Thursday, August 14, 2014

Nghỉ việc chỉ báo trước một ngày có thể bị sa thải?



Hỏi : Vừa qua, một nhân viên kế toán của công ty nộp đơn xin nghỉ việc và ngay ngày hôm sau nghỉ luôn mà không cần chờ công ty xem xét, chấp thuận. Theo qui định thì phải báo trước 45 ngày, tức là phải làm việc tiếp 44 ngày nữa mới được nghỉ. Vậy công ty có thể chờ cho người này nghỉ quá 5 ngày rồi kỷ luật sa thải hay không ? Và sa thải thì công ty có phải trả trợ cấp thôi việc hay không ? Công ty có quyền trừ lương 45 ngày do không báo trước hay không ? Có qui định nào bắt buộc người lao động phải làm đủ 45 ngày mới được nghỉ ? Vì với tình trạng như vậy công ty sẽ rất khó khăn trong việc tìm người thay thế. Rất mong quí luật sư giải đáp giúp, tôi xin chân thành cám ơn. ( Phan Ba T.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

1. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là quyền của NLĐ và khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ không cần sự đồng ý của công ty.

Theo Điều 37 Luật lao động : “Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”.

Như vậy, việc nhân viên kế toán công ty bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn bằng cách gửi Đơn xin nghỉ việc là quyền của NLĐ và anh ta đã có hành vi “báo trước” – điều này không phụ thuộc vào việc công ty có đồng ý hay không.

Vấn đề đặt ra là luật qui định anh ta phải báo trước ít nhất 45 ngày. Nhưng ở đây anh ta chỉ báo trước có 1 ngày. Do vậy có thể kết luận là anh ta đã vi phạm thời hạn báo trước.

Trường hợp như thế này tại khoản 4 điều 41 Bộ luật lao động có qui định : “Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.

Như vậy, công ty có quyền yêu cầu NLĐ phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong 44 ngày (trừ 1 ngày báo trước). Điều này có nghĩa là công ty có quyền trừ vào tiền trợ cấp thôi việc, tiền lương chưa thanh toán …

Hơn nữa, ngoài việc buộc NLĐ phải bồi thường cho những ngày không báo trước, nếu hành vi đơn phương nghỉ việc của NLĐ gây thiệt hại cho công ty thì công ty còn có quyền yêu cầu NLĐ phải bồi thường thiệt hại. Đây là nguyên tắc dân sự nói chung. Ví dụ : Nếu do việc nghỉ việc bất ngờ và không đúng luật như vậy dẫn đến việc công ty không thể kết toán sổ sách trong tháng, gây thiệt hại cho công ty - thì NLĐ phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Công ty có quyền khởi kiện ra tòa.


2. Sa thải là hình thức kỷ luật dành cho người vi phạm kỷ luật lao động chứ không dành cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

Việc bạn hỏi rằng công ty có thể chờ cho NLĐ nghỉ quá 5 ngày (xem như không phép) rồi sa thải là không được. Vì trước đó NLĐ đã có Đơn xin nghỉ việc rồi. Và hành vi nghỉ việc của NLĐ đã bị luật qui định là “vi phạm về thời gian báo trước” – nên công ty không thể “đánh chồng” lên hành vi này một lần nữa.

Mặt khác, vấn đề này cần phải xem kỹ Điều 85 Bộ luật lao động – qui định về việc sa thải NLĐ. Theo đó, sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất, ảnh hưởng và “đụng chạm” nhất. Do vậy luật quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, hình thức sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây :

a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;

c) Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Đối chiếu qui định như trên, không có chi tiết nào nói khi người lao động vi phạm qui định báo trước - khi nghỉ việc - thì bị sa thải. Đoạn văn : “Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng” – không thể hiểu rằng “tự ý bỏ việc” là “ đơn phương nghỉ việc ”. Bỏ việc tức là vẫn đang làm việc nhưng bỏ bê, không làm, không xin phép. Ở đây, NLĐ không tự ý bỏ việc vì đã có Đơn xin nghỉ việc.

Riêng câu hỏi có qui định bắt buộc NLĐ phải làm đủ 45 ngày trước khi nghỉ việc theo tôi thực chất trong Bộ luật lao động cũng đã qui định rõ rồi. Để hạn chế tình trạng như trên, tốt nhất là công ty nên phổ biến định kỳ về pháp luật lao động, lưu ý công khai các qui định về việc nghỉ phép, nghỉ việc … cho mọi người nắm rõ và thực hiện. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn