. Chưa kể nếu có ai “nhào vô” tranh chấp thì sẽ trở nên phức tạp).

Tóm lại, theo tôi nghĩ, công ty anh nên xem xét lại việc có thực sự cần thiết/nhất quyết phải chọn nhãn hiệu XXX cho sản phẩm mới của mình hay không? Nếu công ty quyết tâm thực hiện, thì điều đầu tiên là kiểm tra (nhờ dịch vụ) thông tin về các nhãn hiệu đã đăng ký trong ngành bánh kẹo, thực phẩm. Để biết đã có công ty nào đăng ký và/hoặc đã/đang chờ cấp Giấy chứng nhận đối với nhãn hiệu XXX hay chưa?

Sau đó, nếu chưa có ai đăng ký, thì cần làm sáng tỏ ( về mặt pháp lý) về nhãn hàng của AAA xem có ai tranh chấp hay không? Tiếp đó, phải gửi Đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp cho AAA. Sau khi giải quyết xong việc này công ty anh mới có thể đăng ký cho mình.

Có thể nói khá là phức tạp và theo tôi, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ (trong có có việc đăng ký nhãn hàng hóa) luôn thực sự phức tạp. Chúc công ty anh mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. www.ecolaw.vn.



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn