Thursday, August 21, 2014

Nên làm gì khi người vợ giành được quyền nuôi con nhờ một bản Hợp đồng lao động giả?



Hỏi: Kính gởi Công ty luật hợp danh Ecolaw. Tôi đang gặp một vấn đề rất tế nhị và rất khó nghĩ, đó là vì tôi chỉ là một trong các mối quan hệ gia đình với các đương sự mà tôi đang đề cập.

Tôi là bà nội của cháu L. 7 tuổi. Vợ chồng con trai tôi đã li hôn từ đầu năm nay 2012. Qua 2 lần ra tòa thì nhận quyết định li hôn và quyền nuôi con được giao cho con dâu tôi. Vấn đề này thì tôi không có ý kiến vì đã xác định là con ở với ai, cha hoặc mẹ đều được.

Nhưng vẫn có nhiều điều mà tôi không thể đồng ý với quyết định này của tòa là:


- Với con trẻ 7 tuổi được giải quyết cho người chứng minh được tài chánh thì được quyền nuôi con. Con trai tôi đã có đủ các chứng minh tài chánh nhưng không được chọn giao quyền nuôi con.

- Tòa lại giải quyết cho con dâu tôi quyền nuôi con dựa trên một bản Hợp Đồng Lao động GIẢ với mức lương 7 triệu/tháng.

Trong khi cháu L. đang học hành ổn định tại một trường tốt ở quận (X) TP. HCM, thì con dâu tôi đi thẳng đến trường cháu đang học kì 2 lớp 2 để rút ngang hồ sơ khỏi trường khi chưa có giấy Lệnh Thi hành án.

Nêu thắc mắc đó với nhiều Luật sư tư vấn thì được giải thích: Tòa ưu tiên người mẹ khi xét thấy người mẹ có đủ điều kiện. Vậy, tôi xin hỏi:

1. Thế thì Tòa đặt quyền lợi của con trẻ như thế nào khi giao cho một người dùng tài chính giả quyền nuôi con?

2. Con trai tôi đã nộp đơn kháng án xin chuyển đổi quyền nuôi con và có bổ sung đơn xin kiểm chứng tài chánh của con dâu tôi, nhưng cũng được khuyên: "Làm cho có thôi chứ không thay đổi quyết định được. Chờ cháu lên 9 tuồi nó được quyền chọn ở với cha hay mẹ thôi.

3. Con trai tôi có thể làm gì với vấn đề này khi tha thiết được giữ con mình vì chính lợi ích của con, vì chính cuộc sống thực, sự ổn định của con mình; khi lo lắng về đạo đức của người mẹ dựa trên việc con dâu tôi từ chối nhận tiền cấp dưỡng nuôi con trước tòa (theo gọi ý của ai đó), nhưng sau khi giành được quyền nuôi con thì con dâu tôi đã trả lời: "Sợ con khổ thì gởi tiền về cho nó" khi hai vợ chồng đang thỏa thuận việc giao nuôi con.

4. Con trai tôi có thể khởi tố con dâu tôi việc dùng bản Hợp đồng GIẢ ấy như thế nào? Hay khởi tố công ty cấp hợp đồng đó?

Riêng tôi, tôi đã phải chịu nhiều phiền muộn từ các con (trai và dâu). Tôi không muốn cháu tôi lại tiếp tục nay cha dằng, mai mẹ kéo, khổ thân cháu nội tôi lắm!

Bản thân tôi đánh giá công minh:

- Con dâu tôi từ ngày về làm dâu, không có khả năng có việc làm, có thì chỉ là những công việc mà tôi từng khuyến khích là "con cứ đi làm cho vui chứ ở nhà làm chi. Có mẹ trông con dùm cho rồi..." với mục đích tạo cho con dâu niềm vui với quan hệ xã hội...

- Cháu nội tôi ở với tôi từ tấm bé nên việc con dâu tôi chăm sóc con là rất kém vì đã có mẹ chồng.

- Hiện tại tôi biết con dâu tôi vẫn làm chỗ cũ trước khi li hôn chứ không phải làm việc tại công ty đã kí hợp đồng như trong hồ sơ li hôn.

Và điều kết cuộc mà tôi quan tâm thực sự là một cuộc sống ổn định và tốt nhất cho cháu L..

Việc đưa con dâu tôi ra pháp luật về tội lừa đảo luật pháp là việc tôi muốn hạn chế.

Tôi chỉ muốn kêu oan để đòi lại quyền trẻ em cho cháu L. Cháu có quyền được sống cuộc sống thực, tốt có tương lai trong điều kiện của cha nó. Cuối thư, tôi xin được hướng dẫn phải làm việc với ai để giải quyết vấn đề này của tôi? Tôi cần bổ sung những gì? Tôi xin chân thành cám ơn đã gợi ý cho tôi "nên thuê luật sư" và cho tôi địa chỉ email của bổn công ty luật. Kính thư (Th. V.).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Với hơn 10 năm hành nghề luật sư, tôi đã trực tiếp tiếp xúc với hàng trăm tình huống liên quan đến hôn nhân gia đình. Do vậy, tôi không thấy có gì bất ngờ khi nhận được thư của một người là bậc cha mẹ, thắc mắc liên quan đến việc “tranh giành” quyền nuôi con chung khi ly hôn ( mà ở đây là cháu nội của chị).

Tôi đã gặp khá nhiều trường hợp cha mẹ đi hỏi về việc ly hôn cho con. Cha mẹ muốn nhờ luật sư tư vấn sao cho con trai ly hôn “được” với con dâu, con gái ly hôn “được” với con rể. Hay thậm chí có trường hợp ông bà hỏi về việc muốn giành quyền nuôi “cháu” … vv.

Suy cho cùng, những điều đó, cũng như ý nguyện về việc giành nuôi con/cháu như vậy, đã thể hiện cha/mẹ hoặc ông/bà thực sự có tình thương và trách nhiệm với con trẻ.

Tuy nhiên, cũng chính từ việc “tranh giành” như vậy mà trong đầu tôi đã biết bao lần nảy sinh ra những câu hỏi mà không thể tự trả lời:

- Nếu đã thực sự yêu thương con như vậy, sao lại không yêu thương người vợ/chồng của mình – để đến cảnh phải ly hôn, ly tán? Nhiều khi tan nát một gia đình. Mà bất luận thế nào, thì có lẽ người thiệt thòi nhất chính là con trẻ - dù chúng không hề có tội tình gì. Một cô bé cậu bé lớn lên mà thiếu đi sự chăm sóc trực tiếp của cha, hay mẹ mỗi ngày - đều là những thiệt thòi và khiếm khuyết vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng đến suốt cuộc đời.

- Vì sao mỗi bên lại cứ phải cố giành quyền nuôi con, trong khi bên kia (bên được tòa “cho” nhận nuôi) cũng chính là cha hay mẹ cháu bé ? (Chứ không phải là “người dưng”, là “ác quỉ” …). Phải chăng trong nhiều trường hợp, người ta tranh giành quyền nuôi con là vì sự tự ái, sự hiếu thắng ? – chứ không phải thực sự vì yêu thương con cái ?

- Tại sao trong ngày càng nhiều vụ án ly hôn, vai trò của cha mẹ đối với con cái đang ngày càng mờ nhạt? Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đã dửng dưng biết bao khi nói về chuyện nuôi, dạy, yêu thương con cái. Có biết bao gia đình, mà những người thực sự yêu thương, trực tiếp chăm lo cho con trẻ lại là ông bà, chứ không phải là cha mẹ. Hình như vậy giờ, người ta cưới nhau và ly hôn thật dễ dàng, đơn giản. Hình như bây giờ, các bạn trẻ khi kết hôn nhiều khi không cần biết sẽ sống như thế nào, nuôi dạy con cái ra sao … - vì đã có sự “bao bọc” của ông bà cha mẹ. Tôi đã chứng kiến thật nhiều những cặp đôi ly hôn mà thoạt nhìn đều là trai tài gái sắc, quá trẻ và ly hôn chỉ trong vòng một vài năm sau khi kết hôn. Thật đáng tiếc.

Sở dĩ tôi nói có phần “dong dài” như trên, không ngoài mục đích là để “chuẩn bị” cho việc trả lời những câu hỏi của chị. Giờ, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Trước hết, việc tòa án chấp thuận cho các bên ly hôn hay không và trao quyền nuôi con cho ai hoàn toàn thuộc về “thẩm quyền”, dựa trên sự “cảm nhận” và suy nghĩ, đánh giá chủ quan của Hội đồng xét xử. Đó là nguyên tắc của pháp luật ( mặc dù nếu như vậy, thì trong nhiều trường hợp, rất có thể sự phán quyết của Tòa sẽ bị đồng tiền mua chuộc. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta hãy xem như loại bỏ yếu tố đó ra).

Về quyền nuôi con, thực ra hoàn toàn không có một công thức cụ thể/máy móc nào để tòa căn cứ vào mà quyết định. Mà phán quyết phải dựa trên sự tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng dựa trên nguyên tắc sau ( Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình):

“2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.

Với qui định như vậy, rõ ràng Tòa án có trách nhiệm phải thiên về xu hướng giao quyền nuôi con (nhất là khi con còn nhỏ) cho người mẹ - trong trường hợp có sự tranh chấp về quyền nuôi con. Vì lẽ theo lẽ tự nhiên và mang tính truyền thống, người mẹ thường là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con ( như tắm rửa, cho bú, …vv). Nên người mẹ có khả năng chăm sóc và gần gũi con nhỏ tốt hơn người cha. ( Chẳng phải ông bà ta vẫn có câu “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má lót lá mà nằm” đó sao). Hơn nữa, người người mẹ chính là người đã mang nặng đẻ đau ra con trẻ, nên không có lý do gì để họ không yêu thương con. (Cũng như chính chị vậy. Qua lá thư, cho thấy hẳn là chị đã rất nặng lòng và yêu thương con trai mình).

Vấn đề cần đặt ra là : vậy thì thế nào là “quyền lợi về mọi mặt của con”? – trong khi đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất để tòa quyết định ai là người có quyền nuôi con.

Theo tôi, “quyền lợi về mọi mặt” không đơn thuần chỉ là vấn đề tiền bạc, vật chất -mà phải xét tới nhiều yếu tố khác. Không hẳn cứ là bên nào giàu, chứng minh được mình có nhiều tiền thì bên đó “hiển nhiên” có quyền được nuôi con. (Trừ khi là trường hợp người mẹ quá khó khăn). Vì đâu phải người mẹ được quyền nuôi con thì người cha không có nghĩa vụ gì. Mà trong trường hợp này, theo luật, người cha phải có nghĩa vụ góp tiền (cấp dưỡng) nuôi con.

Tòa cũng có thể căn cứ vào thái độ, phản ứng của cả cha, mẹ và con trong quá trình giải quyết vụ án. Hãy hình dung trong một phiên tòa ly hôn, một bên trưng ra nhiều tiền (chẳng hạn là người cha, trưng ra được thu nhập 30 triệu đồng/tháng), nhưng thái độ thì lạnh nhạt, không nhớ con mình sinh ngày nào, bạn của con là ai, con thích ăn gì, thói quen ra sao... Trong khi một bên (chẳng hạn là mẹ) lại đáp ứng được những điều đó, dù thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng. Nếu là tôi, tôi vẫn cảm thấy “an tâm” hơn khi giao quyền nuôi con cho người mẹ.

Ý tôi muốn nói rằng, bản hợp đồng lao động “giả” mà chị nêu ra chỉ là một trong những lý do để tòa căn cứ để tòa xem xét, chứ không phải là chứng cứ duy nhất và mang tính quyết định đến quyền nuôi con của người mẹ.

( Thực tình, tôi cũng cảm thấy có “lời khen” vì con dâu chị đã cố tình làm ra tờ hợp đồng lao động giả, có thể xem là “mưu mẹo” – thể hiện quyết tâm giành được quyền nuôi con. Một người mẹ như vậy không thể là xấu, không thương con. Và chị (bà nội của cháu bé) cũng không phải quá lo lắng khi cháu nội của mình được sống với mẹ ).

Mặt khác, luật cũng qui định sau khi ly hôn, theo sự thỏa thuận hoặc hoàn cảnh khách quan, các bên hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa tuyên thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con. Do vậy, nếu trong thời gian tới, trường hợp con dâu của chị không hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng của một người mẹ, thì khi đó con trai chị vẫn có quyền đề nghị tòa chuyển giao quyền nuôi con cho mình.

Một ý khác mà tôi muốn nói thêm là thực ra, thời gian sẽ trôi đi rất nhanh, cháu nội 7 tuổi của chị hôm nay sẽ nhanh chóng trưởng thành và “tung cánh” trong tương lai gần. Cháu không thể và cũng không muốn ở “mãi” với cha mẹ, ông bà. Hay rồi con trai chị có lẽ cũng sẽ đến ngày lấy vợ khác. Trong trường hợp vậy, rõ ràng việc tranh giành quyền nuôi con ngày hôm nay rõ ràng không nhất thiết là phải “thắng bằng mọi giá” chị ạ.

Về các câu hỏi liên quan đến bản hợp đồng lao động giả, tôi nghĩ rằng đây không phải là vấn đề nghiêm trọng (vì thực sự cũng không thể nói đó là hành vi “nguy hiểm cho xã hội” hay làm hại gì đến ai). Nên có lẽ tòa án cũng sẽ “bỏ qua” chứ không truy cứu gì nặng nề con dâu chị đâu. Kể cả việc có tố giác công ty làm hợp đồng giả, thì nặng lắm cũng chỉ có thể là xử lý hành chính. Vì đó không phải là hành vi phạm tội.

Nói tóm lại, tôi chia sẻ và hoàn toàn thông cảm, thông hiểu về những điều đã chị nêu ra trong lá thư chi tiết của mình và tin tưởng gửi đến cho chúng tôi. Tuy nhiên, dẫu có thể không làm chị vui lòng, thì những điều tôi trình bày trên đây là không thay đổi. Chúc chị và gia đình mọi sự tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn