Saturday, August 2, 2014

Nguyên tắc và hình thức xử lý, giải quyết tranh chấp tên miền .vn

Luật sư Trần Hồng Phong

Tên miền .vn là tài nguyên internet quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (và cả tên miền quốc tế), thông qua Nhà đăng ký tên miền “.vn” thực hiện theo các nguyên tắc bình đẳng, đăng ký trước được quyền sử dụng trước.

Doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ tên thương mại để có cơ sở bảo vệ tên miền tốt hơn (ảnh minh họa)

Các vấn đề pháp lý liên quan đến tên miền được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như: Luật công nghệ thông tin, Luật Viễn thông và một số văn bản dưới luật khác.

Hiện nay (năm 2014), việc giải quyết và xử lý về tranh chấp tên miền .vn được thực hiện theo quy định tại Nghị định 72/2013 ( về nguyên tắc) và Quyết định 73/2010-VINNIC ngày 17/3/2010 của Trung tâm Internet Việt Nam (về thủ tục).

Điều 16 Nghị định 72/2013 quy định về nguyên tắc và hình thức xử lý tranh chấp tên miền .vn như sau:

1. Các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền:

Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo 3 hình thức sau đây:

1. Thông qua thương lượng, hòa giải;

2. Thông qua trọng tài;

3. Khởi kiện tại Tòa án.

Theo đó, khi một bên (cá nhân hoặc tổ chức) cho rằng một bên khác có hành vi đăng ký, sử dụng tên miền xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền thực hiện một trong 3 hình thức giải quyết nói trên – cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong hoặc từ bỏ việc tranh chấp.

Cụ thể, bên bị xâm hại có thể chủ động liên lạc để thương lượng, hòa giải hoặc không cần thương lượng, hòa giải mà nộp đơn khởi kiện tới các Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Tòa án – theo trình tự và thủ tục quy định tại Luật trọng tài thương mại hoặc Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn:

Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa hoặc Trọng tài, phía nguyên đơn (bên khởi kiện) phải chứng minh hoặc thỏa mãn các căn cứ sau đây:

a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;

Ví dụ: Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudeltial đã đăng ký tên miền Prudeltial.vn. Sau đó, có một công ty khác (giả sử là A) hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đăng ký tên miền Prudeltialmedia.vn. Công ty Prudeltial cho rằng công ty A đăng ký tên miền như vậy là có thể “gây nhầm lẫn”, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;

c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;

d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

Ví dụ (giả sử): Một cá nhân tên B nhiều năm qua có hành vi đăng ký nhưng không sử dụng tên miền ecolaw.vn nhằm mục đích ngăn cản, không cho Công ty luật hợp danh Ecolaw đăng ký và sử dụng tên miền này – trong khi ecolaw.vn chính là tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu dịch vụ của Công ty luật hợp danh Ecolaw.

đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

3. Ai là bị đơn?

Trong một vụ án về tranh chấp tên miền, bị đơn (bên bị kiện) là cá nhân hoặc tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền có tranh chấp, thể hiện qua những dấu hiệu sau đây:

a) Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp;

b) Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ;

c) Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn;

d) Có bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.

Lưu ý: Theo đó, hoàn toàn không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức đang sử dụng một tên miền và bị khởi kiện (trở thành bị đơn) thì sẽ bị xác định là có hành vi xâm hại quyền lợi của bên nguyên đơn (thua kiện), mà kết quả giải quyết sẽ căn cứ vào bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc tổ chức Trọng tài.

4. Việc xử lý tên tên miền có tranh chấp:

Cơ quan quản lý tên miền “.vn” và Nhà đăng ký tên miền có nghĩa vụ xử lý tên miền có tranh chấp theo kết quả hòa giải ( Biên bản hòa giải thành của các bên có tranh chấp) hoặc theo quyết định, hay bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan Trọng tài hoặc Tòa án.

Ví dụ: Công ty A và công ty B tranh chấp tên miền X và đưa ra Tòa án giải quyết (A kiện B). Tòa án xét xử và tuyên “B phải trả lại tên miền X cho A”. Khi đó, Trung tâm Internet Việt Nam sẽ có trách nhiệm thu hồi tên miền X từ công ty B và cho phép công ty A được đăng ký tên miền này.

Lưu ý: Bài viết trên chỉ giới thiệu về nguyên tắc và hình thức xử lý, giải quyết tranh chấp tên miền, còn trình tự và thủ tục giải quyết như thế nào – cụ thể là việc nộp đơn khởi kiện và quá trình giải quyết tranh chấp, thì phải thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Luật trọng tài thương mại.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn