Thursday, August 14, 2014

Muốn chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện?



Hỏi : Vợ chồng tôi ở Thanh Hóa. Tôi là con ngoài giá thú của bố tôi. Điều này được công khai với tất cả anh em họ hàng. Bố tôi cũng đứng tên trong giấy khai sinh và cấp dưỡng thường xuyên cho tôi. Ngoài ra bố tôi còn có vợ và một người con trong giá thú ở Vũng Tàu.

Tháng 1-1999 bố tôi mất đột ngột trong một tai nạn giao thông để lại tài sản mà tôi biết được là căn nhà 3 tầng trên diện tích 150m2 tại Vũng Tàu. Phần đất căn nhà này bố tôi có trước khi lập gia đình. Và căn nhà cấp 4 trên diện tích đất nhà và vườn là khoảng 500m2 tại quê của bố ở Thanh Hóa. Đây là phần bố tôi được thừa kế của ông bà nội mất trước đó. 


Ngày bố tôi mất khi đó cuộc sống của gia đình tôi tuy không giàu nhưng cũng bình thường, không phải lo nghĩ nhiều về chuyện kinh tế và cũng một phần vì tự trọng nên tôi không đòi hỏi trong việc thừa kế. 

Tuy nhiên, sau này tôi đình tôi có nhiều biến động, phải bán nhà và hoàn cảnh hiện khá khó khăn. Do vậy, tôi có gọi điện cho những người trong gia đình bố tôi đề nghị xin một phần trong 500m2 mảnh đất ở Thanh Hóa để có thể xây nhà. (Do đất ở nông thôn không có nhiều giá trị nên được gia đình nhà bố cháu giao cho ông cậu của bố sử dụng và quản lý. Nay cụ đã yếu nên không trồng trọt gì mà cho những người hàng xóm trồng rau trên đó và nghe nói gia đình nhà bố tôi sắp bán đứt cho một người hàng xóm). Nhưng họ cương quyết không cho và còn có những lời lẽ xúc phạm, thách đố.

Tôi có mua bộ luật dân sự về đọc và thấy là thời hiệu để khởi kiện về thừa kế là 10 năm trong khi bố tôi mất được hơn 11 năm. Tôi muốn hỏi : liệu có khởi kiện được không ? Nếu không thì còn cách nào để có thể được hưởng một phần trong số tài sản mà bố tôi để lại không ? Tôi cảm ơn rất nhiều ! (Le M.)

Luật sư Nguyễn Công khán trả lời:

Bạn đã kể cho chúng tôi một câu chuyện thật dài về gia đình bạn. Tuy bạn là con ngoài giá thú nhưng bạn vẫn được thừa hưởng di sản do bố bạn để lại. Vì theo qui định của pháp luật, con cái có quyền hưởng di sản của cha mẹ, bất luận là trong hay ngoài giá thú.

Bố bạn mất tháng 01/1999, đến nay đã hơn 11 năm. Theo qui định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (tức thời điểm bố bạn mất). Do đó, thời hiệu để bạn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết. Thật đáng tiếc.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có ban hành Nghị quyết 02/2004 ngày 10/08/2004 để hướng dẫn về 2 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện thừa kế như qui định của Bộ luật dân sự.

Cụ thể như sau:

“1. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
1.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
1.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
1.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
2. Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.”

Đối chiếu với qui định trên thì bạn có thể và có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án chia tài sản chung của bố bạn trong khối tài sản chung đã được xác định.

Như vậy, vấn đề có ý nghĩa quyết định là : cần phải xác định khối di sản do bố bạn để lại và không có tranh chấp giữa các đồng thừa kế. Qua những thông tin bạn cung cấp, có thể thấy rất khó để các đồng thừa kế của bố bạn và bạn thống nhất được với nhau là không có tranh chấp về thừa kế và di sản của bố bạn chưa chia - theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2004. Trong khi chỉ cần có một đồng thừa kế tranh chấp (không đồng ý) thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết vụ án chia tài sản chung.

Mặt khác, bàn riêng về phần đất di sản của bố bạn tại Thanh Hóa. Như bạn trình bày thì bố bạn được thừa hưởng từ ông bà nội. Nhưng đó chỉ là lời bạn nói, bởi trong phần trình bày của bạn còn nhắc đến “gia đình nhà bố tôi …”. Liệu những người này có thừa nhận quyền thừa kế của bố bạn hay không ?

Trên đây chỉ là những thông tin cơ bản với mong muốn giúp bạn đánh giá và có sự lựa chọn trong cách giải quyết vấn đề của mình. Theo chúng tôi, trước mắt bạn nên thu thập thông tin đầy đủ và chi tiết hơn về các tài sản do bố bạn để lại. Sau đó bạn nên tìm đến một văn phòng luật sư gần nơi bạn ở để nhờ tư vấn, tìm hướng giải quyết thì sẽ hiệu quả hơn. Chúc bạn mọi việc thuận lợi. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn